Bão quật đổ cây đè ôtô, chủ xe được bảo hiểm đền bù thế nào?

Đa phần trường hợp xe bị thiệt hại do cây đổ bởi bão đều được đền bù theo quy định chung của bảo hiểm.

Tình trạng bão lớn quật ngã các cây to xảy ra liên tục trong 2 ngày gần đây gây ra không ít thiệt hại về tài sản cho người dùng. Nhiều ôtô khi được đỗ ở vỉa hè, lề đường cũng bị cây đè gây hư hỏng nặng. Liệu người dùng được bồi thường bảo hiểm khi sự cố xảy ra hay không?

Được đền bù nhưng tùy quy định

Chia sẻ với Tri Thức, Znews, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc công ty tư vấn bảo hiểm Infair cho biết đa số trường hợp ôtô gặp tai nạn do cây ngã, đè gây hư hỏng, biến dạng đều được đền bù dựa trên quy tắc bảo hiểm của mỗi công ty.

"Thiên tai là rủi ro cơ bản trong quy tắc bảo hiểm chung nên khi xe bị thiệt hại do giông bão, lũ hay cây ngã do bão, sẽ được bảo hiểm bồi thường chi phí sửa chữa xe", ông Xuân nói thêm.

Giá trị bảo hiểm sẽ tùy thuộc vào mức độ thiệt hại mà cây gãy đổ gây ra đối với ôtô. Trong trường hợp xe bị thiệt hại quá 75% do cây ngã, mức đền bù bảo hiểm sẽ được tính là 100%. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng được hoàn toàn bộ giá trị tiền xe để mua ôtô mới.

 Cây đổ đè ôtô. Ảnh: M.H.

Cây đổ đè ôtô. Ảnh: M.H.

Tuy nhiên, ông Xuân cũng khẳng định mỗi công ty bảo hiểm sẽ có bộ quy tắc các điểm loại trừ bồi thường riêng. Người dùng cần kiểm tra liệu trường hợp cây đổ gây hư hỏng xe có nằm trong phạm vi đền bù bảo hiểm được ký giữa chủ xe và công ty bảo hiểm hay không.

Ví dụ, trong quy tắc loại trừ của công ty CP Bảo Hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) nêu rõ nếu xe đang được đỗ ở nơi trái quy định (khu vực cấm dừng, đỗ) sẽ bị từ chối bồi thường bảo hiểm ở mọi trường hợp.

Theo quy tắc của công ty CP Bảo Hiểm Bảo Minh, nếu xe gặp thiệt hại nhưng quá thời hạn đăng kiểm, không còn giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (giấy chứng nhận kiểm định), cũng sẽ không được bồi thường.

Cần làm gì khi ôtô bị thiệt hại trong bão?

Ông Xuân cho biết khi xảy ra sự cố, chủ xe nên liên hệ đến đường dây nóng (hotline) của công ty bảo hiểm nhằm thông báo kịp thời. Các nhân viên sẽ đến hiện trường để xác nhận thông tin, gọi cứu hộ và hướng dẫn chủ xe thực hiện các thủ tục cần thiết.

Nếu chủ xe tự liên hệ dịch vụ cứu hộ, sau khi hoàn tất cần truy xuất hóa đơn để được phía công ty bảo hiểm hoàn trả tiền cứu hộ theo quy định.

Cơn bão Yagi đi qua Vịnh Bắc bộ trong 2 ngày qua (6/9-8/9) gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Theo các chuyên gia, Yagi được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây.

 Cây ngã,đổ cột điện ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) sau cơn bão.

Cây ngã,đổ cột điện ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) sau cơn bão.

Tính đến chiều ngày 8/6, thống kê từ công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho thấy có khoảng 3.000 cây xanh bị gãy đổ, bật gốc dọc các tuyến đường Hà Nội. Một số ôtô, xe máy bị các cây xanh va đập, gây hư hỏng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến chiều 8/9, cơn bão số 3 đã khiến 24 người tử vong, mất tích, 229 người bị thương, gần 7.400 ngôi nhà ở bị hư hỏng, 25 tàu thuyền bị chìm tại nơi neo đậu. Ngoài ra, gần 98.000 ha lúa, gần 7.000 ha cây ăn quả và hơn 11.700 ha hoa màu cũng bị ngập úng, thiệt hại.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bao-quat-do-cay-de-oto-chu-xe-duoc-bao-hiem-den-bu-the-nao-post1496594.html