Bão số 3 vào vịnh Bắc Bộ, giật cấp 14, cảnh báo ngập lụt và lũ quét diện rộng
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo đến 1h ngày 22/7, bão Wipha tiếp tục mạnh thêm, đạt cấp 10-11, giật cấp 14 khi tiến vào khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa ra tin bão khẩn, cập nhật về cơn bão số 3 - Wipha.
Vào hồi 13 giờ ngày 21/7, tâm bão số 3 đang ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 120km, cách Hải Phòng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15km/h. Do ảnh hưởng của bão, đặc khu Bạch Long Vĩ đã ghi nhận gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; tại Cô Tô, gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Dự báo đến 1h ngày 22/7, bão tiếp tục mạnh thêm, đạt cấp 10-11, giật cấp 14 khi tiến vào khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ. Đến 13h ngày 22/7, bão nằm trên vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, vẫn duy trì sức gió cấp 10-11, giật cấp 14. Dự báo đến 13h ngày 23/7, bão sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền Thượng Lào.
Vị trí và đường đi của bão Wipha.
Do tác động của bão, trên biển: Khu vực phía Tây Bắc của Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sóng biển cao 3-5m. Bắc Vịnh Bắc Bộ (gồm Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Hòn Dấu) có gió tăng dần lên cấp 10-11, giật cấp 14, sóng cao 4-6m, biển động dữ dội. Nam Vịnh Bắc Bộ (gồm Hòn Ngư) cũng có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2-4m.
Bên cạnh đó, nước dâng do bão tại các khu vực ven biển từ Hưng Yên đến Quảng Ninh có thể đạt 0,5-1,0m. Mực nước tại các trạm như Ba Lạt, Hòn Dấu, Cửa Ông và Trà Cổ dao động từ 2,4m đến 5,0m, có nguy cơ cao gây ngập úng tại khu vực ven biển và cửa sông trong chiều 22/7.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, thời tiết trên biển, vùng đất liền ven biển trong bão cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất kỳ phương tiện, công trình nào hoạt động trong vùng nguy hiểm như: Tàu du lịch, tàu chở khách, tàu vận tải, lồng, bè, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè, tuyến đường ven biển. Các phương tiện có khả năng cao bị lật úp, phá hủy, ngập úng do gió mạnh, dông, lốc, sóng lớn và nước biển dâng.
Trên đất liền, từ tối 21/7, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Các khu vực sâu trong đất liền như Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa cũng ghi nhận gió cấp 6, giật cấp 7-8.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo đến 1h ngày 22/7, bão Wipha tiếp tục mạnh thêm, đạt cấp 10-11, giật cấp 14 khi tiến vào khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ.
Bên canh đó, từ ngày 21 đến 23/7, các khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 600mm. Các khu vực khác thuộc Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng tại vùng trũng thấp.
Trong ngày 21/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 3 (bão Wipha) tại TP. Hải Phòng. Phó Thủ tướng lưu ý, Hải Phòng cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề, nhất là công tác dự báo sớm và đúng, để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Riêng với công tác bảo đảm an toàn đê điều, yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát từ trước. Những nơi xung yếu, chất lượng đê điều chưa bảo đảm phải tập trung xử lý ngay.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về công tác phòng, chống bão số 3 - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Về nguy cơ sạt lở, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề không thể chủ quan, dù ngay tại địa bàn thành phố, nguy cơ vẫn hiện hữu và phải được quan tâm xử lý một cách căn cơ, lâu dài. Từ đó, yêu cầu được đặt ra là phải có chiến lược tổng thể, bền vững. Hải Phòng cần tập trung rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở để xử lý dứt điểm, giải quyết căn cơ.
Đối với các khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải cưỡng chế kiên quyết, nhưng muốn người dân thực sự di dời khỏi lồng bè thì phải bảo đảm phương án bảo vệ tài sản cho họ. Đồng thời, cần huy động tối đa lực lượng vũ trang giúp dân chằng chống, bảo vệ lồng bè - coi đây là cuộc chạy đua với thời gian trước bão.
"Chúng ta không thể mãi "đối phó" với bão-cần chuyển từ ứng phó bị động sang giải pháp căn cơ, kiên cố, ứng dụng công nghệ để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân", Phó Thủ tướng nói…