Bão số 5: Đà Nẵng có 3 người tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông
Đến 17 giờ ngày 15.10, thành phố Đà Nẵng đã xác định được 2 trường hợp tử vong do đuối nước và 1 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông trong bão số 5.
Chiều 15.10, ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết đến 17 giờ ngày 15.10 đã xác định được 2 trường hợp tử vong do đuối nước và 1 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông trong bão số 5.
Cụ thể, ông Nguyễn Tấn Cả, sinh năm 1954, trú tại Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng, bị nước cuốn trôi trên đường đi làm về. Hiện lực lượng chức năng đã làm thủ tục bàn giao thi thể cho gia đình nạn nhân để mai táng. Một nạn nhân khác là em Võ Huỳnh Nguyên Thảo, sinh năm 2006, trú tại Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, bị đuối nước khi đang di chuyển sang khu vực cao tránh ngập lụt. Ngoài ra, tại quận Sơn Trà có 1 trường hợp bị tử vong do tai nạn giao thông.
Quận Sơn Trà phát hiện có 2 ghe nhỏ chưa rõ số hiệu chìm tại phường Nại Hiên Đông và 1 tàu Đna-47019TS bị chìm tại phường Mân Quang (tàu do ông Nguyễn Trường Thanh, trú Mân Thái làm chủ).
Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, lũy kế tổng số hộ bị mất điện là 206.225 khách hàng (đã khôi phục: 71.840 khách hàng; chưa khôi phục: 134.385 khách hàng). Các khu vực còn mất điện phần lớn thuộc quận Sơn Trà, dọc ven biển đường Trường Sa và một phần quận Hải Châu.
Hiện lực lượng chức năng các quận, huyện đang tích cực phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, khơi thông các tuyến đường, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho nhân dân các khu vực ngập lụt…
Ngày 15.10, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã có công văn về khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 5, áp thấp nhiệt đới có mưa lớn gây ra; chỉ đạo các địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố chủ động, tích cực triển khai xử lý những nơi còn ngập úng, nhất là trong khu vực nội thành, những vùng trũng, thấp, có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Lực lượng chức năng tập trung tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, khu dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị, nhất là các tuyến đường chính, tuyến đường ven biển, các khu vực bị sạt lở trên địa bàn thành phố; bảo đảm lương thực, nước sạch cho người dân, thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị những người bị thương, bị nạn do mưa bão gây ra; tăng cường quản lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh.
Các ngành chức năng, địa phương Tổ chức cứu trợ đối với các trường hợp khẩn cấp, nhất là các trường hợp ở các khu sơ tán tập trung, các hộ bị thiệt hại về nhà cửa, sản xuất; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân không chủ quan, hạn chế trường hợp tai nạn trong lúc dọn dẹp sau mưa bão…
Cơ quan khí tượng lý giải nguyên nhân ngập lụt lịch sử ở Đà Nẵng
Liên quan đến đợt mưa lớn diện rộng xảy ra ở khu vực Trung Bộ (từ ngày 14-15.10), gây ngập lụt lịch sử tại thành phố Đà Nẵng, trưa 15.10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có báo cáo nhanh về diễn biến đợt mưa và nguyên nhân ngây đợt ngập lụt lịch sử.
Thông tin tới phóng viên VietnamPlus, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết theo số liệu quan trắc lượng mưa (từ 19 giờ ngày 13.10 đến 7 giờ sáng nay, 15.10), tại Đà Nẵng phổ biến 550-600mm; Quảng Nam phổ biến 100-400mm, Thừa Thiên Huế phổ biến 250-550mm.
Riêng tại Đà Nẵng, mưa tập trung chính trong khoảng thời gian từ 1 giờ ngày 14.10 đến 1 giờ ngày 15.10, trong đó một số nơi có mưa rất lớn, có nơi lên đến 775.2mm.
Lượng mưa lớn chủ yếu tập vào chiều và tối ngày 14.10, với lượng mưa trong khoảng 1 giờ lớn nhất là 150,2mm (từ 19-20 giờ); lượng mưa 3 giờ lớn nhất là 406,6mm (từ 18-21 giờ); lượng mưa 6 giờ lớn nhất là 567,8mm (từ 15-21 giờ).
Hệ quả của đợt mưa lớn trên đã khiến nhiều khu vực ở thành phố Đà Nẵng bị ngập sâu trên diện rộng. Đáng chú ý nhất là khu vực các quận/huyện như: Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.
Về nguyên nhân gây ngập ở khu vực thành phố Đà Nẵng, theo ông Hưởng, có 5 nguyên nhân chính. Đầu tiên là do tác động bởi tổ hợp đa thiên tai kết hợp của áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông. Thứ 2 là đặc điểm địa hình chắn gió ở miền Trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh.
Thứ 3, mưa xảy ra trong thời đoạn ngắn với cường suất lớn. Thống kê ban đầu cho thấy lượng mưa trong 6 tiếng đồng hồ lên đến trên 500mm là rất lớn.
Thứ 4, trong chiều tối và đêm 14.10, triều cường tại khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên (trong đó có Đà Nẵng) ở mức cao đã làm chậm quá trình thoát lũ.
Nguyên nhân thứ 5 là, thông thường tháng 10 và tháng 11 là thời kỳ khu vực miền Trung có mưa lớn nhất trong năm. Từ đầu năm 2022, cơ quan khí tượng thủy văn cũng đã dự báo có ảnh hưởng của La Nina (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường), không khí lạnh hoạt động sớm nên mưa lũ khả năng sẽ lớn hơn năm bình thường.
“Dù vậy, đối với đợt mưa vừa xảy ra ở Trung Bộ, cơ quan khí tượng thủy văn cũng đã có cảnh báo rất sớm với lượng mưa phổ biển 200-500 mm, cục bộ cơ nơi trên 800mm,” đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý.