Bão số 9 giật cấp 17, hướng vào Đà Nẵng-Phú Yên: Người dân hạn chế ra đường

Bão số 9 có thể đạt cường độ mạnh nhất là cấp 14, giật đến cấp 17 trong đêm nay (27/10) khi di chuyển vào vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Hiện các địa phương trong vùng ảnh hưởng đang khẩn trương sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm.

Bão số 9 giật cấp 17 đang hướng vào vùng biển các tỉnh Đà Nẵng đến Phú Yên

Tại cuộc họp chủ động ứng phó bão số 9 sáng 27/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đến 7h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Từ trưa và chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

 Hướng di chuyển của bão số 9.

Hướng di chuyển của bão số 9.

Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200 mm/đợt.

Từ ngày 28-31/10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4 - Cấp rủi ro rất lớn.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết dự kiến trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Từ trưa và chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào tránh chú bão

Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết tính đến 6h ngày 27/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu/229.290 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Trong đó, tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm từ 11-18 độ vĩ Bắc; tây 118 độ kinh Đông: 194 tàu/1.305 LĐ. Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh. Hoạt động ở khu vực khác: 4.061 tàu/29.748 lao động. Hiện nay đang hướng dẫn tàu thuyền, di chuyển trú tránh, neo đậu; gia cố, di dời lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên vùng nguy hiểm ở khu vực neo đậu tránh chú bão.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết đã đôn đốc các đơn vị để đảm bảo an toàn trên biển, kêu gọi sắp xếp, neo đậu tàu thuyền để ứng phó với bão số 9.

Về phía Bộ công thương và Tổng cục Thủy lợi, ở khu vực Bắc Trung Bộ: có 2.323 hồ, đã tích 75-95% dung tích; trong đó có 55 hồ xung yếu, 41 hồ đang thi công- Nam Trung Bộ: có 517 hồ, đã tích 30-90% dung tích; trong đó có 26 hồ xung yếu và 32 hồ đang thi công. Khu vực Tây Nguyên: có 1.246 hồ, đã tích 75-96% dung tích; trong đó có 41 hồ xung yếu và 43 hồ đang thi công và 01 hồ đang xả tràn. Các doanh nghiệp thủy điện từ Nghệ An đến Phú Yên đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão số 9. Đã cử cán bộ đoàn công tác phối hợp cùng Sở chỉ huy tiền phương kiểm tra hồ thủy điện từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đã đã có công hàm gửi các nước Philippines và Trung Quốc đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân được vào tránh trú bão để đảm bảo an toàn.

 Tàu thuyền vào tránh trú bão tại Đà Nẵng. Ảnh: Báo Đà Nẵng.

Tàu thuyền vào tránh trú bão tại Đà Nẵng. Ảnh: Báo Đà Nẵng.

Triển khai sơ tán người dân tại các khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở

Kết luận cuộc họp ứng phó bão số 9, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm đếm, hướng dẫn tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển tránh trú an toàn; tổ chức bắn pháo hiệu thông báo.

Hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, lưu ý các tàu vận tải, tàu vãng lai. Cử cán bộ kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tại bến, không để người ở lại trên tàu khi bão đổ bộ, kiên quyết cưỡng chế, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành.

Tổ chức gia cố, chằng chống lồng bè nuôi trồng hải sản, không để dân trên lồng bè khi bão đổ bộ; sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm vào đất liền, chỉ được quay trở lại khi có lệnh của chính quyền, đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu nuôi trồng, khu sơ tán.Đối với đất liền cần triển khai sơ tán người dân tại các khu vực ven biển, thấp trũng, nhà yếu, khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở ngay trong thành phố; cho học sinh nghỉ học theo kế hoạch và tổ chức quản lý đảm bảo an toàn.

“Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phấm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày là việc rất quan trọng. Cần hướng dẫn, chỉ đạo chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, biển hiệu, biển quảng cáo, các công trình công cộng, đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây trồng lâu năm, cây công nghiệp” - ông Nguyễn Văn Tiến chỉ đạo.

Mời độc giả xem thêm video BTV Tuấn Dương nén khóc khi dẫn về mưa lũ miền Trung.

Nguồn: VTV1

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bao-so-9-giat-cap-17-huong-vao-da-nang-phu-yen-nguoi-dan-han-che-ra-duong-1453308.html