Bão số 5 sắp hình thành có nhiều điểm tương đồng với các cơn bão gây hậu quả lớn
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, cơn bão sắp hình thành có nhiều điểm tương đồng với các cơn bão gây hậu quả lớn từng xảy ra.
Sáng 29/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão.
Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho hay, hôm nay (29/10), cấu trúc mây rõ nét hơn, áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão vào chiều tối 29/10, dự báo bão khả năng đi vào khu vực Nam Trung Bộ.
Theo ông Khiêm, đợt áp thấp nhiệt đới này tương đối đặc biệt khi vừa nằm trên dải hội tụ nhiệt đới, vừa trùng với tác động của không khí lạnh dồn nén khí áp xuống dưới dẫn tới gió sẽ mạnh hơn và sẽ gây mưa lớn, kèm với địa hình dốc của miền Trung, Tây Nguyên gây nguy hiểm rất lớn và có thể diễn ra cùng lúc loại hình đa thiên tai.
"Sau khi bão vào bờ vẫn tồn tại dải hội tụ nhiệt đới và còn không khí lạnh sẽ gây mưa lớn kéo dài phía sau”, ông Khiêm nói thêm.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng cho biết, cơn bão này di chuyển tương đối nhanh, vào chiều tối 30/10 sẽ đi vào khu vực đất liền của Việt Nam và gây mưa lớn cho toàn vùng, trong đó tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên.
“Chiều tối nay, áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, gió giật cấp 8 - 9 và không loại trừ khả năng mạnh hơn trước khi vào bờ. Khi đổ bộ vào bờ, bão có thể mạnh cấp 8 giật cấp 10, 11.
Theo tính toán, khu vực Nam Trung Bộ sóng có thể cao 3 - 4m, triều cường đạt đỉnh 20 - 23h ngày 30 - 31/10. Sóng ngoài khơi khu vực Nam Trung Bộ có thể cao tới 4 – 5m. Mưa bắt đầu từ sáng 30/10, tập trung chủ yếu từ Thanh Hóa - Ninh Thuận”, ông Khiêm nói.
Đặc biệt, theo ông Mai Văn Khiêm, cơn bão này có nhiều điểm tương đồng với các cơn bão lớn gây hậu quả nghiêm trọng từng xảy ra, vì vậy các cơ quan chức năng và người dân cần đặc biệt chú ý và đề phòng.
Trong cuộc họp, đại diện Bộ đội Biên Phòng thông tin, sau khi nhận được tin xuất hiện áp thấp nhiệt đới, lực lượng biên phòng lập tức triển khai các phương án để ứng phó.
Đồng thời, Bộ đội Biên Phòng thông báo cho các đơn vị, địa phương kiểm đếm tàu thuyền từ Quảng Bình – Bà Rịa Vũng Tàu. Đến sáng 29/10, khu vực này còn khoảng 741 tàu thuyền đang nằm trong khu vực nguy hiểm.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường lưu ý, 3 tính chất cần đặc biệt chú ý với đợt áp thấp nhiệt đới lần này đó là hình thành ngay trên dải hội tụ; trùng với đợt không khí lạnh đang dồn về (cả hiện tại và một số ngày tới) và sẽ cực đoan hơn bởi biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV dự báo thường xuyên, phân tích kỹ phục vụ công tác cảnh báo và ứng phó. Các đơn vị chức năng đảm bảo an toàn cho tuyến biển và Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai có thông báo đến các tỉnh đảm bảo an toàn về kinh tế biển và du lịch.
“Đặc biệt chú ý sạt lở và tai biến địa chất vì đợt này sẽ có mưa lớn. Mưa đến 200mm là nguy cơ tổn thương người rất lớn. Đợt này dự báo có những nơi còn mưa đến 800mm. Trước đây Tây Nguyên, Nam Trung Bộ cũng có những đợt mưa lớn khiến đất bở rời, rất nguy hiểm”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 7h ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 7h ngày 30/10, vị trí tâm bão cách các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 10,0 độ Vĩ Bắc.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 7h ngày 31/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành một vùng áp thấp.