Bão số 7 liên tục đổi hướng, gây mưa to ở Bắc Trung bộ

Bão số 7 sẽ đổ bộ lúc triều cường, mực nước dâng và sóng cao nên các địa phương cần kiểm tra hệ thống đê kè biển, sơ tán dân khi cần thiết, tránh sơ tán với số lượng lớn.

Chiều 8-10, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ để triển khai công tác ứng phó với bão số 7.

Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ chiều nay (8-10), tâm bão số 7 ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) với cường độ cấp 8-9, giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng bắc tây bắc. Đến 16 giờ ngày 9-10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Mô hình dự báo vị trí và đường đi của bão số 7. Ảnh: VNDMS

Mô hình dự báo vị trí và đường đi của bão số 7. Ảnh: VNDMS

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 10-15 km. Đến 16 giờ ngày 10-10, vị trí tâm bão cách Hải Phòng 150 km, Nam Định 100 km, Thanh Hóa 110 km, Nghệ An 130 km, Hà Tĩnh 160 km. Cường độ bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường, từ 9 đến 11-10, phía đông Bắc bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm.

Từ ngày 10 đến 11-10, ở phía tây Bắc bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Từ ngày 10 đến 12-10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-350 mm, có nơi trên 350 mm. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Yêu cầu tạo điều kiện cho tàu cá ngoại tỉnh vào tránh trú

Báo cáo tại cuộc họp cho biết hiện nay, trên khu vực Bắc bộ, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ có 50 hồ thủy điện, chín hồ thủy lợi trên các lưu vực hiện nay đang xả tràn. Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Tây Nguyên có 1.834 hồ thủy lợi vừa và nhỏ đầy nước.

Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án sơ tán 70.440 hộ/260.722 người dân khu vực ven biển trong tình huống dịch COVID-19.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các đơn vị đang duy trì thường trực 5.315 cán bộ chiến sĩ và 310 phương tiện phối hợp với các lực lượng sắp xếp neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an ninh trật tự và sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu.

 Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: PCTT

Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: PCTT

Kết luận cuộc họp, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, do bão số 7 đổ bộ lúc triều cường, mực nước dâng và sóng cao nên các địa phương cần kiểm tra hệ thống đê kè biển và lưu ý đến khu dân cư và khu vực nuôi trồng thủy hải sản trong tầm ảnh hưởng của bão. Đồng thời triển khai sơ tán dân trong những tình huống xác thực, cần thiết, tránh sơ tán với số lượng lớn.

Ông Hoài cũng đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện để tàu thuyền của địa phương khác lên bờ tránh trú cùng với việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19.

"Chúng tôi đã nhận được công văn của UBND tỉnh Quảng Ngãi phản ánh một số địa phương các khu vực neo đậu không cho tàu của Quảng ngãi lên trên bờ. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho ngư dân khi bão đổ bộ" - ông Hoài nói.

Tại khu vực đồng bằng, các địa phương cần kiểm tra trạm bơm tiêu để vận hành kịp thời, thu hoạch lúa an toàn, chuẩn bị cây trồng vụ đông. Tại khu vực miền núi có nguy cơ về sạt lở đất, lũ quét, các địa phương cần khẩn trương cử lực lượng cơ sở đi kiểm tra, rà soát đến từng hộ dân cư; tăng cường cung cấp thông tin tới người dân một cách kịp thời.

Về xả lũ các hồ chứa, hiện nay rất nhiều hồ chứa đã đầy nước, như Thanh Hóa từ 272 hồ đã tăng lên hơn 370 hồ đầy nước trong vòng một tuần. Ông Hoài đề nghị các đơn vị có trách nhiệm phải cử lực lượng thường trực giám sát thường xuyên để kịp thời xử lý khi có tình huống bất ngờ.

Khi xả lũ hoặc nếu có tình huống gây nguy hại cho các hồ chứa đề nghị phải báo ngay cho chính quyền và nhân dân địa phương để đảm bảo an toàn cho nhân dân...

A.HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/bao-so-7-lien-tuc-doi-huong-gay-mua-to-o-bac-trung-bo-1020546.html