Bão số 6: 2 người bị điện giật, trượt chân chết khi chằng chống nhà
Chằng chống nhà cửa trước khi bão số 6 đổ bộ, 2 người chết do bị điện giật và trượt chân ngã.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm sáng nay cho biết, cơn bão số 6 đêm qua đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Sáng nay, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.
Lúc 7h, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam của Tây Nguyên.
Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Trong 6 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và tan dần.
Trong 24h qua, Khánh Hòa và Đắk Lắk có lượng mưa lớn trên 300mm.
Hiện ven biển các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên mưa giảm bớt và chuyển tập trung ở Tây Nguyên với lượng mưa khoảng 120mm và ra phía Bắc như Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 80-100mm.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực BCĐ TƯ về Phòng chống thiên tai, sơ bộ đánh giá ban đầu thiệt hại do bão số 6 gây ra không lớn.
Đến nay không có thiệt hại về người do ảnh hưởng trực tiếp của bão. Tuy nhiên có 2 người chết do bị tai nạn trong lúc chằng chống nhà cửa. Một người ở Bình Định bị trượt chân ngã.
Trường hợp ở Phú Yên là ông Nguyễn Minh Hưởng (36 tuổi, trú xã Sơn Thành Đông). Lúc leo lên mái nhà dùng dây thép chằng chống nhà cửa để ứng phó bão số 6, ông Hưởng chạm phải chỗ rò điện của đường dây bơm nước, bị điện giật chết tại chỗ. Ông Thái An Nam, chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông cho biết, gia đình ông Nguyễn Minh Hưởng có hoàn cảnh rất khó khăn; hàng ngày ông Hưởng đi làm nuôi mẹ già cùng vợ và ba con còn nhỏ.
Tại Phú Yên, tối 10/11, các trạm biến áp xảy ra sự cố nên 32 xã thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố bị mất điện do mưa bão; ngập cục bộ 50ha mía.
Ông Huỳnh Quốc Long, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết: Thời điểm bão vào đất liền trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có 7/47 xuất tuyến bị ảnh hưởng, với 476 trạm biến áp và 59.752 khách hàng bị mất điện. Đến 6h sáng nay, còn 53/112 xã bị mất điện.
Tại Bình Định, có 15,2ha cây ăn quả gãy, đổ (huyện Hoài Ân); 250m bờ sông, suối bị sạt lở; 2 tàu cá bị hỏng máy ngày 9/11 khi đang hoạt động ở vùng biển nằm ngoài khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của bão, hiện đang được các tàu bạn lai dắt về bờ.
Ở Khánh Hòa, có 100m kênh mương bị hư hỏng; 40m đường giao thông bị sạt lở; 330ha lúa, 20ha hoa màu bị ngập; thiệt hại 10 bè nuôi trồng thủy hải sản; chìm 2 thuyền (dưới 30CV) do đứt dây neo; 1 công trình hạ tầng bị tốc mái.