Bão số 9 gây nhiều thiệt hại ở Quảng Nam
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, sau khi vào đất liền bão số 9 đã gây mưa và gió lớn gây thiệt hại nhà ở và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện đã có một người chết, hai người mất tích do sạt lở đất. Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh bị cắt từ sáng đến nay vẫn chưa đóng điện trở lại được.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, sau khi vào đất liền bão số 9 đã gây mưa và gió lớn gây thiệt hại nhà ở và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện đã có một người chết, hai người mất tích do sạt lở đất. Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh bị cắt từ sáng đến nay vẫn chưa đóng điện trở lại được.
Bão số 9 đã làm tốc mái, hư hỏng rất nhiều nhà dân, trường học và các công sở tại TP Tam Kỳ và các địa phương nằm sát ven biển như: Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An…Ngoài ra, bão cũng làm cây cối ngã đổ, ảnh hưởng giao thông và hệ thống điện.
Tại các xã vùng đông của huyện Thăng Bình như: Bình Minh, Bình Đào, Bình Dương, Bình Giang… bão số 9 đã làm nhiều nhà dân trên địa bàn xã bi bị tốc mái, hư hỏng. Thế nhưng, do đến chiều nay, gió vẫn còn gió giật mạnh và mưa lớn, nên các địa phương này vẫn chưa thống kê được tình hình thiệt hại.
Không riêng gì vùng ven biển, mưa bão đã gây thiệt hại lớn tại các huyện miền núi của tỉnh. Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Phước Sơn Nguyễn Văn Thanh cho biết, mưa bão đã làm vùi lấp hai cán bộ đi sơ tán dân gồm: anh Hồ Văn Độ (SN 1992), Phó Bí thư đoàn xã và anh Hồ Văn Sợ (SN 1995), cán bộ dân vận xã. Mưa bão làm ba người bị thương đang được điều trị.
Theo thống kê ban đầu, huyện Phước Sơn có 46 nhà bị sạt lở và cuốn trôi, 20 nhà bị tốc mái.
Tại huyện Nam Trà My, mưa bão đã gây sạt lở, vùi lấp nhiều nhà dân tại xã Trà Mai và sạt lở đất tại nhiều nơi. Tuyến đường huyết mạch từ trung tâm huyện về các xã bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Hiện tại xã Trà Leng có người dân bị chết do sạt lở đất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, các địa phương ven biển của tỉnh có số nhà bị hư hại rất lớn, tuy nhiên do hiện nay hệ thống thông tin liên lạc, điện chưa được khắc phục nên chưa thể thống kê cụ thể số lượng thiệt hại. Riêng tại khu vực miền núi có 30 nhà ở các huyện Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My…bị tốc mái.
Thông tin ban đầu, hiện toàn tỉnh đã có một người chết, hai người mất tích và năm người bị thương. Các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, huyện, xã sạt lở tại nhiều vị trí gây ách tắc giao thông. Bờ biển Cửa Đại (TP Hội An) tiếp tục bị sạt lở khoảng 2.500m. Hệ thống đê ngăn mặn ven biển bị sạt lở, hư hỏng nặng tại nhiều vị trí, gây ảnh hưởng đến khả năng ngăn mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương ven biển và có ba tàu ở Tam Hải (huyện Núi Thành) bị chìm.
Ngoài ra, còn có nhiều thiệt hại về dân sinh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa được kiểm tra, đánh giá, tổng hợp. Ước thiệt hại sơ bộ toàn tỉnh khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi bão tan, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Công ty điện lực Quảng Nam, các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương tổ chức khắc phục hệ thống điện, hệ thống viễn thông nhằm bảo đảm giao thông bước 1 để phục vụ dân sinh. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể và lực lượng vũ trang tập trung khắc phục thiệt hại để sớm ổn định đời sống nhân dân…