Bão số 9 có sức gió cấp 12 giật cấp 15 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ngãi - Quảng Bình
Các dự báo về quỹ đạo đều thống nhất, bão số 9 hướng về khu vực Quảng Ngãi – Bình Định và di chuyển ổn định theo hướng Tây Tây Tắc với vận tốc 25 km/h trong chiều và tối 27/10.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Bộ, chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến về bão số 9 tại Hà Nội. Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo: Tổng cục Khí tượng Thủy văn khẩn trương cập nhật dự báo, đánh giá chính xác nhất về cơn bão, tiếp tục duy trì thực hiện chỉ đạo các địa phương như: bảo vệ tính mạng cán bộ thực hiện, trang thiết bị dự báo; đồng thời có phương án chủ động khi thực hiện dự báo…
* Bão số 9 gây gió giật cấp 15 ở Quảng Ngãi - Quảng Bình
Phân tích diễn biến bão số 9, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết: Các dự báo về quỹ đạo đều thống nhất, bão số 9 hướng về khu vực Quảng Ngãi – Bình Định và di chuyển ổn định theo hướng Tây Tây Tắc với vận tốc 25 km/h trong chiều và tối 27/10. Rạng sáng 28/10, bão tiến vào vùng biển Đà Nẵng - Phú Yên với sức gió mạnh cấp 14. Dự báo 10 giờ ngày 28/10, tâm bão nằm ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15. Đáng lưu ý, sau khi đổ bộ, bão số 9 có thể đi sâu vào đất liền và “quần thảo” rồi mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có thể hứng chịu gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Trong khi khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Nằm ở ngoài rìa bão, Quảng Bình, Quảng Trị và phía Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10. Hoàn lưu bão gây ra một đợt mưa lớn cho các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Mưa bắt đầu từ đêm 27/10 và kéo dài hết ngày 29/10 với lượng phổ biến 200-400 mm.
Ngày 28-31/10, vùng mưa do hoàn lưu bão mở rộng, kết hợp với không khí lạnh gây mưa rất lớn cho các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị với lượng 200-400 mm. Riêng phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có thể mưa đến 500-700 mm/đợt.
"Theo thống kê nhanh, nếu bão số 9 gây ra gió mạnh trong đất liền với cường độ từ cấp 12 trở lên thì đây sẽ là một trong những cơn bão ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây", Phó Giám đốc Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh.
* Áp dụng nhiều phương án ứng phó
Ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Bão số 9 gây ra gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng. Với cường độ rất mạnh nhất cấp 13-14, bão số 9 sẽ gây những đợt sóng cao tới 10 m trên Biển Đông, dự báo nước dâng lớn nhất là 1,5 m ở khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Với mức độ nước dâng này ước lượng khả năng ngập lụt tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế.
Về hiện trạng hồ chứa, dung tích phòng lũ các hồ trên lưu vực sông Hương khoảng 392,88 triệu m3; sông Vu Gia -Thu Bồn khoảng 304,67 triệu m3; sông Trà Khúc là 132,91 triệu m3; trên lưu vực sông Ba khoảng 480,78 triệu m3… hiện Trung tâm đã sử dụng hệ thống ra-đa, mưa tự động, hệ thống cảnh báo lũ quét để phục vụ công tác dự báo.
Cũng tại cuộc họp các chuyên gia đến từ các Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa hoc Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá khu vực trũng, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi sẽ có nguy cơ ngập úng cao… đồng thời, thảo luận nhiều phương án phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại do bão số 9 gây ra.
Theo các chuyên gia, những hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần sớm thực hiện việc chằng chống, gia cố nhà cửa trong ngày 27/10. Bão số 9 ảnh hưởng rất sớm đến đất liền, người dân có thể chịu thiệt hại nặng nề nếu như thực hiện các phương án ứng phó quá chậm trễ./.