Bão số 3: Bộ Công Thương khuyến cáo dự trữ nhu yếu phẩm đủ dùng, ưu tiên khu vực chịu ảnh hưởng nặng
Sau bão số 3, tình hình mưa lũ vẫn rất căng thẳng ở các địa phương. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý, nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Theo đó, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn như yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phực tạp tại nhiều địa phương phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân. Do vậy người dân đã chủ động mua sắm, hàng hóa dự trữ trước khi bão đổ bộ.
Trong bối cảnh, các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và dự báo các địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương... cũng sẽ có hiện tượng ngập lụt, Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương chuẩn bị hàng hóa, phân phối hàng hóa. Ngay trong ngày 07/09/2024, Bộ Công Thương đã có Công văn số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương tại 35 tỉnh/thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng để kịp thời cung ứng, đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên và liên tục, liên hệ và chỉ đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp hàng hóa quy mô lớn cập nhật diễn biến thị trường hàng hóa tại các tỉnh thành phố bị ảnh hưởng mua lũ đặc biệt là các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh thành khác bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra để tập trung hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.
Ghi nhận hiện nay, tại tỉnh Thái Nguyên, cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vẫn đang được chủ động cung ứng tại chợ hàng 1, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị Go, Lan Chi, Winmart, Minh Cầu, Aloha,… đều được đảm bảo. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn trên địa bàn chủ động có kế hoạch nhập hàng từ trước vào các kho, bể chứa, đảm bảo cung ứng xăng dầu, gas cho sản xuất và sinh hoạt.
Tại Yên Bái, do nước sông hồng dâng lên đã có tuyến đường Thanh Niên gập 2-3m đã xuất hiện ngập cục bộ. Hàng hóa tại chợ, cửa hàng, siêu thị vẫn cung cấp đủ, giá ổn định.
Tại Lào Cai, Sở Công Thương tỉnh này cho biết, mặt hàng nhu yếu phẩm chủ yếu là mỳ tôm, nước lọc tại các vùng ngập lụt, chia cắt, các hộ gia đình phải di chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương Lào Cai cho biết, hiện nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ do khó bảo quản.
Đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình của các địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 để có chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết và vận chuyển hàng hóa, trong đó có mặt hàng xăng dầu phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Trước đó, ngày 8/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ký ban hành Công điện số 6815/CĐ-BCT gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3 năm 2024 (Bão Yagi) tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công điện yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.