Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ

Chiều 7/9, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền nước ta với cường độ mạnh, gió rít liên tục, mưa lớn trong nhiều giờ. Nhiều địa phương trên cả nước đã hứng chịu thiệt hại nặng nề do sức tàn phá của bão số 3.

Lãnh đạo thành phố Nam Định kiểm tra một số trọng điểm và Trạm bơm Kênh Gia, chỉ đạo tích cực bơm tiêu chống ngập lụt ở thành phố Nam Định tối ngày 7/9. Ảnh: Tuấn Hoàng

Lãnh đạo thành phố Nam Định kiểm tra một số trọng điểm và Trạm bơm Kênh Gia, chỉ đạo tích cực bơm tiêu chống ngập lụt ở thành phố Nam Định tối ngày 7/9. Ảnh: Tuấn Hoàng

Nam Định: 985 ngôi nhà bị ngập nước

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các huyện, thành phố tỉnh Nam Định, bão số 3 đã gây thiệt hại về cây xanh, hoa màu và nhà ở của người dân. Tại địa bàn thành phố Nam Định, bão số 3 làm 582 cây xanh bị đổ; 3 cột điện, 3 cột đèn chiếu sáng, 30 biển báo giao thông và nhiều đường dây điện bị hư hỏng.

Về nhà ở, thống kê sơ bộ có hơn 40 ngôi nhà bị thiệt hại một phần (dưới 30%); đổ 30m tường bao UBND xã Mỹ Trung và 1 đoạn tường bao trường mầm non Lộc Vượng.

Sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng với hơn 50ha diện tích cấy lúa thuần bị thiệt hại nặng (từ 30%-50%); 64ha diện tích hoa màu bị thiệt hại nặng (từ 30%-50%); 120ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại nặng (từ 30%-50%); 10,2ha cây ăn quả tập trung thiệt hại một phần (dưới 30%); 5ha diện tích nuôi cá truyền thống thiệt hại một phần (dưới 30%)...

Mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Hàn Thuyên, Ngã 6 Năng Tĩnh, Quang Trung... kéo theo khoảng 958 ngôi nhà bị ngập nước.

Tại huyện Giao Thủy, mưa bão làm 1 cột điện bị đổ, 50 ha rau màu bị ngập; 2 bể nuôi tôm thẻ bị thiệt hại. Tại huyện Xuân Trường, có hơn 1.100 cây xanh bị gãy đổ, 1 cột hạ thế bị hư hỏng.

Hà Nội: 1 người chết, hàng ngàn cây xanh gẫy đổ

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng thủy dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, tính đến 19 giờ tối qua, 7/9, bão số 3 đã làm 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy.

Nạn nhân tên là Cáp Minh Công, sinh năm 2002, quê Hưng Yên. Ngoài ra, bão số 3 đã làm 3 người bị thương ở quận Ba Đình, phải đi cấp cứu, 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng do bão.

Cây xanh gẫy đổ làm hư hỏng nhiều ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Tố Như

Cây xanh gẫy đổ làm hư hỏng nhiều ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Tố Như

Tại khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến thời điểm 19 giờ ngày 7/9, mưa lớn làm cho 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập; 6.144,5 ha lúa, 15,93 ha rau màu bị đổ; 2,2 ha cây ăn quả bị thiệt hại.

Bão số 3 với sức gió lên tới cấp 11 khi đi vào Hà Nội đã làm 2.455 cây đổ và 273 cành gãy tính đến 19 giờ tối 7/9.

Ban chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết bão số 3 đã làm 9 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, đổ 375m tường bao, 5 nhà bị sập mái tôn, thiệt hại 170 con gia cầm.

Mưa lớn, gió mạnh do bão số 3 cũng đã làm bờ phải kênh chính Đan Hoài tại K8+705, tường chắn bê tông cốt thép bị sụt nghiêng đổ, nứt dọc vỉa hè với chiều dài 50m (UBND xã Minh Khai đã căng dây cảnh báo).

Có 17 trạm bơm tại địa bàn các huyện: Hoài Đức, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng mất điện, đang được khắc phục.

Theo báo cáo của huyện Thanh Oai, hiện nay các xã: Liên Châu, Hồng Dương, Tân Ước, Phương Trung, Thanh Thùy, Tam Hưng, cự khê, Cao viên, Thanh Cao, Thanh Mai, Thanh Văn, Bích Hòa, Bình minh, Mỹ Hưng, Dân Hò bị mất điện.. Nguyên nhân do dông lốc gây sự cố các đường dây, đổ cột điện. Ngành điện lực hiện đang khắc phục và ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng.

Bắc Ninh: Nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Ninh, bão số 3 càn quét qua địa phương đã làm 560 nhà cấp 4, công trình phụ của người dân bị tốc mái; 31 trường học, chợ dân sinh bị hư hỏng, tốc mái; hơn 8.200 ha lúa bị đổ, ngập úng; 555 ha cây rau màu bị thiệt hại. Ngoài ra, mưa bão còm hơn 80.000m2 nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng; hơn 7.400 cây xanh bị đổ, gãy; 42 lồng nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng.

Gió quá mạnh khiến hàng nghìn cây xanh ở Bắc Ninh bị đổ. Ảnh: Ngô Huệ

Gió quá mạnh khiến hàng nghìn cây xanh ở Bắc Ninh bị đổ. Ảnh: Ngô Huệ

Mưa lớn khiến cho nhiều công trình thủy lợi của tỉnh Bắc Ninh bị hư hỏng. Trong đó, trên bờ hữu Ngũ Huyện Khê tại vị trí K21+280, K21+400, K21+580, K21+700, K21+750, K22+030, K22+570, K22+820, K23+070, K23+920, K24+130 bị sụt lún, nứt gãy mặt đê thuộc địa bàn xã Phú Lâm, huyện Tiên Du. Hiện sự cố đang được UBND huyện Tiên Du theo dõi diễn biến và lên phương án xử lý khắc phục sự cố tạm thời.

Trên bờ tả Ngũ Huyện Khê tại vị trí K22+180, K22+310, K23+450 thuộc địa bàn xã Long Châu, huyện Yên Phong bị lún, sụt và sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài 25 m. Ngay sau khi phát hiện sự cố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Yên Phong, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống trực tiếp kiểm tra và lên phương án xử lý tạm thời bằng giải pháp đắp bao tải đất chống sạt trượt, cắm biển cảnh báo, canh gác không cho người dân đi lại tại khu vực xảy ra sự cố.

Trên tuyến kênh dẫn Long Tửu tại bờ hữu tương ứng K3+600 xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt mái với chiều dài khoảng 30,5 m. Hiện sự cố đang được tiếp tục theo dõi và đề xuất phương án xử lý sau khi bão.

Về hạ tầng công trình điện, thống kê sơ bộ có 7 đường dây 110 KV bị sự cố không vận hành được; trạm biến áp 110 KV: 1 trạm bị mất điện tại Khu công nghiệp Quế Võ 2; 127/280 đường dây trung áp bị sự cố, trong đó có 23/130 đường dây cấp cho khu công nghiệp, 104/150 đường dây cấp cho dân sinh; 61 trạm bơm tiêu úng bị mất điện không vận hành được. Trên địa bàn toàn tỉnh nhiều khu vực đang mất điện từ 16 giờ 30 phút ngày 7/9 đến nay chưa có điện trở lại.

Hải Dương: Ước tính thiệt hại ban đầu 150 tỷ đồng

Theo báo cáo nhanh của tỉnh Hải Dương, bão số 3 đã gây ra một số thiệt hại về người và sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông. Cụ thể, mưa bão đã làm 1 người chết, 5 người bị thương. Về sản xuất nông nghiệp, có khoảng 10.000ha lúa bị đổ; khoảng 1.200ha cây rau màu bị dập nát và hơn 600ha cây ăn quả gãy, bị đổ. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng.

Nhiều mái nhà tôn, mái phi brô xi măng, cửa kính trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã bị sập mái, tốc mái, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gẫy gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông.

Ngoài ra, thống kê sơ bộ có 26 cột điện bị gãy, đổ gây mất điện trên diện rộng. Do đứt cáp quang, 5 trạm BTS bị đổ nên 3 nhà mạng trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn, mất liên lạc.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-so-3-gay-thiet-hai-nang-ne-cho-nhieu-dia-phuong-khu-vuc-bac-bo-post480521.html