Bão số 3 đổ bộ đất liền, nhiều địa phương xuất hiện mưa lớn, gió giật mạnh

Chiều 22/7, bão số 3 chính thức đi vào đất liền khu vực Ninh Bình – Thanh Hóa, gây mưa to, gió giật mạnh diện rộng và đe dọa gây lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 13h ngày 22/7, tâm bão số 3 đã nằm trên đất liền các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, ở vị trí khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc và 106,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão ở cấp 8 (62-74 km/h), giật cấp 10. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15 km/h.

Dự kiến đến 13h ngày 23/7, bão sẽ đi sâu vào khu vực Thượng Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi tiếp tục giảm cấp thành vùng áp thấp. Khi đó, sức gió giảm xuống dưới cấp 6. Phạm vi ảnh hưởng bao gồm vùng biển phía Tây Vịnh Bắc Bộ, ven biển và đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Cơ quan chức năng đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai ở mức 3.

Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão số 3 phát lúc 14h00 ngày 22/7/2025.

Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão số 3 phát lúc 14h00 ngày 22/7/2025.

Nhiều nơi ghi nhận gió giật cấp 12-14

Dưới tác động của bão, nhiều khu vực ven biển miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã ghi nhận sức gió rất mạnh. Tại Bạch Long Vĩ, gió đạt cấp 10, giật cấp 12; Cô Tô có gió cấp 9, giật cấp 11; Tiên Yên (Quảng Ninh) ghi nhận gió mạnh nhất lên tới cấp 10, giật cấp 14. Tại Cát Bà, Cửa Ông, Móng Cái, Bãi Cháy và nhiều nơi khác, sức gió phổ biến trong khoảng cấp 6 đến cấp 10, giật cấp 8-12.

Tại Hòn Dấu (Hải Phòng), mực nước dâng do bão lên tới 0,6 m, trong khi tại Ba Lạt (Hưng Yên) ghi nhận mức 0,8 m. Chiều cùng ngày, vùng biển vịnh Bắc Bộ xuất hiện gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4 m, biển động dữ dội. Các khu vực ven biển từ Ninh Bình đến Quảng Ninh cũng ghi nhận hiện tượng nước dâng do hoàn lưu bão ở mức 0,4-0,8 m.

Ven biển dâng cao, cảnh báo ngập úng vùng trũng

Mực nước ven biển trong chiều 22/7 tiếp tục tăng do kết hợp giữa thủy triều và ảnh hưởng của bão. Tại Ba Lạt, mực nước đo được từ 2,8 đến 3,1 m; Hòn Dấu từ 3,9 đến 4,2 m; trong khi tại Cửa Ông (Quảng Ninh) ghi nhận mức cao nhất 4,8 m. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại các khu vực cửa sông, vùng trũng thấp là rất lớn.

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, thời tiết tại khu vực biển và vùng ven biển trong thời gian bão hoạt động là cực kỳ nguy hiểm. Tàu thuyền, lồng bè, đê kè, công trình ven biển, khu nuôi trồng thủy sản đều có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng. Gió cấp 8 có thể làm đổ cây, tốc mái nhà, gây thiệt hại về tài sản.

Mưa lớn diện rộng, đề phòng lũ quét và sạt lở

Trên đất liền, từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, khu vực gần tâm bão gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh sâu trong đất liền như Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hóa cũng ghi nhận gió giật mạnh cấp 6-8.

Từ chiều 22/7 đến sáng 23/7, Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Phú Thọ và Sơn La dự báo có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 60-120 mm, một số nơi có thể vượt mốc 200 mm. Khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa rải rác, trong đó một số điểm có thể xuất hiện mưa lớn cục bộ từ 20-40 mm, thậm chí trên 100 mm.

Cảnh báo được đưa ra về nguy cơ mưa cực lớn trong thời gian ngắn – có thể vượt 150 mm chỉ trong 3 giờ – làm tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng thấp.

Người dân tại các vùng ảnh hưởng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến bão, chủ động phòng tránh và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo ứng phó của chính quyền địa phương.

Lê Hương

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/bao-so-3-do-bo-dat-lien-nhieu-dia-phuong-xuat-hien-mua-lon-gio-giat-manh-486584.html