Bão số 5 đổ bộ vào Nam Trung Bộ: Cây xanh ngã đổ, nhiều nơi mất điện
Do ảnh hưởng bão số 5, tại các tỉnh Nam Trung Bộ gây mưa to, gió giật mạnh, một số khu dân cư mất điện.
Đêm qua (30/10), bão số 5 đã đổ bộ vào đất liền. Tại các tỉnh Nam Trung Bộ gây mưa to, gió giật mạnh, một số khu dân cư mất điện. Các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã sơ tán hơn 7.000 hộ dân với hàng chục nghìn nhân khẩu tránh bão.
Tại vùng biển Qui Nhơn, tỉnh Bình Định có sóng to, gió lớn làm 4 tàu chở hàng đang neo đậu tại cảng Quy Nhơn bị tuột neo, tàu bị kéo trôi. Ngay trong đêm, Cảng vụ Hàng hải Qui Nhơn đã huy động tàu lai dắt của cảng ứng cứu, hỗ trợ 4 tàu neo lại khỏi bị sóng cuốn trôi. Gió to làm nhiều cây cối bị ngã đổ, đường dây điện bị đứt, một số khu vực ở thành phố Quy Nhơn mất điện. Tỉnh Bình Định đã di dời hơn 1.000 hộ dân tại các vùng trũng đi tránh mưa bão.
Suốt đêm qua, tại tỉnh Phú Yên trời mưa rất to, gió mạnh, triều cường dâng cao. Gió mạnh nhất tại thị xã Sông Cầu giật cấp 9, cấp 10. Nhiều nơi như các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa mất điện do cây xanh ngã đổ. Điện lực huyện Đông Hòa chủ động cắt điện để đảm bảo an toàn. Các lực lượng công an, quân đội, dân quân địa phương tích cực hỗ trợ dân vùng ngập lụt sơ tán, di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn tránh bão. Mưa lớn lượng nước về các hồ chứa đang tăng. Hơn 2.200 hộ dân với 7.000 người ở những vùng nguy hiểm, vùng ngập trũng ở tỉnh Phú Yên được sơ tán.
Ông Cao Thái Nhân, Chủ tịch UBND xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết: "Di dời dân từ các vùng trọng yếu lên vùng cao để đảm bảo an toàn, đặc biệt là các hộ già yếu, gia đình khó khăn, các hộ sống ven đầm. Phân công các thành viên ban chỉ đạo phụ trách các địa bàn, tổ chức trực sẵn sàng, để ứng phó".
Chính quyền địa phương cho biết, vào đêm qua (30/10), bão số 5 đã đổ bộ vào khu vực phía bắc tỉnh Phú Yên, Nam tỉnh Bình Định. Trong đó, thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là địa bàn ảnh hưởng trực tiếp khi tâm bão đi qua.
Trước bão, huyện Tuy An đã di dời 300 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu tại các xã ven biển đến nơi an toàn. Người lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại thị xã Sông Cầu cũng đã vào bờ an toàn, hạn chế được những thiệt hại khi tâm bão đi qua.
Sáng sớm nay (31/10), khu vực phía Bắc tỉnh Phú Yên mưa nhỏ, thuận lợi cho công tác khắc phục hậu quả sau bão. Tại huyện Tuy An, mực nước dâng cao đã làm ngập cầu Cây Cam, nằm trên ĐT 650, cô lập 2 xã An Định và An Nghiệp với vùng xung quanh. Tại thị xã Sông Cầu, mưa to, gió giật gây ra sự cố đường dây diện, khiến 8/14 xã, phường bị mất điện trên diện rộng.
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết: Điện cũng bị cắt, bây giờ yêu cầu bên Điện lực phải phục hồi lại cho bà con sinh hoạt, sản xuất. Cây cối ngã xuống trên đường, chúng tôi đã cho dọn dẹp để đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời khắc phục các khu sạt lở như đê, bờ bao...
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã sơ tán hơn 3.800 hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn tránh bão. Hiện tại, 31 cơ sở lưu trú, khu du lịch nằm ven biển, trên các hòn đảo tỉnh Khánh Hòa có hơn 4500 khách du lịch lưu trú, trong đó, hơn 90% là khách nước ngoài. Các khu du lịch tạm dừng đón khách; đồng thời có phương án đảm bảo an toàn cho du khách.
Ông Trịnh Minh Đại Anh, Điều hành một khu du lịch trên đảo Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Để đảm bảo an toàn cho du khách. Mình không vận chuyển khách ra đảo vì sóng to, gió giật nên không đảm bảo. Nhân viên ngoài đảo cũng cho nghỉ chỉ có bảo vệ ở lại thôi"./.