Bão số 8 mạnh nhất cấp 12, giật cấp 14 khi ở quần đảo Hoàng Sa
Bão số 8 (Saudel) mạnh nhất khi đi vào khi vực quần đảo Hoàng Sa cường độ cấp 11-12, giật 14. Sau đó bão có xu hướng giảm cấp và hướng vào các tỉnh trung Trung Bộ.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết như vậy tại cuộc họp ứng phó với bão số 8 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung diễn ra sáng 21.10.
8 giờ sáng nay, bão số 8 đang cách quần đảo Hoàng Sa 680 km về phía đông, cường độ cấp 8-9, giật cấp 11.
Theo ông Khiêm, so với các cơn bão trước đây, bão Saudel được các đài quốc tế dự báo phạm vi di chuyển, cường độ và phạm vi ảnh hưởng tương đối rộng.
Đài Nhật Bản đưa nhận định vùng ảnh hưởng, bão có thể hướng đến từ đông Bắc Bộ kéo dài tới các tỉnh nam Trung Bộ.
Về cường độ, đài Nhật Bản dự báo khi đi vào Biển Đông bão di chuyển chậm lại, sau đó đổi hướng Tây Bắc rồi theo hướng Tây với cường độ mạnh nhất cấp 11. Đài Hong Kong cũng dự báo tương tự và mạnh nhất cấp 12 trên vùng biển phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.
"Nhận định chung các dự báo quốc tế ở khoảng cấp 11-12 khi bão ở gần đảo Hoàng Sa. Cường độ ảnh hưởng trên đất liền dự kiến khoảng cấp 8-9, một số đài quốc tế dự báo cấp 7" - ông Khiêm nói.
Ông Khiêm nhận định bão số 8 mạnh nhất khi đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, cường độ cấp 11-12, giật 14.
"Bão có xu hướng suy yếu khi đi qua quần đảo Hoàng Sa. Bão hướng về đất liền các tỉnh trung Trung Bộ, thời gian ảnh hưởng trực tiếp đêm 24 đến sáng 25.10" - ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, trong ngày và đêm nay cần lưu ý gió mạnh ở khu vực Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8. Sau 24 giờ tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12, sóng cao 5-7m.
Khu vực vịnh Bắc Bộ đến vùng biển Quảng trị đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao 2-4m.
Bão số 8 gây mưa ở đồng bằng sông Hồng, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Lượng mưa từ ngày 24 đến 25.10 là 200-300mm. Tuy gió và mưa không quá lớn nhưng khu vực các tỉnh miền Trung vừa bị ảnh hưởng mưa bão vừa qua nên nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt... rất lớn.
Mưa dịch vào Quảng Nam, Khánh Hòa, Tây Nguyên, cảnh báo nhiều điểm sạt lở mới
Cơ quan chức năng hỗ trợ người dân Quảng Nam trong đợt ngập vừa qua
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 12 giờ qua (từ 19 giờ ngày 20.10 đến 7 giờ ngày 21.10), các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to.
Tại Kỳ Thịnh 77,6mm (Hà Tĩnh), Đông Hà 116,0mm, Hải Thái 111,2mm (Quảng Trị), Nam Đông 145,6mm, Hương Phú 89,8mm (Thừa Thiên Huế), Quế Sơn 283mm, Quế Lộc 218mm (Quảng Nam), Trà Hiệp 94,4mm, Bình Đông 79,2mm (Quảng Ngãi), An Nhơn 80,6mm (Bình Định), UBND xã Sông Hinh 109,4mm, Hòa Mỹ Tây 101,2mm (Phú Yên), Hòn Khói 69,4mm (Khánh Hòa), thôn 10 xã EaMĐoan 87,6mm (Đắk Lắk).
Dự báo trong 6 giờ tới, lượng mưa tại các tỉnh trên phổ biến 10 - 20mm, có nơi trên 40mm. Riêng Bình Định đến Khánh Hòa phổ biến 20 - 50mm, có nơi trên 90mm.
Ngoài các điểm lũ lớn tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, cơ quan chức năng cảnh báo nhiều khu vực khác có nguy cơ ngập lụt như Quảng Nam gồm các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, TP Tam Kỳ, TP Hội An.
TP Đà Nẵng gồm các phường Cẩm Lệ, Hòa Vang.
Quảng Ngãi gồm các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, TP Quảng Ngãi.
Bình Định gồm các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh.
Phú Yên gồm các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân, Sông Hinh.
Khánh Hòa gồm các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn.
Đặc biệt các huyện vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định trong hôm nay có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở mức cao.