Bao phủ toàn dân bằng hệ thống ba trụ cột

Trong hơn ba thập kỷ, Trung Quốc đã nỗ lực chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch cũ, nơi lương hưu được trả và bảo đảm hoàn toàn thông qua các doanh nghiệp nhà nước, sang mô hình phù hợp với thị trường. Hiện tại, Trung Quốc thúc đẩy mô hình hưu trí ba trụ cột, bao gồm hệ thống lương hưu cơ bản do nhà nước lãnh đạo; chương trình lương hưu tự nguyện của người lao động từ người sử dụng lao động; chương trình lương hưu tự nguyện của cá nhân.

Đối với lao động thành thị

Trung Quốc đã thực hiện bảo hiểm hưu trí cho lao động thành thị ở khu vực công và ở các doanh nghiệp với một hệ thống gồm ba trụ cột. Trụ cột đầu tiên và chính là hệ thống bảo hiểm xã hội hưu trí cơ bản được thiết lập vào năm 1990. Để bổ sung cho trụ cột đầu tiên, Chính phủ đã bổ sung niên kim doanh nghiệp vào năm 2004 như là trụ cột thứ hai của hệ thống. Và vào năm 2022, Chính phủ đã đưa ra các tài khoản hưu trí cá nhân (IRA) như là trụ cột thứ ba. Cụ thể của mỗi trụ cột như sau:

 Năm 2022, Trung Quốc khởi động chương trình hưu trí cá nhân, tạo thành hệ thống hưu trí ba trụ cột. Nguồn: asianinvestor.net

Năm 2022, Trung Quốc khởi động chương trình hưu trí cá nhân, tạo thành hệ thống hưu trí ba trụ cột. Nguồn: asianinvestor.net

Hệ thống hưu trí cơ bản: Đây là hệ thống hưu trí bắt buộc cho mọi người dân, gồm các chương trình: lương hưu cơ bản; chương trình hưu trí không đóng góp; chương trình hưu trí cho người dân nông thôn và người dân thành thị không có việc làm hưởng lương.

Nguồn quỹ được hình thành từ 3 nguồn:

- Người sử dụng lao động đóng 16% (trước kia là 20%) tổng quỹ lương vào quỹ lương hưu chung, phụ thuộc vào các quy định của địa phương.

- Người lao động đóng 8% tổng thu nhập vào tài khoản cá nhân bắt buộc. Thu nhập tối thiểu để tính toán mức đóng góp bằng 60% tiền lương trung bình tại địa phương năm trước đó. Thu nhập tối đa để tính toán mức đóng góp không cố định nhưng có thể bằng 300% tiền lương trung bình tại địa phương năm trước đó.

- Trợ cấp của Chính phủ trong trường hợp quỹ địa phương gặp khó khăn.

Mặc dù là chế độ bảo hiểm tự nguyện, nhưng khi áp dụng thì có thể coi là “bắt buộc”, đặc biệt là đối với những đối tượng có thu nhập.

Niên kim doanh nghiệp: Do chủ doanh nghiệp và nhân viên cùng đóng góp tự nguyện trong đó chủ doanh nghiệp đóng góp 1/12 tổng chi quỹ lương của năm trước liền kề. Tổng đóng góp của chủ doanh nghiệp và người lao động không vượt quá 1/6 tổng chi quỹ lương của năm trước liền kề. Quỹ này được chính quyền giao cho các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, có uy tín quản lý và đầu tư. Đến tuổi nghỉ hưu, người lao động có thể lĩnh tiền hằng tháng hoặc một lần từ tài khoản của mình.

Hệ thống tài khoản cá nhân (IRA): ra mắt từ năm 2022, hệ thống này do người lao động đóng góp tự nguyện trên cơ sở có thể chọn đầu tư tiền trong IRA của họ vào một số sản phẩm tài chính nhất định để kiếm được lợi nhuận cao hơn nhưng cá nhân phải chịu rủi ro đầu tư.

Tính đến nay, sau chưa đầy 1,5 năm ra đời, hệ thống IRA của Trung Quốc thu hút hơn 60 triệu người mở tài khoản. Sự tham gia vào hệ thống IRA này dự kiến sẽ tăng nhanh chóng, với tổng tài sản đạt gần 163 tỷ NDT (23 tỷ USD) vào năm 2025 và tăng gấp năm lần lên 884,9 tỷ NDT (124 tỷ USD) vào năm 2030.

Ngược lại với sự gia tăng nhanh chóng của các kế hoạch tư nhân, hệ thống niên kim doanh nghiệp phát triển chậm chạp. Đến năm 2022, trong số gần 53 triệu công ty đủ điều kiện tham gia tại Trung Quốc, chỉ có 128.000 công ty, ít hơn 0,25%, đã đăng ký vào kế hoạch. Hơn nữa, chỉ có 30,1 triệu trong tổng số 733,51 triệu nhân viên trên toàn quốc (khoảng 4%) được đăng ký vào hệ thống trợ cấp doanh nghiệp. Hầu hết những người tham gia là nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các công ty tư nhân lớn, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tỷ lệ tham gia thấp.

Đối với lao động nông thôn, thành thị không có việc làm

Để tăng độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm hưu trí, Trung Quốc đã thúc đẩy Chương trình bảo hiểm hưu trí cho lao động nông thôn và thành thị với đối tượng tham gia là tất cả người lao động trên 16 tuổi chưa tham gia bất kỳ chương trình bảo hiểm hưu trí công nào, cư dân thành thị và nông thôn thất nghiệp, người lao động có công việc linh hoạt.

Nguồn quỹ được hình thành từ ba nguồn: đóng góp của cá nhân, hỗ trợ của tập thể và trợ cấp của Chính phủ.

Người dân có thể tự do lựa chọn giữa 12 mức đóng góp cố định (tổng số tiền đóng) mỗi năm: với mức tối thiểu là 100 NDT và tối đa là 2.000 NDT (các mức đóng góp tiếp theo có thể do chính quyền địa phương quy định tùy theo tình hình cụ thể).

Mức hưởng được tính như sau: Người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng lương hưu gồm hai phần: phần do Chính phủ đảm bảo và phần còn lại được tính từ tài khoản của cá nhân.

Phần tiêu chuẩn do Chính phủ bảo đảm hiện tại là 1.400 NDT/tháng. Trên cơ sở này, lương hưu bổ sung hàng năm sẽ được cấp cho những lao động đủ điều kiện. Trong số đó, đối với những người đóng góp hơn 15 năm. Cứ vượt quá một năm, lương hưu cơ bản sẽ tăng thêm 20 NDT/tháng.

Phần từ Tài khoản cá nhân: bằng tổng số tồn tích trong tài khoản tính đến khi hưởng lương hưu chia cho 139 tháng.

Tính đến cuối năm 2022, hệ thống hưu trí của Trung Quốc đã đạt được phạm vi bao phủ gần như toàn dân, với khoảng 1,05 tỷ người tham gia, còn khoảng 350 triệu người không được bảo hiểm, chủ yếu là những người dưới 16 tuổi.

Tình trạng chênh lệch giữa thành thị và nông thôn

Mặc dù hệ thống hưu trí ba trụ cột của Trung Quốc đạt được thành tựu quan trọng với mức độ bao phủ cao, song một trong những bất cập hiện nay của hệ thống này là tình trạng chênh lệch về mức thụ hưởng hưu trí của lao động thành thị và những lao động nông thôn không có hộ khẩu thành thị.

Đặc biệt, có rất nhiều lao động nông thôn đang làm việc ở thành thị, nhưng do không có hộ khẩu thành thị nên họ không được đóng bảo hiểm theo chương trình bảo hiểm hưu trí ở thành thị.

Người lao động di cư từ nông thôn ra thành thị luôn chiếm tỷ lệ thấp trong số những người tham gia chương trình lương hưu đô thị cơ bản. Số lượng người lao động di cư nông thôn được hưởng chế độ lương hưu của nhân viên thành thị năm 2017 ước tính chỉ là 62 triệu người, chiếm 22% tổng số người lao động di cư tại thời điểm đó.

Vào cuối năm 2020, có 285 triệu người lao động di cư ở Trung Quốc, chiếm khoảng 36,8% dân số có việc làm, nhưng hầu hết trong số họ không được đưa vào các chương trình lương hưu của nhân viên thành thị hoặc chỉ là một phần của các chương trình bảo hiểm y tế dành cho cư dân thành thị và nông thôn.

Quỳnh Vũ (Theo China Briefing, China Labor bulletin, rsj.sh.gov.cn)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-phu-toan-dan-bang-he-thong-ba-tru-cot-post390299.html