Bão số 10 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, hướng vào các tỉnh Quảng Ngãi đến Phú Yên

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão số 10 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNÐ). Hồi 22 giờ ngày 5-11, vị trí tâm ATNÐ ở khoảng 13,9 độ vĩ bắc; 110,7 độ kinh đông, cách bờ biển Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 160 km về phía đông.

Cán bộ Ðồn Biên phòng Tuy Hòa (Bộ đội Biên phòng Phú Yên) giúp ngư dân chằng cột dây neo tàu, tránh bão số 10. Ảnh: PHƯƠNG OANH

Cán bộ Ðồn Biên phòng Tuy Hòa (Bộ đội Biên phòng Phú Yên) giúp ngư dân chằng cột dây neo tàu, tránh bão số 10. Ảnh: PHƯƠNG OANH

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão số 10 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNÐ). Hồi 22 giờ ngày 5-11, vị trí tâm ATNÐ ở khoảng 13,9 độ vĩ bắc; 110,7 độ kinh đông, cách bờ biển Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 160 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNÐ di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 10 đến 15 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp. Ðến 22 giờ ngày 6-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,3 độ vĩ bắc; 107,5 độ kinh đông, trên khu vực Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 113,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

* Ngày 5-11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đã họp ứng phó bão số 10. Theo Ban Chỉ đạo, thời gian qua mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng các chủ tàu chấp hành chưa nghiêm. Do đó, đối với các tàu chưa chấp hành nghiêm quy định, cảnh báo, cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt hoặc giáo dục, cảnh báo trước cộng đồng.

* Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến ngày 5-11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện với 232.118 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển, vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

* Ngày 5-11, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân trước khi bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến sơ tán 7.688 hộ với 28.285 người, trong đó đã thực hiện sơ tán 2.178 hộ với 8.125 người.

* Sau khi phát hiện một số điểm có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền xã Ba Giang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã khẩn trương di dời 75 hộ dân với hơn 300 người đến nơi an toàn.

Hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ngày 5-11, bão số 9 đã làm 40 người chết, mất tích 43 người. Ðể chủ động phòng tránh bão và mưa lũ, từ ngày 5-11 các lực lượng tạm dừng công tác tìm kiếm cứu nạn và sẽ tiếp tục triển khai sau khi bão tan, thời tiết thuận lợi.

* Báo cáo nhanh của Bộ Giao thông vận tải cho biết, đến ngày 5-11, quốc lộ 49 (Thừa Thiên Huế) vẫn còn bốn điểm bị tắc, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn ba vị trí bị tắc. Trong đó, Quảng Bình một vị trí, Quảng Trị hai vị trí.

* Tổng công ty Ðiện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, đến chiều 5-11, Công ty Ðiện lực Quảng Nam vẫn còn 2.628 khách hàng bị mất điện; Công ty Ðiện lực Quảng Ngãi còn 27.201 khách hàng mất điện. Hiện có tổng số 29.829 khách hàng (chiếm 0,7%) của EVNCPC đang bị mất điện.

* Ngày 5-11, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), đến nay, các tỉnh miền trung đang có nhu cầu hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống; trong đó đã cấp phát hỗ trợ 18 tấn giống ngô, 10,8 tấn hạt rau giống. Về vắc-xin và hóa chất khử trùng, tổng nhu cầu các địa phương là 560 nghìn liều vắc-xin, 140 nghìn lít và 105 tấn hóa chất khử trùng; trong đó đã hỗ trợ 30 nghìn liều vắc-xin, 60 nghìn lít và 70 tấn hóa chất khử trùng. Ðến nay, Bộ NN và PTNT đã huy động được nguồn hỗ trợ từ các đơn vị cho người dân các tỉnh miền trung như: giống cây trồng vật nuôi, thủy sản, thuốc thú y, hóa chất khử trùng, thức ăn chăn nuôi... ước tính giá trị khoảng 100 tỷ đồng.

* Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên đã hoàn thành xuất cấp gạo cứu đói và trang thiết bị để khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ cho nhân dân các tỉnh miền trung theo quy định. Ðối với xuất cấp gạo, Cục đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có kế hoạch tiếp nhận gạo dự trữ quốc gia để kịp thời cấp phát cho nhân dân; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định với mức hỗ trợ 15 kg gạo/người/trong thời gian một tháng.

* Từ ngày 3 đến 5-11, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội tổ chức đoàn công tác đến tỉnh Nghệ An và Quảng Bình để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại tỉnh Nghệ An, đã trao tặng người dân số tiền và hàng hóa trị giá 200 triệu đồng. Tại tỉnh Quảng Bình, đoàn công tác đã trao 600 suất quà, mỗi suất gồm một triệu đồng tiền mặt và một số nhu yếu phẩm thiết yếu đến các hộ dân thuộc huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.

* Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa gửi chuyến hàng trị giá hơn một tỷ đồng, bao gồm: 2.200 bộ sách giáo khoa mới; 200 bộ sách giáo khoa cũ; 20 nghìn cuốn vở viết; 12 nghìn bút viết; 250 bộ bàn, ghế học sinh cùng một số đồ dùng, đồ chơi trẻ em, truyện tranh, ba-lô học sinh để hỗ trợ ngành giáo dục các tỉnh miền trung sớm ổn định việc dạy và học.

* Tại tỉnh Hà Tĩnh, ngày 5-11, Thành đoàn Hà Nội phối hợp Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức trao tặng hàng nghìn phần quà cho người dân các địa phương bị thiệt hại do ảnh hưởng của lũ lụt trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá gần 1,3 tỷ đồng. Ðồng thời, hỗ trợ kinh phí xây mới chín nhà nhân ái, nhà khăn quàng đỏ, mỗi nhà trị giá 50 triệu đồng; hỗ trợ gia đình các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, mỗi gia đình 5 triệu đồng...

Cùng ngày, Tỉnh đoàn Bình Dương, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương và Ðoàn thanh niên Công an tỉnh Bình Dương đã trao 100 suất quà trị giá 100 triệu đồng tặng nhân dân vùng lũ lụt
Hà Tĩnh. Ðoàn cũng trực tiếp trao 20 suất quà trị giá 20 triệu đồng tặng người dân tại xã Thượng Lộc (Can Lộc).

* Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận hơn 40 tỷ đồng, cùng nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Ðồng thời đã chuyển kinh phí sửa chữa 257 ngôi nhà của người dân bị hư hại và hỗ trợ con giống, cải tạo đồng ruộng để người dân sớm tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

* Ngày 5-11, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Ðịnh vừa ký ban hành Công văn 9845/UBND-CT về việc khắc phục hậu quả, kiểm tra và đánh giá sự cố sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Ðiền). Theo đó, yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 ngưng toàn bộ hoạt động xây dựng tại đây, phối hợp các đơn vị chức năng tìm kiếm người mất tích; hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách cho người bị nạn.

Ngày 5-11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10-2020 trên địa bàn một số địa phương miền trung và Tây Nguyên. Các địa phương được hỗ trợ gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum.

Theo đó, đối với nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn: ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ; nhà bị hư hỏng nặng được hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ. Căn cứ mức độ thiệt hại về nhà ở và mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách của mình và huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác để quyết định mức hỗ trợ cho các hộ dân cho phù hợp. Trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NÐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản hướng dẫn. Chủ tịch UBND cấp tỉnh của các địa phương nêu trên tổ chức rà soát, thống kê và phân loại mức độ thiệt hại về nhà ở của người dân trên địa bàn, báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương; chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu báo cáo và việc triển khai thực hiện chính sách theo Nghị quyết này. Thời gian rà soát báo cáo về Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thực hiện trước ngày 20-11-2020. Quá thời hạn trên, các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách, ngân sách trung ương không hỗ trợ ...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-so-10-suy-yeu-thanh-ap-thap-nhiet-doi-huong-vao-cac-tinh-quang-ngai-den-phu-yen-623400/