Bão số 9 gây gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển-Biển Đông đang hứng cơn bão mạnh nhất lịch sử
Với sức gió cấp 15, giật trên cấp 17, Rai trở thành cơn bão mạnh nhất từng đo được trên mạng lưới quan trắc khí tượng của Việt Nam. Miền Trung bắt đầu mưa lớn do bão.
Thông tin trên được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết vào khuya 18/12. Lúc 23h, trạm khí tượng Song Tử Tây đã bị mất kết nối do 2 cột đo gió bị đổ.
Số liệu gió mạnh nhất ghi nhận được trước khi trạm mất tín hiệu là 45,61 m/s, tương đương cấp 14, giật cấp 17. Cường độ này chưa từng được ghi nhận ở những cơn bão trên Biển Đông trong lịch sử quan trắc của ngành khí tượng.
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cấu trúc phân bố đối xứng rõ ràng như bão Rai cũng là một trong những trường hợp hiếm. Đồng thời, đường đi tương tự cơn bão được cho là chưa từng xuất hiện vào mùa bão trên Biển Đông kể từ năm 1951.
Lúc 4h sáng nay (19/12), tâm bão số 9 cách Bình Định - Phú Yên khoảng 270 km về phía đông, sức gió duy trì mạnh nhất cấp 15, giật trên cấp 17 trong nhiều giờ qua.
Ngày và đêm nay, bão đi theo bắc tây bắc, vận tốc 15 km/h. Rạng sáng 20/12, tâm bão cách Quảng Nam - Bình Định khoảng 230 km về phía đông với sức gió giảm xuống còn cấp 13-14, giật cấp 16.
Sau thời điểm này, bão giữ vận tốc và đi thẳng theo hướng bắc đông bắc rồi suy yếu nhanh. Sáng 21/12, tâm bão cách Hong Kong (Trung Quốc) 340 km về phía nam tây nam. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.
Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, bão sẽ duy trì sức gió mạnh 165 km/h, tương đương cấp 14, giật cấp 17 trong ít nhất 12 giờ tới. Thời điểm tâm bão gần đất liền nhất là vào chiều nay (19/12). Lúc này, vùng nguy hiểm do bão bao trùm một phần đất liền phía đông khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên.
Vùng nguy hiểm trên biển, ven biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) được xác định là phía bắc vĩ tuyến 13 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 108 đến 115,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) gió cấp 8-11, vùng gần tâm bão cấp 12-15, giật trên cấp 17; sóng biển cao 9 đến 11 m, biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có gió mạnh dần lên cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao 6-8 m; vùng biển ven bờ (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao 4-6m.
Từ đêm 18 đến ngày 20/12, bão gây gió mạnh cấp 5-6 trên đất liền các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 5-6. Riêng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có thể xuất hiện gió mạnh cấp 6-7.
Cơ quan khí tượng đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai với vùng biển phía tây khu vực giữa Biển Đông là cấp 4; vùng biển ven bờ từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên ở cấp 3.
Hoàn lưu bão dự kiến gây ra đợt mưa lớn cho khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên trong hôm nay (19/12). Trọng tâm mưa nằm ở 4 địa phương là Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi với lượng phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Mưa lớn trong thời gian ngắn gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.
Trước đó, vùng tâm bão số 9 đi qua khu vực đảo Song Tử Tây vào chiều 18/12 với cường độ rất mạnh đã gây thiệt hại lớn. Ở ngay thời điểm vừa ảnh hưởng, bão đã làm đổ cột đo gió thủ công và sau khi bão đi qua với sức gió cuồng phong, cột đo gió tự động cũng bị gãy đổ.
“Gió mạnh, trời mưa to, sóng biển cao gây khó khăn trong công tác quan trắc. Lượng mưa từ 13h đến 14h lên đến 120 mm, gió giật chưa từng thấy”, ông Bùi Phương Nam, cán bộ đang thực nhiệm vụ tại trạm khí tượng hải văn Trường Sa, cho biết.
Trong khi đó, thời tiết thủ đô Hà Nội có mây, ngày nắng, đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 15-17 độ C. Nhiệt độ cao nhất 22-24 độ C.
Sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn
Trong ngày 18-12, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau đã kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào bờ hoặc hướng dẫn tìm được nơi trú ẩn an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, các địa phương ven biển xuống tận nơi rà soát hơn 47.400 căn nhà cần chằng chống trên địa bàn. Đối với 5 vị trí đê xung yếu với chiều dài 1.500m, đến sáng 18-12, cơ quan chức năng đã bố trí sẵn sàng 500 rọ đá, 1.000m³ đá hộc và nhiều phương tiện cùng lực lượng ứng trực 24/24, sẵn sàng phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các đơn vị chức năng hộ đê khi có tình huống xảy ra.
Ngành chức năng và chính quyền các địa phương Cà Mau đã hướng dẫn chủ 1.273 lồng bè trên biển gia cố, di chuyển vào khu vực bảo đảm an toàn chống bão. Tỉnh cũng yêu cầu 480 người canh giữ đáy hàng khơi di chuyển vào bờ trước 36 giờ theo kịch bản bão ảnh hưởng đến Cà Mau.
Trong khi đó, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, khu vực cửa biển vịnh Quy Nhơn có thể bị bão số 9 ảnh hưởng mạnh nhất, nên ngành chức năng đã bố trí 8 tàu lai dắt cùng tàu cứu nạn và tàu hải quân duy trì 100% quân số để ứng phó mọi tình huống xấu. Hơn 3.000 tàu cá xa bờ của Bình Định đã di chuyển đến nơi neo đậu an toàn tại các cảng cá miền Trung và phía Nam. Trong đó, 80 tàu cá trong vùng nguy hiểm bão số 9 ở khu vực đảo Trường Sa đã di chuyển đến nơi neo đậu an toàn ở các cụm đảo Sinh Tồn, Núi Le (thuộc quần đảo Trường Sa). Các khu neo đậu cảng cá Quy Nhơn, cảng Đề Gi cũng đã tiếp nhận trên 900 tàu cá neo trú và có thể tiếp nhận thêm các tàu lai vãng trong khu vực.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), cho biết, từ trưa đến 14 giờ ngày 18-12, bão số 9 quét qua đảo gây mưa kèm gió giật cấp 13-14, biển động dữ dội, nhất là đảo Song Tử Tây và Đá Nam. Cán bộ chiến sĩ, người dân và các thuyền viên đều nắm thông tin bão, tránh trú nơi an toàn. Thuốc men, lương thực cũng được chuẩn bị kỹ. Nhà cửa được chằng chống kiên cố.
"Quái vật" Rai đã xé nát Philippines
Cơn bão nhiệt đới, có tên quốc tế là Rai nhưng có tên Philippines là Odette, hoành hành ở Philippines trong tuần này, muộn hơn hầu hết các cơn bão thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10. Nó mạnh lên nhanh chóng vào thứ Năm và được phân loại là siêu bão, và bão cấp 5, cấp cao nhất.
Ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, "cơn bão quái vật" đã gây ra "sự hủy diệt hoàn toàn", nhà báo David Santos đã tweet, chia sẻ những hình ảnh về hậu quả.
Với sức gió lên tới 195kph (121mph), Rai đã xé toạc mái nhà và bật gốc cây cối, tạo ra sự tàn phá trên diện rộng trên đường đi của nó và khiến những ngôi nhà và những cánh đồng lúa bị nhấn chìm.
Ít nhất 31 người đã thiệt mạng, cơ quan thiên tai Philippines cho biết hôm thứ Bảy. Hầu hết các trường hợp tử vong được báo cáo là do ngã cây hoặc chết đuối. Các quan chức cho biết số người chết là sơ bộ và có thể tăng lên, vì vẫn chưa có thêm thông tin từ các đơn vị cấp tỉnh.
Cơn bão đã tàn phá các khu vực miền nam và miền trung của đảo quốc này, cũng tấn công các điểm du lịch nổi tiếng, bao gồm Siargao và Cebu. Hơn 300.000 người rời bỏ nhà cửa và các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển. Hàng chục chuyến bay bị hủy khiến khoảng 4.000 người mắc kẹt.
Một quan chức địa phương ở quần đảo Dinagat cho biết "mọi thứ đã bị phá hủy", bao gồm cả các trung tâm sơ tán, và người dân không có nơi nào để lánh nạn. Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và nói rằng ông không lo lắng quá nhiều về thiệt hại đối với các công trình, nhưng “lo sợ nếu nhiều người chết”.
Sau khi rời Philippines vào thứ Bảy, các nhà dự báo nói rằng Rai sẽ nổi lên trên Biển Đông và hướng về Việt Nam.