Bão số 4: Lũ trên các sông ở Trung Bộ đang lên, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền
Sáng 28/9, sau khi đi sâu vào khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 10 giờ – 28/9, tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 8 ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Cảnh báo mưa lớn: Chiều 28/9, ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm.
Từ ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 180mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ngày và đêm 28/9, ở khu vực từ Phú Yên đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Khu vực Hà Nội: Từ ngày 28/9 đến ngày 29/9 có mưa vừa và dông, có nơi mưa to.
Cảnh báo: Mưa dông ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ còn duy trì trong nhiều ngày tới.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Lũ trên các sông ở Quảng Nam và từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, Kon Tum đang lên
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, mực nước trên các sông ở Quảng Nam, thượng nguồn sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và sông Đắk Bla (Kon Tum) đang lên nhanh. Mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình có dao động; các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An biến đổi chậm.
Mực nước lúc 7 giờ ngày 28/9 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 7,55m, dưới báo động 2 là 0,45m.
Trung tâm này dự báo, trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông ở Quảng Nam và Kon Tum tiếp tục lên. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa khả năng ở mức 8,5m, trên báo động 2 là 0,5m; đỉnh lũ tại hạ lưu sông Đắk Bla tại Kon Tum ở mức báo động 1 – báo động 2.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thu Bồn tiếp tục lên và ở mức báo động 1 – báo động 2, trên sông Vu Gia và sông Đắk Bla xuống mức báo động 1.
Đặc biệt, từ 28-30/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động 1 – báo động 2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, thượng lưu sông Cả (Nghệ An) và sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) lên mức báo động 1 và trên báo động 1; hạ lưu sông Mã, sông Cả ở dưới mức báo động 1.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn sau bão
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum đã bão hòa hoặc đạt trạng thái gần bão hòa (trên 85%).
Dự báo trong 6 giờ tới, một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 50-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo người dân cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum, đặc biệt tại các huyện: Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum).
Thiệt hại ban đầu do bão số 4 tại các địa phương
Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị (Báo cáo số 7 ngày 27/9) và các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, tình hình thiệt hại ban đầu (tính đến 5h/28/9) như sau:
Tại Quảng Trị: 4 người bị thương; 120 nhà bị tốc mái; 180 hàng quán ven biển hư hỏng.
Tại Thừa Thiên Huế: 1 người bị thương; 1 nhà bị sập; 10 nhà bị tốc mái.
Tại Đà Nẵng: 172 trạm trạm biến áp bị mất điện (đã khôi phục: 89; chưa khôi phục: 83); 7.832 khách hàng bị mất điện (đã khôi phục: 2.923; chưa khôi phục: 4.909); 2 nhà bị tốc mái, 75 cây xanh bị gãy đổ.
Tại Quảng Nam: 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục); còn 372 trạm có điện; 437.934 khách hàng bị mất điện.
Tại Quảng Ngãi: Một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được cụ thể). Từ 22 giờ đến 23 giờ, các huyện đang bị cúp điện: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Trà Bồng, Lý Sơn đã bị cúp điện. Một số cây xanh bị ngã đổ, chưa có thiệt hại.
Tại Kon Tum: 6 xã trên địa bàn huyện KonPlông bị mất điện.
Tại các tỉnh Bình Định, Gia Lai: Chưa có thông tin về thiệt hại.