Bảo Ninh 2 tồn kho 1.670 tỷ, Nam Mê Kông (VC3) âm nặng dòng tiền, tiếp tục 'vòng quay' tăng vốn
Liên tiếp gặp khó khăn trong dòng tiền, dự án Bảo Ninh 2 cũng đang tồn kho nghìn tỷ, Nam Mê Kông (VC3) định vay nợ thêm 1.000 tỷ và huy động vốn 375 tỷ từ cổ đông.
Nam Mê Kông (VC3) vỡ kế hoạch năm 2023
CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông từng hi vọng kịch bản hồi phục của thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, kết quả VC3 vẫn chỉ hoàn thành chưa được một nửa kế hoạch đề ra.
Cụ thể, trong năm 2023, Nam Mê Kông ghi nhận doanh thu 813,5 tỷ đồng, lãi sau thuế mang về 140,9 tỷ đồng. Tuy mức doanh thu và lợi nhuận này đều đã gia tăng đáng kể so với cùng kỳ nhưng lần lượt chỉ đạt 43,4% và 32,4% so với kế hoạch năm đã đặt ra.
Giải trình về kết quả trên, VC3 cho biết nguyên nhân do thị trường bất động sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Thanh khoản bất động sản duy trì ở mức thấp, ách tắc pháp lý, áp lực về nguồn vốn gây ảnh hưởng lớn đến các dự án của công ty.
Trong năm 2024, VC3 đặt mục tiêu doanh thu 1.158,9 tỷ đồng, tăng tới 42% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ dự kiến đạt 199 tỷ đồng, tăng 41%. Dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 17% trong năm 2024.
3 năm liên tiếp âm nặng dòng tiền, VC3 duy trì hoạt động ra sao?
Bất chấp doanh thu và lợi nhuận đều ghi nhận tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2023, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của VC3 lại cho thấy một sự bất ổn.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 là âm 84 tỷ đồng. Sang đến năm 2022, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 214 tỷ đồng. Tại năm 2023, dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục 311 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh liên tục âm cho thấy nguồn tiền thu được từ lãi trong kinh doanh không đủ bù cho các khoản phải chi. Do đó cũng không quá khó hiểu khi công ty phải tăng cường vay nợ để bù đắp sự thiếu hụt dòng tiền.
Tại năm 2021, công ty ghi nhận tiền từ vay nợ tới 372,6 tỷ đồng, chỉ trả nợ 27 tỷ đồng. Sang đến năm 2022, VC3 trả nợ gốc 1.031,9 tỷ đồng nhưng đồng thời cũng vay thêm 734,6 tỷ đồng. Tại năm 2023, công ty trả nợ 139 tỷ đồng nhưng lại vay thêm 312,6 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa công ty chưa trả xong đã lại phải vay thêm nợ để bù đắp dòng tiền.
Một phần nguyên nhân gây nên tình trạng trên có thể thấy được qua lượng hàng tồn kho. Tại cuối năm 2023, hàng tồn kho của VC3 chiếm tới 2.176 tỷ đồng, tương đương 64,6% tổng tài sản công ty.
Đặc biệt trong lượng tồn kho này, Dự án Bảo Ninh 2 đang chiếm 1.670,5 tỷ đồng. Theo sau đó là The Charm Bình Dương với 475,2 tỷ đồng.
Việc một lượng lớn tài sản đang nằm dưới dạng hàng tồn kho, trong khi thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn có thể gây nên rủi ro lớn cho hoạt động của VC3. Mới đây, công ty cũng đang chuẩn bị phải huy động thêm cả nghìn tỷ đồng từ kênh trái phiếu và phát hành riêng lẻ.
Tiếp tục "vòng quay" tăng vốn và vay nợ
Dòng tiền liên tục âm khiến VC3 phải lựa chọn các phương án tăng vốn hoặc đi vay nợ thêm để duy trì hoạt động. Trên tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, công ty đã báo cáo việc sử dụng hết toàn bộ 343 tỷ đồng từ chào bán chứng khoán phát hành tại ngày 27/9/2022.
Trong đó 200 tỷ được sử dụng để trả nợ cho các khoản vay thực hiện dự án Bảo Ninh 2. Số tiền 134 tỷ còn lại được dùng để đầu tư xây dựng các công trình tại Bảo Ninh 2.
Ngoài ra, VC3 cũng dự định trình cổ đông phương án phát hành tối đa 1.000 tỷ trái phiếu. Phương thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán trái phiếu riêng lẻ. Mục đích phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện các dự án đầu tư của công ty.
Cần phải lưu ý rằng nếu huy động thành công 1.000 tỷ trái phiếu, lượng nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn của VC3 sẽ tăng vọt. Trong năm 2023, nợ vay ngắn hạn của công ty từng tăng gấp 3,5 lần, từ 120 tỷ đầu năm lên 415 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VC3 cũng trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu tỷ lệ 30%, tương ứng 37,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của VC3 sẽ tăng lên 1.627 tỷ đồng.