Báo Pháp Luật TP.HCM chúc mừng 45 năm thành lập Sở GTVT TP.HCM
Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Sở GTVT TP.HCM, Lãnh đạo Báo Pháp Luật TP.HCM đã tới sở để chúc mừng.
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM đã tới chúc mừng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sở GTVT TP.HCM. Nhân dịp này, ông Mai Ngọc Phước gửi lời chúc mừng tới tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên Sở GTVT trong 45 năm xây dựng và phát triển. Đồng thời, ông Phước cũng gửi lời cảm ơn tới Sở GTVT đã đồng hành cùng báo trong việc cung cấp thông tin tới người dân.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, chia sẻ trong những năm đầu thành lập, Sở GTVT đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt để sửa chữa, hoàn thiện hàng trăm km đường giao thông nông thôn; duy tu, bảo trì hệ thống cầu, đường bộ trong nội đô TP.
Các xí nghiệp công tư hợp doanh về vận tải ô tô, vận tải thủy đã phát huy tác dụng khá tốt trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lúc bấy giờ.
Đặc biệt khi tham gia xu thế mở cửa của nền kinh tế thị trường, Sở GTVT đã tham mưu Lãnh đạo TP thành lập mới Công ty Vận tải biển Sài Gòn, Cảng Bến Nghé, Công ty cơ khí ô tô Sài Gòn, Liên hiệp hợp tác xã vận tải để TP kịp thời và chủ động hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Trong nhiệm vụ mới, Sở GTVT đã có những quyết sách chiến lược hình thành nhiều dự án, công trình mang tầm vóc thế kỷ như: mở rộng đường Điện Biên Phủ, xây dựng mới đại lộ Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, đại lộ Đông – Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ), cải tạo kênh Tàu Hũ - Bến Nghé và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các nhà máy xử lý nước thải...
Trong thời kỳ này, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các hợp tác xã vận tải bằng xe buýt; bố trí, phân bổ và mở thêm các luồng tuyến xe buýt. Đặc biệt năm 2001, Thành phố có chủ trương trợ giá cho hoạt động xe buýt. Có thể nói đây là bước ngoặt trong vận tải hành khách công cộng tại TP.
Song song đó, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn được đưa vào hoạt động, công tác chuẩn bị thực hiện dự án metro được triển khai quyết liệt và tích cực để các tuyến metro của TP có được hình hài như ngày hôm nay.
Từ đây, sở đã tập trung cho công tác quản lý nhà nước, hệ thống công trình giao thông của TP được duy tu, bảo trì tốt hơn; nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần hình thành hệ thống giao thông vận tải ngày càng hiện đại và đồng bộ, kết nối có hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu mối giao thương của cả nước.
"Nhiều công trình đưa vào sử dụng và phát huy tốt hiệu quả như: cầu Sài Gòn 2, Xa lộ Hà Nội, mở rộng đường Trường Chinh, nút giao An Sương, nút giao Cát Lái, cầu Thủ Thiêm, tuyến đường Phạm Văn Đồng... Các tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa cũng được hình thành và phát triển, hứa hẹn nhiều tiềm năng phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng da dạng của người dân TP" - ông Lâm chia sẻ.