Bão số 3 làm 6 tàu tại Quảng Ninh bị chìm

Vào hồi 13 giờ chiều nay (7/9), vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20.8 độ Vĩ Bắc; 107.1 độ Kinh Đông, trên vùng ven bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/ giờ), giật cấp 16. Ngay khi đi vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, bão số 3 đã gây ra những thiệt hại đầu tiên cho hai địa phương này.

Nhiều cây xanh ở tỉnh Quảng Ninh bị bật gốc, đổ xuống đường do ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: N.Q

Nhiều cây xanh ở tỉnh Quảng Ninh bị bật gốc, đổ xuống đường do ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: N.Q

Tại Quảng Ninh, tính đến 13 giờ hôm nay (7/9), bão số 3 đã làm 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu, 100 cây xanh bị đổ. Các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn mất điện diện rộng.

Sáng nay, qua kiểm tra thực tế và nghe các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh báo cáo nhanh về công tác phòng, chống cơn bão số 3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chủ động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng chống bão.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, diễn biến của cơn bão số 3 vẫn rất phức tạp, vì vậy tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác chuẩn bị ứng phó với các tình huống có thể phát sinh, nhất là tại các vị trí xung yếu như: hồ đập, các tuyến đê biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Ninh tổ chức thường trực 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến của cơn bão để tiếp tục chủ động phòng, chống, mục tiêu cao nhất là đảm bảo về người, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tài sản; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức cho người dân hiểu về mức độ rủi ro, nguy cơ thiệt hại đối với từng cấp gió để người dân chủ động phương án phòng tránh; tuyệt đối không để người dân quay trở lại các lồng bè, tàu đang neo đậu khi chưa đảm bảo an toàn.

Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi bão khi cần thiết; sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi có vấn đề xảy ra.

Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu phải lên phương án sẵn sàng ứng phó hoàn lưu sau bão; tiếp tục đổi mới công tác thông tin về bão, phương pháp chống bão để người dân hiểu dễ, hiểu đúng, dễ làm theo. Trong thời gian tới, tỉnh nghiên cứu cơ chế xây dựng các cộng đồng dân cư ven biển để lấy đây là hạt nhân triển khai công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; Hòn Dấu cấp 5, giật cấp 9; Phù Liễn cấp 7, giật cấp 9; vùng biển ngoài khơi Hải Phòng (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ) sóng biển cao 6-8m, vùng ven biển Hải Phòng (Cát Bà, Đồ Sơn, Hòn Dấu) sóng biển cao 1,25-2m.

Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ do ảnh hưởng của gió mạnh, trụ sở của một cơ quan, đơn vị bị tốc mái tôn, đổ tường bao, đổ cổng, nhiều cây cối tại các tuyến đường và trong các cơ quan, đơn vị bị đổ, gãy. Hiện, địa phương đang khắc phục.

Gió mạnh cũng làm một số cây xanh ven đường ở các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo bị đổ ngã ra đường, gây cản trở giao thông. Thống kê ban đầu cho thấy có 46 cây xanh bị đổ, 2 cột điện hạ thế, 1 trạm biến thế của thành phố Hải Phòng bị hư hỏng. Lực lượng chức năng các địa phương trên đã tập trung khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt và đảm bảo cung ứng điện cho người dân.

Gió mạnh làm nhiều cây xanh ở thành phố Hải Phòng bị gãy, đổ. Ảnh: Trung Kiên

Gió mạnh làm nhiều cây xanh ở thành phố Hải Phòng bị gãy, đổ. Ảnh: Trung Kiên

Các tỉnh Thái Bình, Nam Định chưa ghi nhận thiệt hại. Hiện các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình, lãnh đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đang thường trực tại địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão số 3.

Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh Thái Bình và toàn bộ cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng, chống thiên tai đang thường trực tại vị trí được phân công để kịp thời xử lý các sự cố xảy ra.

Bộ Chỉ huy BĐBP Thái Bình tiếp tục kiểm tra việc neo đậu của tàu, thuyền không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu; kiểm tra, giám sát không để các tàu, thuyền và lao động trông coi đã được di dời quay trở lại các chòi ngao, đầm nuôi trồng thủy, hải sản.

Được biết, lực lượng công an, quân đội trên địa bàn tỉnh Thái Bình thường trực 100% quân số để giúp địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-so-3-lam-6-tau-tai-quang-ninh-bi-chim-post480498.html