'Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975)': Một công trình khoa học trân quý

Trong bão táp và xu thế phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam nói chung, các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam nói riêng, cách đây tròn 60 năm, Báo Quân giải phóng - cơ quan ngôn luận của Quân ủy và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã ra đời.

Sự tất yếu của lịch sử

Không phải ai cũng biết đến tờ báo lịch sử ấy. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Báo Quân giải phóng (1-11-1963 - 1-11-2023), Đại tá PGS-TS Hồ Sơn Đài đã giới thiệu cuốn sách Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975), sách do NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản.

Ngay những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, cùng với việc kiện toàn công tác lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam (LLVT GPMN), Quân ủy, Bộ Chỉ huy các LLVT GPMN đã chú trọng công tác tuyên truyền và vận động cách mạng. Ngày 25-3-1963, Trưởng ban Quân sự miền Trần Nam Trung đã ký văn bản thống nhất chủ trương thành lập Báo Quân giải phóng. Sau thời gian chuẩn bị, ngày 1-11-1963, Báo Quân giải phóng, cơ quan ngôn luận của Quân ủy và Bộ Chỉ huy các LLVT GPMN, tiếng nói của LLVT GPMN chính thức ra đời, phát hành số báo đầu tiên với 4 trang khổ A5.

Từ ngày thành lập cho đến khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử (15-10-1975), Báo Quân giải phóng đã xuất bản 338 số. Tuy chỉ kéo dài trong 12 năm, nhưng đó cũng là giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Báo Quân giải phóng đã cùng các cơ quan truyền thông cách mạng như Đài Phát thanh giải phóng, Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng, Chương trình Phát thanh Quân giải phóng miền Nam… đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh chống các âm mưu thâm độc của kẻ thù, phản ánh nỗ lực chiến đấu của quân, dân nhằm thống nhất đất nước, đem lại hòa bình cho dân tộc. Điều đặc biệt là Báo Quân giải phóng đã gắn liền với hình ảnh những người lính - phóng viên chiến trường, chuyển tải những chiến thắng vang dội, khích lệ tinh thần quân dân.

Một phần quan trọng của báo chí cách mạng

Với tâm huyết phục dựng diện mạo của tờ báo có vai trò lịch sử quan trọng, Đại tá PGS-TS Hồ Sơn Đài đã dành trọn 2 năm sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng để từ đó cho ra đời tập sách như một công trình khoa học quý hiếm.

Tập sách dày 400 trang (khổ 16x24cm) đầy ắp tư liệu. Với 108 số báo có trong tay, tác giả Hồ Sơn Đài đã phục dựng được quá trình hình thành và phát triển của Báo Quân giải phóng một cách trung thực và sinh động. Là tác giả của hàng chục tập sách lịch sử, mỗi tập sách là một công trình nghiên cứu khoa học, tác giả Hồ Sơn Đài đã sử dụng bút pháp viết sử một cách mới lạ như khéo léo bố cục 4 chương của tác phẩm gắn liền với 4 giai đoạn lịch sử của chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Chương 1 tập trung vào giai đoạn 1963-1965 gắn liền với “Chiến tranh đặc biệt”; chương 2 là thời kỳ 1966-1968 nổi bật là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân; chương 3, 1969-1972 tái hiện thời kỳ chiến trường mở rộng qua Campuchia; và cuối cùng là chương 4, 1973-1975 với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Điều đáng chú ý là không chỉ tái hiện vai trò lịch sử của Báo Quân giải phóng mà PGS-TS Hồ Sơn Đài còn khắc họa chân dung của những người tạo dựng ra nó. Trong đó, tác giả đã công bố những tư liệu quý mà ngay những người trong cuộc cũng ít biết. Như việc, theo tư liệu có tổng cộng 64 người từng làm việc trực tiếp tại Báo Quân giải phóng, nhưng họ là những ai, hiện ra sao thì hầu như không mấy ai còn nhớ. Tác giả Hồ Sơn Đài đã dụng công sưu tầm tư liệu và hiện vật, lặn lội khắp cả nước tìm gặp các nhân chứng và từ đó đã có được danh sách của tất cả 64 người năm đó từng công tác tại Báo Quân giải phóng.

Đó là tổng biên tập của báo từ số đầu tiên như Lê Đình Lệ (Tư Trực), rồi lần lượt là Hồ Văn Sanh, Nguyễn Viết Tá…; đến các phóng viên, biên tập viên: Trần Nam Hưng, Phạm Phú Bằng, Vũ Tuất Việt, Trần Phấn Chấn, Mai Bá Thiện, Đặng Văn Nhưng…; hay cả những phóng viên trẻ mới tốt nghiệp đã vào thẳng chiến trường như Vũ Ngọc Xiêm, Đỗ Tất Thắng, Nguyễn Sung, Trần Đình Bá, Nguyễn Việt Ân, Vũ Đình Hưng...; và có những người đã mãi mãi nằm lại chiến trường như các nhà báo liệt sĩ Phạm Ngọc Châu, Thân Trọng Hân… Mỗi cá nhân có những nét riêng, có chuyên môn khác nhau nhưng bằng sự cống hiến vô tư, trong sáng của mình đã góp công xây dựng nên truyền thống tờ báo Anh hùng.

Cũng vì vậy, ấn phẩm Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975) đã được đánh giá là một công trình khoa học trân quý, không chỉ nhằm tri ân những người làm Báo Quân giải phóng mà còn góp phần tạo dựng diện mạo báo chí cách mạng nước ta, nhất là ở chiến trường miền Nam, nơi Thành đồng Tổ quốc.

TRẦN BẢO TRÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-quan-giai-phong-mien-nam-viet-nam-1963-1975-mot-cong-trinh-khoa-hoc-tran-quy-post712255.html