Bão số 3 tăng cấp, hướng vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 4h sáng nay, 5/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông.

Tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 550km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/giờ. Như vậy so với thời điểm bão mới vào Biển Đông, sau 48 giờ, bão đã mạnh thêm 8 cấp.

Dự báo trong 24 giờ tới sẽ là thời điểm mạnh nhất của bão số 3. Bão tiếp tục mạnh lên thành siêu bão với cấp 16, giật trên cấp 17, tiến gần vào đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định: Phía Bắc vĩ tuyến 16,0N; kinh tuyến 111,5E – 119,5E. Rủi ro thiên tai cấp 4 ở khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.

 Bão số 3 giật trên cấp 17 đang đi vào Vịnh Bắc bộ.

Bão số 3 giật trên cấp 17 đang đi vào Vịnh Bắc bộ.

Về diễn biến cơn bão số 3, theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng đêm 6 ngày 7/9, bão sẽ đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ với cường độ gió cấp 12-13, giật cấp 15.

Vùng ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12. Từ ngày 7 đến 9-9 sẽ xảy ra một đợt mưa to đến rất to trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

"Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là 5 tỉnh, thành phố được dự báo chịu tác động mạnh nhất của bão" - ông Lâm cho hay

Gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 9-11, giật cấp 13. Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 7 đến 9-9, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to, nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Bão số 3 được nhận định có thể đạt cấp 15-16, giật cấp 17, tức là cấp siêu bão trên khu vực Biển Đông.

Khi vào vịnh Bắc Bộ, bão đã đi qua đảo Hải Nam và phía Bắc bán đảo Lôi Châu nên đã giảm cấp và không còn là siêu bão.

"Bão số 3 có thể được coi là cơn bão mạnh nhất đi vào vịnh Bắc Bộ trong 10 năm trở lại đây. Cường độ và quỹ đạo bão số 3 có thể tương đương cơn bão năm 2014 và 2016" - ông Lâm nhấn mạnh.

Để chủ động ứng phó với bão, trước đó, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.

Công điện nhấn mạnh, đây là cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh, để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương nêu trên chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ, trong đó:

a) Tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo:

1). Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

2). Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

3). Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.

b) Bảo đảm an toàn khu vực ven biển và trên đất liền:

1). Chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển.

2). Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

3). Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.

c) Bảo đảm an toàn khu vực miền núi:

1). Chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

2). Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

3). Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

4). Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ nếu xảy ra tạ cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình bão, lũ, chủ động chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan kịp thời triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

5. Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.

6. Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn các hoạt động dầu khí trên biển, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện; vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện; đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.

7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

8. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… do bão, mưa, lũ gây ra.

9. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai Công điện này.

10. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bao-so-3-tang-cap-huong-vao-cac-tinh-tu-quang-ninh-den-ninh-binh-92772.html