Báo quốc tế ấn tượng kiến trúc nhà di sản bền vững tại Hội An
Theo tờ Money Control, sự bền vững của kiến trúc ở phố cổ Hội An đã giúp nơi này vượt qua chiến tranh trong thế kỷ trước và nhiều thập kỷ thiên tai trong thế kỷ này.
Theo tờ báo này, phố cổ Hội An là một minh chứng về sự pha trộn giữa thẩm mỹ Á Đông, nét đặc trưng bản địa và cả sự bền vững về môi trường. Money Control đã dẫn lời chia sẻ của Bao Tran, một hướng dẫn viên địa phương: "Có một sự trao đổi văn hóa rõ ràng trong các ngôi nhà cổ của Việt Nam, chẳng hạn như ở Nhà cổ Phùng Hưng".
Tran chia sẻ: "Mỗi ngôi nhà cổ của Hội An đều đưa ra một thông điệp trực quan về tâm linh Á Đông, đồng thời cho thấy thiết kế kiến trúc bền vững chịu được nhiều bão tố. Ba cột dọc ở phía trước các ngôi nhà cổ đại này biểu thị trời, đất và người. Những khe mở của ô cửa biểu thị yếu tố con người kết nối trời với đất. Hai "con mắt canh cửa" nằm ở lối vào của mỗi ngôi nhà và được bố trí ở phần đầu cửa có tác dụng xua đuổi tà khí đồng thời đóng vai trò là lực cân bằng của "âm" và "dương".
Thêm vào đó, các ngôi nhà cũng được thiết kế mái âm dương. Tran giải thích: "Kiến trúc mái ngói âm dương giúp ngôi nhà mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, đồng thời chịu được nhiều mưa bão. Kết cấu mái cũng giúp ngôi nhà thêm chắc chắn". Đối với phần bên trong ngôi nhà, kết cấu ấn tượng chính là hệ thống dầm cột chắc chắn giúp ngôi nhà đứng vững qua nhiều thập kỷ.
Tran chia sẻ thêm: "Những ngôi nhà ở Hội An được xây dựng từ rất lâu về trước, chủ yếu là tay nghề của một nhóm người từ làng mộc Kim Bồng. Ngôi làng hiện tại khá trầm lắng sau dịch bệnh Covid-19. Chỉ còn một số ít người đam mê và thực sự yêu thích những gì họ làm đang tiếp tục giữ nghề truyền thống. Hầu hết các mặt hàng bằng gỗ ở Hội An cũng đều do họ làm ra".
Ngày nay, làng Kim Bồng là nơi du khách có thể xem cách các nghệ sĩ điêu khắc địa phương tạo ra các sản phẩm tinh xảo và nhiều con thuyền gỗ đang kết nối bến cảng Hội An với các thị trấn và thành phố khác.