Bão số 3 để lại những bài học kinh nghiệm quý báu

Bộ Tư lệnh BĐBP vừa tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3. Nhiều bài học quý báu về công tác chỉ huy, tổ chức lực lượng, phương tiện triển khai ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 đã được chính các đơn vị cơ sở chỉ ra để rút kinh nghiệm. Cùng với đó, các đơn vị BĐBP cũng đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao hơn.

BĐBP Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng tìm kiếm người mất tích trên biển do bão số 3. Ảnh: Bình Phương

BĐBP Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng tìm kiếm người mất tích trên biển do bão số 3. Ảnh: Bình Phương

Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong 30 năm qua và là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền nước ta trong 70 năm qua, gây ảnh hưởng nặng nề đến 26 địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa. Đặc biệt, mưa lớn kéo dài liên tục đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại nhiều tỉnh ở trung du, miền núi phía Bắc, nặng nề nhất là tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.

Đối với địa bàn biên giới, bão số 3 đã làm 35 người chết và mất tích; 196 phương tiện bị chìm; hơn 1.560 ô, lồng bè nuôi trồng thủy sản hư hỏng. Bão số 3 cũng làm sập, tốc mái, hư hỏng hơn 17.000 nhà, 4 điểm trường học và nhiều công trình, cây xanh... bị hư hại. Nhiều đơn vị Biên phòng bị tốc mái nhà ở, hư hỏng doanh trại và đường ống dẫn nước sinh hoạt, gãy đổ cây xanh.

Phát huy vai trò tự ứng cứu

Trong số các tỉnh biên giới, Lào Cai là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với 132 người chết, 19 người mất tích và 86 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, cuốn trôi, nhiều công trình hạ tầng như đường, điện, trạm y tế, trường học, hệ thống liên lạc bị hư hỏng, thiệt hại. Tổng thiệt hại ban đầu về kinh tế ước tính trên 6.800 tỉ đồng. Riêng tại khu vực biên giới, bão số 3 và mưa lũ đã làm 15 người chết, 10 người bị thương, hơn 1.000 nhà bị ngập nước, sạt lở; 15 trường, điểm trường học, 221 công trình thủy lợi bị thiệt hại, nhiều cột điện, trạm biến áp bị hư hỏng. Doanh trại của các Đồn Biên phòng: A Mú Sung, Pha Long, Tả Gia Khâu, Mường Khương, cửa khẩu quốc tế Lào Cai bị hư hại một phần. Sạt lở cục bộ 83 điểm đường tuần tra biên giới.

Nhìn lại công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 của đơn vị, Đại tá Nguyễn Phi Khanh, Chỉ huy trưởng BĐBP Lào Cai cho biết, đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Theo đó, việc huy động cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các ngành và các lực lượng trên địa bàn ứng cứu là yếu tố quyết định sự thành công trong ứng phó thiên tai. Bài học thứ hai là thực hiện tốt việc tuyên truyền, cảnh báo thiên tai đến cộng đồng dân cư; chỉ đạo ứng phó phù hợp với từng loại thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất các lực lượng cùng tham gia ứng phó; phát huy vai trò tự ứng cứu tại cơ quan và cộng đồng dân cư. Thứ ba, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt là công việc hết sức quan trọng. Thứ tư, công tác phòng, chống thiên tai cần lấy phòng ngừa là chính. Phát huy vai trò, khả năng tự phòng, chống, ứng phó thiên tai, thực hiện "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" ngay tại cơ quan đơn vị và cộng đồng dân cư.

Trong khi đó, Quảng Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3. Để ứng phó với cơn bão này, các đồng chí lãnh đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đã trực tiếp tham gia các đoàn công tác kiểm tra tại hiện trường, khắc phục mọi khó khăn về thời tiết, thông tin liên lạc để tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển ngay sau bão đi qua. BĐBP Quảng Ninh đã điều động trên 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tìm kiếm và tham gia phối hợp với các lực lượng khác tìm cứu nạn được 54 người dân bị nạn trên biển...

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh cho rằng, một trong số những bài học quan trọng rút ra từ bão số 3 là cần chủ động theo dõi, nắm diễn biến tình hình bão và đánh giá được sức chống chịu của các công trình, cơ sở vật chất để có biện pháp chằng chống đảm bảo an toàn. Về mặt tư tưởng, không được chủ quan và phải thực hiện đúng phương châm “3 trước” và “4 tại chỗ” – việc này chính là chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Đội chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng tham gia tìm kiếm cứu nạn tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Văn Chương

Đội chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng tham gia tìm kiếm cứu nạn tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Văn Chương

Cần có nhiều phương án dự phòng cho một tình huống

Theo Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP, bão số 3 đã để lại những bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP và chỉ huy các cấp. Đồng chí lưu ý, một số tỉnh không phải tâm bão còn tư tưởng chủ quan. Các đơn vị tuyến núi nắm chưa chắc các khu vực có khả năng sạt lở nên chưa xây dựng được phương án, kế hoạch ứng phó sát đúng, dẫn đến lúng túng trong chỉ đạo, xử lý tình huống. Một số đơn vị chưa đánh giá, dự báo được sức mạnh của bão số 3 dù đã có cảnh báo của cơ quan khí tượng nên công tác phòng, chống bão còn qua loa, dẫn đến bị thiệt hại về vật chất.

Qua hội nghị rút kinh nghiệm lần này, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị nhận diện rõ hơn những mặt đã làm được và chưa làm được trong công tác ứng phó với thiên tai để tổ chức lực lượng, phương tiện giải quyết các vấn đề khác được tốt hơn. Bên cạnh đó, cần có nhiều phương án dự phòng khác nhau trong một tình huống; cố gắng có sự chỉ huy, chỉ đạo năng động hơn, sáng tạo hơn, liên thông hơn để đảm bảo thực hiện được “4 tại chỗ”. Đối với các đơn vị khu vực biên giới đất liền, cần phối hợp với các cơ quan chức năng cập nhật bản đồ khu vực có nguy cơ sạt lở cao, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp, sát với tình hình đơn vị mình. Khi có tình huống xảy ra, có ngay phương án xử lý sát đúng, không bị động, kèm theo đó là có dự phòng về lương thực, thực phẩm đảm bảo.

Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, Đại tá Nguyễn Phi Khánh đề xuất Bộ Tư lệnh BĐBP hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai ở các đơn vị, sửa chữa các công trình bị hư hỏng. Đồng thời, cấp phát trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ như: Phương tiện máy xúc, xe kéo ca nô chuyên dụng, xuồng cao su, máy điện thoại vệ tinh, máy phát điện công suất lớn (phục vụ các đồn Biên phòng khi xảy ra thiên tai, cô lập, chia cắt hoàn toàn).

Cùng có chung ý kiến, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đề xuất Bộ Tư lệnh đảm bảo trang bị, phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo đảm bảo thông tin liên lạc, nghiên cứu trang bị mạng thông tin vệ tinh đối với các đơn vị tuyến biển để đảm liên lạc thông suốt.

Rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm cứu nạn tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên và thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Giám đốc Trường Trung cấp 24 Biên phòng đề xuất Bộ Tư lệnh báo cáo cấp trên bổ sung kinh phí cho công tác tìm kiếm cứu nạn của nhà trường để phục vụ nhiệm vụ đột xuất; nghiên cứu cấp đệm hơi cá nhân cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện nhiệm vụ ở nơi ẩm ướt; đảm bảo máy sấy cho chó nghiệp vụ; tủ sấy quần áo, lều ngủ cá nhân cho huấn luyện viên chó nghiệp vụ, cán bộ, nhân viên, đảm bảo thuốc thú y, trang bị vật chất đồng bộ cho Đội chó cứu nạn của nhà trường. Bên cạnh đó, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cũng đề xuất được trang bị điện thoại vệ tinh cho các đơn vị để chủ động thông tin liên lạc trong mọi điều kiện thời tiết và địa hình; đảm bảo kinh phí mua sắm xe ô tô chuyên dụng vận chuyển chó nghiệp vụ tới địa điểm thực hiện nhiệm vụ.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-so-3-de-lai-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem-quy-bau-post482088.html