Bão số 3 mạnh lên thành siêu bão: Các tỉnh sẵn sàng phương án dừng phà, cầu vượt biển

Trước diễn biến của bão số 3, UBND các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, TP Hải Phòng, Nam Định... đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão.

Hải Phòng sẵn sàng phương án cấm đường, cầu vượt biển

Theo thông báo mới nhất chiều 5/9 của cơ quan khí tượng, bão số 3 Yagi vẫn duy trì cấp siêu bão (cấp 16) với sức gió khoảng 200 km/h trên Biển Đông. Dự báo, khoảng trưa thứ bảy (7/9), bão đổ bộ trực tiếp đất liền miền Bắc.

Trước diễn biến của bão số 3, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, TP Hải Phòng, Nam Định..., trong đó có các đơn vị ngành giao thông vận tải đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão.

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ giúp ngư dân đưa phương tiện lên bờ, vào nơi tránh trú an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ giúp ngư dân đưa phương tiện lên bờ, vào nơi tránh trú an toàn.

Tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố đã giao Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển.

Đồng thời, chủ động trao đổi cùng Sở Giao thông vận tải thành phố để thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.

Chủ động rà soát, thực hiện các phương án phòng, chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.

Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều (nhất là các vị trí xung yếu), khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công, cầu tàu, bến cảng… Rà soát, sẵn sàng phương án và tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực sạt lở do mưa lớn gây ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng đề nghị Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I chỉ đạo, hướng dẫn các tàu, thuyền, phương tiện thủy neo đậu tại các vùng nước do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến các công trình kết cấu hạ tầng khác khi có sự cố xảy ra.

Quảng Ninh kiểm soát chặt ngầm tràn, đập tràn

Tại Quảng Ninh, tính đến nay, toàn bộ 398 tàu du lịch trên vịnh, 98 tàu chở khách tuyến đảo, 5.556 tàu cá trên địa bàn tỉnh đã nhận được thông tin bão. Đối với 257 tàu cá xa bờ, đã thực hiện liên lạc và dự kiến đến ngày 6/9 các tàu này sẽ về đến nơi neo đậu.

Ngoài ra, 2.889 cơ sở nuôi cá và nhuyễn thể trên các vùng biển đang được các chủ cơ sở tiến hành gia cố, hoàn thành trước 6/9 và di chuyển người lên bờ an toàn.

Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Vi Ngọc Bích cùng lãnh đạo huyện Bình Liêu kiểm tra khu vực sạt lở khu Bình Công 2, thị trấn Bình Liêu. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Vi Ngọc Bích cùng lãnh đạo huyện Bình Liêu kiểm tra khu vực sạt lở khu Bình Công 2, thị trấn Bình Liêu. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Cùng với đó, các địa phương trong toàn tỉnh cũng đã tích cực triển khai các phương án ứng với phó với bão, không chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ.

Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa rà soát, nắm chắc số lượng tàu du lịch, sẵn sàng thực hiện cấm biển khi có yêu cầu; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các bến, khu neo đậu. Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các tuyến đường bộ (lưu ý đường cao tốc, cầu Bạch Đằng, Bãi Cháy…) sẵn sàng các biện pháp ứng phó tình huống gió mạnh.

Lực lượng CSGT tỉnh Quảng Ninh cũng sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính (nhất là các tuyến cao tốc, cầu Bãi Cháy, cầu Bạch Đằng...), tham mưu đề xuất cấm đường vượt biển, cầu vượt biển trong trường hợp cần thiết; kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua ngầm tràn, đập tràn, tuyệt đối không để người dân di chuyển qua các tuyến đường bị ngập lụt sâu, nước chảy xiết, sạt lở đất...

Nam Định sẽ dừng phà, cầu phao khi bão từ cấp 6 trở lên

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tỉnh Nam Định, hiện có 1.714 phương tiện tàu, thuyền với 5.287 ngư dân. Đến 10 giờ ngày 4/9, toàn bộ tàu, thuyền của tỉnh đã nhận được thông tin; số người trên các lều, chòi trông coi đầm bãi đã nhận được thông báo về diễn biến, hướng đi của bão từ các đơn vị, địa phương và đang trên đường vào bờ.

Tại các bến, bãi, cảng cá neo đậu tàu, thuyền của tỉnh hiện có 1.797 phương tiện với 5.533 ngư dân vào neo đậu, tránh trú.

Ngày 5/9, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản thông báo tới Khu quản lý đường bộ I, II, III, IV; Sở Giao thông vận tải yêu cầu khi có lũ báo động từ cấp 2 trở lên, bão từ cấp 6 trở lên, phải tạm dừng hoạt động các bến phà Đại Nội, Đống Cao, cầu phao Ninh Cường...

Thái Bình dự kiến cấm biển từ 8 giờ sáng 6/9

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cho biết, theo dự báo về diễn biến của bão dự kiến sẽ nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 8h ngày 6/9.

Cùng đó, di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nhà yếu, nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Dự kiến, các công việc này phải hoàn thành trước 18h ngày 6/9.

Hiện các chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình giao thông đã kiểm tra, chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản và công trình. Kiểm tra, khơi thông những vị trí có nguy cơ gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước trên công trình đang xây dựng.

Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tổ chức duy trì lực lượng thường trực, theo dõi diễn biến về cơn bão qua các phương tiện thông tin để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải; các đơn vị quản lý duy tu tổ chức kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại khu vực các cầu lớn, nhắc nhở các chủ phương tiện có biện pháp chống va trôi cho phương tiện. Duy trì lực lượng sẵn sàng thực hiện phân luồng giao thông ngay khi có ách tắc giao thông xảy ra.

Bến phà Cồn Nhất chủ động thực hiện dừng hoạt động vận chuyển hành khách của Bến phà khi có gió giật từ cấp 6, cấp 7 trở lên.

Nhóm PV Thời sự

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bao-so-3-manh-len-thanh-sieu-bao-cac-tinh-san-sang-phuong-an-dung-pha-cau-vuot-bien-192240904182457632.htm