Bão số 12 gây mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp ứng phó bão số 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng 9-11. Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, tiếp sau bão số 12, một áp thấp khác trên biển Đông có khả năng cao mạnh lên thành bão. Ảnh: Gia Tuệ

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, tiếp sau bão số 12, một áp thấp khác trên biển Đông có khả năng cao mạnh lên thành bão. Ảnh: Gia Tuệ

Bão số 12 gây gió giật mạnh cấp 11

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 12 gây gió mạnh. Trên biển Đông sẽ có gió cấp 9, giật cấp 11, khi vào bờ gió cấp 7 và cấp 8. Từ đêm 9-11 đến rạng sáng mai, 10-11 có gió mạnh trên đất liền kéo dài đến trưa mai. Ven bờ gió cấp 8 giật cấp 11. Đây là thời điểm gió mạnh nhất do bão số 12.

Dự báo, bão số 12 sẽ hướng vào khu vực Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ, trong đó, trọng tâm bão là khu vực các tỉnh Bình Định Phú yên, khánh Hòa.

Ông Khiêm cho biết: “Bão số 12 sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên. Cụ thể, từ chiều ngày 9-11 đến đêm 12-11, từ tỉnh Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa có mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 400mm. Các tỉnh Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Từ đêm ngày 9 đến 13-11, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên ở mức báo động (BĐ)2-BĐ3, có sông trên BĐ3; các sông ở Quảng Bình và khu vực Nam Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2. Ông Khiêm cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra tai biến địa chất, tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ do bão số 12.

Ông Khiêm cho biết thêm, dự kiến, đêm 11, sáng 12-11 có một áp thấp trên biển Đông, nhiều khả năng sẽ mạnh lên thành bão và có hướng đi cao hơn so với cơn bão số 12.

Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, đại diện Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến sáng 9-11, trong vùng nguy hiểm còn 17 tàu cá đang hoạt động (Bình Định 6 tàu, Quảng Ngãi 6 tàu, Phú Yên 4 tàu và Khánh Hòa 3 chiếc). Trong đó, 4 tàu cá của tỉnh Phú Yên đang di chuyển, dự kiến đến chiều 9-11 sẽ vào tới bờ.

Ông Hùng lưu ý, bão số 12 không lớn nhưng số lượng tàu thuyền rất nhiều, đặc biệt là tàu thuyền nhỏ bởi nếu không neo đậu cẩn thận sẽ mất an toàn cao. Như Khánh Hòa 80% là tàu thuyền nhỏ do đó cần tập trung hướng dẫn cách neo đậu đúng cách để tránh bị chìm tàu, hư hỏng ngay tại khu neo đậu.

BĐBP sẵn sàng hơn 4.000 cán bộ/190 phương tiện ứng phó bão số 12

Về công tác kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão, Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết, tính đến 6 giờ ngày 9-11, các đơn vị Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người biết diễn biến của bão để di chuyển tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo kênh liên lạc của BĐBP, hiện còn 4 phương tiện/29 người (Bình Định) đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão, các tàu đã biết diễn biến của bão, đang di chuyển phòng tránh. Còn 5.066 phương tiện/33.562 người đang hoạt động ở các khu vực khác, ngoài vùng nguy hiểm của bão số 12. Số điểm dự kiến bắn pháo hiệu khi có bão: 10 điểm (Bình Định: 1, Phú Yên: 1, Khánh Hòa: 3, Ninh Thuận: 3, Bình Thuận: 2).

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng cho biết thêm sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị BĐBP thông tin, kêu gọi các tàu cá còn đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm vòng tránh khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, cử lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, bắn pháo hiệu báo bão.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tính đến 6 giờ ngày 9-11, số lượng tàu vận tải được kiểm đếm tại các khu vực vùng nước cảng biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận quản lý là 1.034 tàu thuyền, trong đó có 252 tàu và 782 phương tiện thủy nội địa.

Sẵn sàng cho việc kích hoạt sơ tán dân

Để chủ động ứng phó bão số 12, tỉnh Khánh Hòa dự kiến cấm biển 18 giờ ngày 9-11; các tỉnh khác đang xem xét thời gian cấm biển tùy theo diễn biến của bão.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang tổ chức gia cố, sơ tán người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Trong đó, kế hoạch di dân tương ứng với kịch bản (bão cấp 8-11): 103.644 hộ/403.426 người (Bình Định 15.761/64.530, Phú Yên 30.162/107.371, Khánh Hòa 37.837/151.349, Ninh Thuận 9.529/38.116, Bình Thuận 10.355/42.060).

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt chỉ đạo, đảm bảo an toàn cho toàn bộ hoạt động trên tuyến biển. Thứ hai là phải đảm bảo an toàn cho tàu vận tải biển và vận tải pha sông biển.

“Ngay đêm nay đồng loạt bắn pháo hiệu báo bão và kêu gọi, kiểm đếm chặt chẽ tàu thuyền. Yêu cầu tàu cá vào bờ và neo đậu an toàn. Đồng thời, có phương án đảm bảo an toàn cho lồng bè nuôi trồng thủy hải sản để tránh thiệt hại lớn như cơn bão Damrey năm 2017 tại Khánh Hòa”- ông Hoài đề nghị.

Đối với khu vực các đảo, cần thông tin ngay để khách du lịch trở về bờ và chủ động dự trữ đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân trên đảo, kể cả thuốc điều trị.

Ông Trần Quang Hoài yêu cầu kêu gọi hết các tàu thuyền đang hoạt động trên vùng nguy hiểm về bờ hoặc di chuyển vòng tránh bão số 12. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Trần Quang Hoài yêu cầu kêu gọi hết các tàu thuyền đang hoạt động trên vùng nguy hiểm về bờ hoặc di chuyển vòng tránh bão số 12. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Hoài lưu ý, hiện nay, số lượng nhà dân bị sập đổ hoàn toàn do bão số 9 chưa xây dựng được và vẫn phải đi ở nhà. Do đó, cần đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân ở các khu vực sơ tán.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc kích hoạt sơ tán dân đảm bảo an toàn trong bão và khi có mưa lũ ngập lụt.

Về đảm bảo an toàn cho sản xuất, ông Hoài yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa và có giải pháp đối với ngành chăn nuôi với các phương án cụ thể cho từng khu vực.

Về đảm bảo giao thông, chuẩn bị phương án cho cả bão và lũ, kích hoạt toàn bộ hệ thống để đảm bảo an toàn giao thông.

Đối với hồ chứa, cần đảm bảo vận hành đúng quy trình nhất là những hồ có khả năng đón lũ.

Chủ động cắt điện và sẵn sàng lực lượng để khôi phục lưới điện ngay sau khi bão và mưa lũ ngập lụt đi qua.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-so-12-gay-mua-lon-cho-cac-tinh-trung-bo-va-tay-nguyen-post434940.html