Bao phủ vaccine phòng COVID-19- Chiến lược quan trọng hơn việc tăng cường mũi vaccine thứ ba

Các bằng chứng hiện tại chưa cho thấy cần tiêm mũi vaccine tăng cường (vaccine mũi 3), vì với các mũi tiêm vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả cao ngăn ngừa tình trạng bệnh COVID-19 trầm trọng.

Theo các nhà khoa học thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bằng chứng hiện nay về vaccine phòng COVID-19 dường như không ủng hộ quan điểm cho rằng cần tăng cường mũi tiêm vaccine thứ ba (mũi vaccine tăng cường).

Vaccine phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả với biến thể delta

Vaccine phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả với biến thể Delta

Trong bài báo mới đây được công bố trên Tạp chí y khoa The Lancet, Tiến sĩ Philip Krause và Marion Gruber, 2 nhà lãnh đạo cấp cao về vaccine của FDA, cho biết: "Các bằng chứng hiện tại không cho thấy cần tiếp tục mũi vaccine tăng cường trong cộng đồng nói chung, vì với các mũi tiêm vaccine hiện tại thì vẫn có hiệu quả cao ngăn ngừa tình trạng bệnh COVID-19 trầm trọng".

FDA và các cơ quan y tế công cộng khác trên thế giới tiếp tục kiểm tra bằng chứng về hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 và vai trò của liều vaccine tăng cường trong việc cải thiện khả năng miễn dịch chống lại căn bệnh này.

Các nhà khoa học cho biết họ đã phân tích tổng quan các thử nghiệm ngẫu nhiên và nghiên cứu quan sát về vaccine phòng COVID-19 và đều nhận thấy rằng:

"Hiệu quả của vaccine về cơ bản là giúp chống lại tình trạng bệnh COVID-19 trầm trọng. Ngoài ra, tiêm chủng cũng có tác dụng đáng kể ngăn ngừa tình trạng nặng đối với tất cả cả các biến thể virus. Mặc dù hầu hết các loại vaccine phòng COVID-19 có triệu chứng đều thể hiện hiệu quả kém hơn đối với biến thể Delta so với biến thể Alpha, nhưng nhìn chung vẫn có hiệu quả tốt chống lại cả tình trạng bệnh có triệu chứng và bệnh nặng do biến thể Delta gây ra".

Các nhà khoa học nhấn mạnh: "Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về việc giảm đáng kể khả năng bảo vệ của vaccine chống lại tình trạng COVID-19 nặng, ngay cả khi theo thời gian thì vaccine có vẻ như giảm hiệu quả với thể COVID-19 có triệu chứng".

Ưu tiên bao phủ vaccine phòng COVID-19 là quan trọng

Theo các nhà khoa học, nguồn cung cấp vaccine phòng COVID-19 hiện tại có thể "cứu sống nhiều người hơn" nếu được sử dụng ở những người chưa được tiêm chủng thay vì được sử dụng làm mũi tiêm tăng cường.

Các nhà khoa học cho rằng: "Nguồn cung hạn chế của những loại vaccine này sẽ cứu được nhiều người nhất nếu được cung cấp cho những người có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo và chưa được tiêm bất kỳ loại vaccine nào. Nếu vaccine được triển khai ở những nơi thích hợp nhất, nó có thể giúp đẩy nhanh sự kết thúc đại dịch bằng cách ngăn chặn sự xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2".

Bài báo được xuất bản 1 tháng sau khi các quan chức y tế liên bang Hoa Kỳ công bố kế hoạch cung cấp liều tăng cường vaccine phòng COVID-19 vào mùa thu năm nay, tùy thuộc vào sự cho phép của FDA và CDC Hoa Kỳ.

Ưu tiên bao phủ vaccine phòng COVID-19

Các nhà khoa học nhấn mạnh: "Thông tin cho rằng việc tiêm mũi vaccine tăng cường có thể là cần thiết, nếu không được minh chứng bằng những dữ liệu và phân tích đáng tin cậy, có thể ảnh hưởng xấu đến niềm tin vào vaccine phòng COVID-19 và làm suy yếu thông điệp về giá trị của việc tiêm vaccine đang được tiến hành trên diện rộng. Các chương trình liên quan mũi tiêm tăng cường cần phải căn cứ vào các khuyến nghị dựa trên dữ liệu đầy đủ về tất cả các loại vaccine có sẵn ở một quốc gia, để xem xét toàn diện công tác quản lý tiêm chủng và xây dựng thông điệp sức khỏe cộng đồng rõ ràng trước khi mũi vaccine tăng cường được khuyến khích sử dụng rộng rãi".

WHO nỗ lực thúc đẩy việc trì hoãn mũi vaccine tăng cường

Tuần trước, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhắc lại lời kêu gọi của ông đối với các quốc gia giàu có rằng nên trì hoãn mũi tiêm vaccine tăng cường phòng COVID-19 cho đến khi các mũi tiêm chủng được cung cấp rộng rãi đến nhiều người trên thế giới. Ông kêu gọi các nước này trì hoãn ít nhất là đến cuối năm, mốc thời gian dài hơn so với lời kêu gọi ban đầu vào tháng trước của WHO là nên trì hoãn mũi tiêm vaccine tăng cường tới cuối tháng 9 này.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//bao-phu-vaccine-phong-covid-19-chien-luoc-quan-trong-hon-viec-tang-cuong-mui-vaccine-thu-ba-169210915092033612.htm