Bão số 5 gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

Đêm qua, bão số 5 đã gây mưa to đến rất to ở khu vực tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12. Hiện các địa phương đang khẩn trương triển khai những biện pháp khắc phục hậu quả của cơn bão.

Sáng 31-10, người dân Quy Nhơn vẫn phải vượt qua vùng ngập lụt bằng xe tải nhẹ.

Sáng 31-10, người dân Quy Nhơn vẫn phải vượt qua vùng ngập lụt bằng xe tải nhẹ.

Tính đến 7 giờ ngày 31-10, sau khi bão số 5 đi qua, tại khu vực vùng nước Bình Định thuộc quyền quản lý của Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn có 58/61 tàu và 486 thuyền viên tại khu vực đã an toàn, không có tổn thất về người và hàng hóa; không xảy ra sự cố tràn dầu hoặc ô nhiễm môi trường; không có ách tắc luồng hàng hải, bảo đảm hoạt động của tàu thuyền và cảng biển. Ba tàu hiện đang mắc cạn nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu tàu.

Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh Bình Định đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để tiếp tục các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão.

Ngay sau bão, tiếp nhận thông tin các tàu bị nạn vùng nước cảng Quy Nhơn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định đã đề nghị Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn điều tàu hỗ trợ. Theo đó, có bảy tàu vận tải (sáu tàu quốc tịch Việt Nam, một tàu Panama), tổng số người trên tàu là 67 người. Ngay trong đêm, ba tàu đã tự khắc phục và neo đậu an toàn; một tàu trôi ra biển, máy vẫn hoạt động đã khắc phục vào nơi neo đậu an toàn lúc 0 giờ 30 phút ngày 31-10; ba tàu đang mắc cạn được Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn tìm các giải pháp hỗ trợ, dự kiến giải quyết trong ngày 31-10. Tất cả số thuyền viên trên tàu đều an toàn.

Có 70 tàu cá neo đậu tại cảng Quy Nhơn bị trôi neo lúc 20 giờ ngày 30-10, trôi dạt vào cầu cảng, va đập mạnh và gây hư hỏng nặng. Sau khi gió giảm đã có 25 tàu khắc phục và đi vào nơi đậu an toàn, 45 tàu còn lại được Cảng cá Bình Định phối hợp UBND TP Quy Nhơn đánh giá thiệt hại và hỗ trợ để xử lý. Có bốn tàu sắt ở Cảng cá Đề Gi bị trôi neo nhưng đã khắc phục. Không có thiệt hại về người; một tàu cá và ba thuyền viên bị trôi khỏi Cảng cá Quy Nhơn được Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn hỗ trợ lai dắt an toàn.

Công nhân Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, dọn dẹp cây xang đổ, gãy trên đường phố Quy Nhơn.

Công nhân Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, dọn dẹp cây xang đổ, gãy trên đường phố Quy Nhơn.

Ngoài ra, mưa bão đã làm sập 144 nhà, hư hỏng 333 nhà, ngập nước 250 nhà; 45 tàu thuyền bị va đập và hư hỏng; đường giao thông hư hỏng 250m, mái taluy sạt 250m; kè bờ biển sạt lở 2.000m, kè biển bị hư hỏng nặng 138m; lúa và các loại hoa màu khác bị ngập 4.500 ha, nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng 20 ha. Rất nhiều cây xanh bị ngã đổ khu vực TP Quy Nhơn, Tuy Phước; 50 phòng học bị tốc mái và hư hỏng; 34 cột cao thế, 22 cột hạ thế gãy đổ; 10 km đường dây điện bị đứt; một trụ ăng-ten bị đổ, 20 km cáp quang các loại bị đứt. Tổng thiệt hại ước tính 250 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn: Cảng vụ Quy Nhơn đã tập trung toàn bộ lực lượng thường trực đối phó với bão. Ban Chỉ huy trực hiện trường thường xuyên liên lạc, nắm bắt tình hình của từng tàu thuyền trong khu vực nhằm kịp thời điều động hoặc đưa ra các chỉ dẫn, khuyến cáo hợp lý để tàu thuyền chống chọi với mưa bão, bảo đảm ổn định, an toàn cho tàu và người. Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn, trong tổng số 52 tàu thuyền neo đậu tại khu vực đầm Thị Nại, thuộc Cảng biển Quy Nhơn đã có một số tàu bị rê neo và trôi dạt…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng (bên trái) thăm và tặng quà cho hộ có nhà bị sập tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng (bên trái) thăm và tặng quà cho hộ có nhà bị sập tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.

Ngay trong sáng 31-10, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chia thành nhiều đoàn đi kiểm tra khắc phục hậu quả bão số 5. Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: sau khi nắm chắc tình hình thiệt hại, các hộ có nhà bị sập sẽ được hỗ trợ ngay 50 triệu đồng, các hộ có nhà bị hư hỏng, tùy mức độ nặng nhẹ sẽ được hỗ trợ từ 10 triệu đến 30 triệu đồng. Trước mắt động viên các hộ láng giềng cho bà con có nhà sập ở nhờ. Chủ trương của lãnh đạo tỉnh và các địa phương là: không để cho bà con bị đói và lạnh.

Hiện ba tàu hàng vẫn đang mắc cạn trên khu vực biển Quy Nhơn, gồm tàu Quang Vinh 09 mắc cạn tại khu neo đầm Thị Nại; tàu Long Châu bị trôi neo, mắc cạn gần phao dầu An Phú và tàu Khánh Ngọc 18 mắc cạn tại khu neo đầm Thị Nại, tàu bị thủng buồng máy chính, trên tàu có 10 tấn dầu DO. Theo ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn: Hiện nay, Cảng vụ đang phối hợp chủ tàu tìm giải pháp lai dắt, đưa tàu ra khỏi vị trí mắc cạn. Tuy nhiên, thời tiết lúc này vẫn chưa thuận lợi để thực hiện việc này. Công tác cứu nạn, lai dắt ba tàu hàng trọng tải lớn này ra khỏi vị trí mắc cạn, phòng ngừa sự cố rò rỉ dầu ra môi trường là vấn đề cấp thiết hiện nay. Qua khảo sát sau khi bị gió bão đánh dạt, neo của tàu Long Châu lại dính vào chân vịt tàu Khánh Ngọc 18. Sáng 31-10 lực lượng cứu hộ đã sử lý xong việc này. Tuy nhiên, phải chờ nước triều lên mới có thể đưa tàu ra lai dắt hai tàu này. Riêng tàu Quang Vinh 09 thì bị mắc cạn khá sâu trong bờ nên việc lai dắt sẽ mất nhiều thời gian hơn. Công tác ngăn ngừa sự cố tràn dầu các tàu này cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Sáng 31-10, UBND TP Quy Nhơn cấp phát 18.500 bao cát cho các phường, xã để khắc phục thiệt hại bão số 5. Công ty CP Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn huy động toàn bộ nhân lực và thiết bị khắc phục kịp thời cây xanh bị ngã đổ thông thoáng giao thông.

Công ty Điện lực Bình Định đã huy động hàng trăm công nhân tham gia công tác khắc phục hậu quả bão. Theo ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, đến chiều tối ngày 31-10 Công ty đã khôi phục xong lưới điện 110 KV, 80% lưới điện 22 KV và khoảng 50% lưới hạ thế bị hư hỏng. Dự kiến trong ngày 1-11 toàn bộ các hư hỏng sẽ được sửa chữa bảo đảm đóng điện cho toàn bộ hệ thống phụ tải trong tỉnh.

Phú Yên khẩn trương khắc phục thiệt hại bão số 5

Đến 9 giờ sáng nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên mưa đã tạnh, trước đó, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 5 trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có mưa to, đến rất to đã gây ngập cục bộ tại một số địa phương. Nhờ chủ động trong công tác phòng chống trên địa bàn, nên địa phương đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 5 gây ra: Không có thiệt hại về người; có tám nhà bị sập đổ hoàn toàn; 14 nhà thiệt hại từ 30-50%; 12 nhà thiệt hại dưới 30%. Có 70 ha lúa mùa và hoa màu bị ngã đổ, hư hại do ngập úng. Về tàu thuyền có 19 tàu thuyền bị chìm đang được trục vớt, khắc phục sớm.

Ngành điện lực Phú Yên đang tập trung xử lý sự cố, dự kiến đến cuối giờ chiều 31-10 sẽ cung cấp điện trở lại cho toàn bộ hệ thống.

Ngành điện lực Phú Yên đang tập trung xử lý sự cố, dự kiến đến cuối giờ chiều 31-10 sẽ cung cấp điện trở lại cho toàn bộ hệ thống.

Riêng về giao thông, mưa bão đã gây sạt lở, ngập và ách tắc giao thông tại một số tuyến đường trũng thấp như tuyến ĐT642 (Triều Sơn đi La Hai) đoạn qua cầu Cây Sung, xã Xuân Sơn Bắc nhiều đoạn bị ngập sâu hơn 1m; tuyến ĐT 644 (thị xã Sông Cầu đi Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) bị sạt lở, ách tắc giao thông tại công trình đường tránh cầu Suối Kỳ thuộc xã Xuân Lãnh. Sở GTVT Phú Yên đang chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương khắc phục sự cố tại công trình này, để bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến ĐT 644.

Ngành giao thông đang khắc phục sự cố sạt lở tại đường tránh cầu Suối Kỳ, thuộc xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân để bảo đảm giao thông trên tuyến ĐT 644.

Ngành giao thông đang khắc phục sự cố sạt lở tại đường tránh cầu Suối Kỳ, thuộc xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân để bảo đảm giao thông trên tuyến ĐT 644.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, đến trưa nay, 31-10, trên địa bàn huyện vẫn còn ngập cục bộ tại một vài nơi. Nặng nhất là tuyến giao thông từ xã đến trung tâm huyện đang bị ngập sâu tại cầu Sông Con, 2.700 nhân khẩu của xã Xuân Sơn Bắc đang bị cô lập. Huyện chỉ đạo các tổ công tác đến các địa phương nắm tình hình, hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả. Tuyệt đối không cho lưu thông qua lại tại các địa điểm còn ngập nước để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Bão cũng làm mất điện trên diện rộng từ chiều qua đến sáng nay (31-10), khiến hàng chục cây cột điện đã bị ngã đổ ảnh hưởng đến đường dây 22KV và gây mất điện trên diện rộng.

Sau khi bão tan, các đơn vị của thuộc Công ty Điện lực Phú Yên đã huy động 200 công nhân kỹ thuật và hàng chục xe máy để phục vụ việc khắc phục sự cố. Đến trưa nay, 31-10, Điện lực Phú Yên đã khôi phục 24/32 xuất tuyến bị mất điện; đã khôi phục 703 /1.948 trạm biến áp bị ảnh hưởng. Ngoài nỗ lực cấp điện trở lại, Công ty Điện lực Phú Yên cũng khuyến cáo người dân khi đi qua các khu vực có điện (đường dây, trạm biến áp) cần cẩn trọng đề phòng rò rỉ điện do nước mưa. Nếu phát hiện tình trạng trên thì phải báo ngay cho công nhân điện lực phụ trách địa bàn hoặc chính quyền địa phương để có hướng xử lý.

Hiện nay tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục công tác kiểm tra, khắc phục và triển khai công tác phòng chống hoàn lưu bão gây mưa to, khả năng sẽ gây lũ lụt trên diện rộng...

Huyện miền núi Nam Trà My bị cô lập do mưa lũ

Ngày 31-10, Văn phòng UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5, từ chiều 30-10 đến nay, trên địa bàn huyện Nam Trà My có mưa lớn kéo dài kèm theo gió, đã gây thiệt hại về công trình giao thông và nhà ở trên địa bàn huyện.

Cầu bắc qua sông Trường bị ngập sâu gây chia cắt.

Cầu bắc qua sông Trường bị ngập sâu gây chia cắt.

Mưa lũ đã làm ngập cầu sông Trường nằm trên tuyến Quốc lộ 40B (đoạn qua địa phận Bắc Trà My) lên huyện Nam Trà My bị ngập nước, gây chia cắt huyện miền núi cao Nam Trà My với các huyện đồng bằng.

Ngoài ra, mưa lũ đã làm tuyến Quốc lộ 40B bị sạt lở tại nhiều điểm khiến cho việc đi lại gặp khó khăn. Hiện có một ngôi nhà dân ở xã Trà Mai bị tốc mái hư hỏng và ba ngôi nhà khác bị sạt lở đất vào nhà...

UBND huyện Nam Trà My đã giao cho các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra; tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế việc đi lại; đồng thời lên kế hoạch đưa các hộ gia đình có nguy cơ sạt lở khẩn trương di dời đến nơi an toàn…

Theo thông tin từ các địa phương, mưa lũ đã làm nhiều tuyến đường ở miền núi bị sạt lở, trong sáng nay (31-10), nước lũ dâng cao bất ngờ tại sông A Vương khiến một chiếc xe tải của người dân địa phương bị cuốn trôi; nhiều nơi ở miền núi bị mất điện từ tối qua, hiện ngành điện đang huy động lực lượng khắc phục.

Quảng Ngãi tập trung khắc phục hậu quả bão số 5

Cơn bão số 5 đi qua đã gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Chính quyền các địa phương đang tập trung huy động nhân lực, phương tiện khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống cho người dân.

Nhiều ngôi nhà của người dân ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành ngập sâu trong nước.

Nhiều ngôi nhà của người dân ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành ngập sâu trong nước.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cho biết, từ ngày 30 đến 31-10, trên địa bàn huyện có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa đo được từ 300-400 mm. Mưa lớn cộng với lốc xoáy đã làm bốn người dân ở xã Đức Minh và Đức Thạnh bị thương, 338 ngôi nhà bị sụp, sạt vách và tốc mái. Trong đó, xã Đức Chánh 124 nhà, Đức Phong 123 nhà, Đức Minh 70 nhà, Đức Hiệp tám nhà, Đức Hòa ba nhà, Đức Thạnh 10 nhà, ước tính thiệt hại 500 triệu đồng.

Để giúp người dân có nhà cửa bị hư hỏng do thiên tai gây ra, ngày 31-10, huyện Mộ Đức đã huy động lực lượng bộ đội biên phòng đóng chân trên địa bàn và cơ quan quân sự huyện, triển khai công tác giúp nhân dân khắc phục thiệt hại do bão số 5 tại xã Đức Minh và Đức Phong. Hai xã này có 193 ngôi nhà bị tốc mái do lốc xoáy, trong đó có nhiều ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn. Trước mắt, cán bộ chiến sĩ cùng với chính quyền địa phương tập trung sửa chữa cho những gia đình có nhà bị hư hỏng nặng để người dân có chỗ ở tạm thời.

Tại huyện miền núi Sơn Hà, các xã Sơn Nham, Sơn Linh, Sơn Cao bị nước lũ chia cắt hoàn toàn, khoảng 100 ha mì ở vùng thấp bị ngập nước, 20 ha keo ngã đổ, toàn bộ huyện Sơn Hà bị mất điện do cây cối bị gió giật ngã đổ vào đường dây. Đến khoảng 2 giờ ngày 31-10, ngành điện đã khắc phục và cấp điện lại một số khu vực. Hiện vẫn còn ba xã Sơn Linh, Sơn Nham, Sơn Thủy đang khắc phục để cấp điện trở lại.

Tại huyện miền núi Sơn Tây, mưa lớn đã làm sạt lở nhiều nơi trên các tuyến đường liên xã, gây ách tắc giao thông. Cụ thể, trên địa bàn xã Sơn Liên có năm điểm sạt lở với ước khối lượng đất đá hơn 2.000 m3. UBND huyện Sơn Tây đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành khắc phục tạm thời các điểm sạt lở trên những tuyến đường để xe máy lưu thông, đồng thời di dời các hộ dân ở khu vực xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.

Khắc phục nhà bị lốc xoáy làm tốc mái ở huyện Mộ Đức.

Khắc phục nhà bị lốc xoáy làm tốc mái ở huyện Mộ Đức.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến chiều 31-10, toàn tỉnh có một người bị mất tích là ông Phạm Văn Nam (ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ), hiện chính quyền và người dân đang tổ chức tìm kiếm; 12 người bị thương, năm ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 575 ngôi nhà bị tốc mái, một ngôi nhà ở huyện Minh Long bị cháy do chập điện, 11 trường học bị thiệt hại. Ngoài ra, nhiều diện tích rau màu bị ngập úng, hư hỏng; cây cối bị ngã đổ, gây ách tắc giao thông…

Hiện nay, nước lũ trên sông Vệ và Trà Câu đang lên nhanh nên địa bàn các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành bắt đầu bị ảnh hưởng, ngập lụt từ 0,5 -1,5 m. Các địa phương đang tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán dân, tập trung vào khu vực dân cư có nguy cơ bị ngập sâu hoặc sạt lở. Trong đó, UBND huyện Ba Tơ đang chỉ đạo công tác di dời 29 hộ dân tại xã Ba Giang nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, huyện Đức Phổ tổ chức di dời 82 hộ ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh đến nơi an toàn.

CÁT HÙNG; TRÌNH KẾ; QUỐC VIỆT; HIỂN CỪ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42085502-bao-so-5-gay-nhieu-thiet-hai-tai-cac-dia-phuong.html