Bão số 3 đang tiến sát đất liền, khuyến cáo đặc biệt với người dân Hà Nội ngày 22/7

Ảnh hưởng của bão số 3 có thể gây ngập lụt trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.

Tối 21/7, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ cho biết: Trong 3-6 giờ tới, TP Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, với tổng lượng mưa tích lũy phổ biến trong khoảng từ 30-50mm, có nơi cao hơn.

Đợt mưa này sẽ gây ngập úng cục bộ cho nhiều tuyến phố với độ sâu ngập lớn nhất phổ biến từ 0,1-0,3m, có nơi ngập sâu hơn; thời gian ngập khoảng 20-30 phút, có nơi ngập lâu hơn.

Mưa lớn kéo dài có thể gây ngập tại nhiều phường, xã tại Hà Nội trong những ngày tới. Ảnh minh họa

Mưa lớn kéo dài có thể gây ngập tại nhiều phường, xã tại Hà Nội trong những ngày tới. Ảnh minh họa

Ngoài ra cần đề phòng sạt lở đất ở một số xã, phường khu vực ngoại thành Hà Nội như Ba Vì, Sơn Tây…

Về diễn biến của cơn bão số 3, tối cùng ngày, Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có những thông tin cập nhật và điểm đáng lưu ý về cơn bão này.

Theo ông Khiêm, khoảng trưa đến chiều mai (22/7), vùng tâm bão đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến phía bắc Thanh Hóa. Khu vực ven biển có Hải Phòng, Hưng Yên gió mạnh nhất với cấp 9-10, giật cấp 13-14. Đặc biệt mưa lớn dữ dội từ đêm nay và cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Trước đó, theo báo Quân đội nhân dân, để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, chủ tịch UBND các phường, xã khẩn trương thực hiện nghiêm Công điện 112/CĐ-TTg ngày 19-7-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung chỉ đạo, chủ động kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với bão số 3 và các loại hình, thiên tai, sự cố có thể xảy ra; chỉ đạo tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình thiên tai và tổ chức triển khai ứng phó; thường xuyên tổng hợp, báo cáo đầy đủ, kịp thời tình hình thiên tai, sự cố và công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả về UBND thành phố (qua Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố); chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Chủ tịch UBND các phường, xã theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão để thường xuyên thông báo, hướng dẫn kịp thời cho nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do tác động của thiên tai, sự cố; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phương án ứng phó, bảo vệ; chủ động phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống mưa lũ, úng ngập xảy ra trên địa bàn.

Khẩn trương thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã theo quy định hiện hành và chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự thành phố. Sẵn sàng tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn đảm bảo giao thông an toàn cho người và phương tiện.

Trong Công điện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành. Trong đó, giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, chỉ đạo theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai để dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng và người dân biết chủ động triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Nhật Hạ (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/bao-so-3-dang-tien-sat-dat-lien-khuyen-cao-dac-biet-voi-nguoi-dan-ha-noi-ngay-227-20288.html