Bảo tàng ảo, kết nối thật

Với việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày, triển lãm, không gian bảo tàng đã không còn bị bó hẹp mà ngày càng sinh động, hấp dẫn hơn. Có thể nói, những ứng dụng của công nghệ số đã tạo sự thay đổi lớn cho ngành bảo tàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng và du khách quốc tế.

Trưng bày 3D của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: SCS.

Trưng bày 3D của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: SCS.

Chìa khóa mở ra cánh cửa kết nối

Hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I vừa tổ chức triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”, giới thiệu tới đông đảo công chúng những tài liệu lưu trữ và hình ảnh minh họa về cuộc đấu tranh chống Pháp của quân và dân Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1954. Triển lãm đã áp dụng công nghệ số, vừa thể hiện sự năng động, đổi mới từng ngày của Thủ đô, vừa giữ lại những nét truyền thống qua từng bức ảnh tư liệu quý giá được trưng bày.

Có thể thấy, những ứng dụng của công nghệ số như quét mã QR, trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)… đã tạo sự thay đổi lớn trong công tác trưng bày, triển lãm. Đây được ví như chìa khóa mở ra cánh cửa kết nối và làm phong phú thêm các chuyến tham quan của du khách với bảo tàng, di tích.

Nói đến ứng dụng chuyển đổi số trong công tác trưng bày, triển lãm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị tiên phong. Ứng dụng công nghệ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia hầu hết tập trung vào phát huy những giá trị như hệ thống trưng bày 3D, số hóa một số bảo vật quốc gia… Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan cho biết, ứng dụng trưng bày ảo đã góp phần mang lại cho du khách chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Mọi người có thể xem triển lãm ở mọi lúc, mọi nơi.

“Điều đặc biệt nhất của bảo tàng trực tuyến là phần tương tác, tìm hiểu giá trị những hiện vật. Không gian trưng bày, hiện vật của bảo tàng ứng dụng công nghệ 3D bảo đảm tính chân thực, độ chính xác cao, du khách có thể chiêm ngưỡng đa chiều các hiện vật mà thông thường khi tham quan trưng bày trực tiếp sẽ bị hạn chế” - bà Hoan cho biết. Có thể nói, bảo tàng 3D không chỉ tạo ra cơ hội quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa mà còn thu hút đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm hơn tới bảo tàng, đến văn hóa và lịch sử dân tộc.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là một trong những đơn vị bảo tàng tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số, được đánh giá cao trong việc triển khai. Hiện nay, bảo tàng đang ứng dụng nhiều sản phẩm của công nghệ cho công tác trưng bày, triển lãm như thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, Tour 3D, triển lãm mỹ thuật trực tuyến…Với việc ứng dụng sản phẩm công nghệ thuyết minh đa phương tiện trong việc phát huy các giá trị tác phẩm mỹ thuật, bảo tàng đã được trao giải thưởng Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc do Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng.

TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào triển lãm, trưng bày đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Đặc biệt đối với các bạn trẻ. “Các triển lãm số đã tạo ra trải nghiệm mới với khách tham quan, được du khách đón nhận rất tích cực và để lại nhiều lời khen. Đặc biệt là ứng dụng thuyết minh đa phương tiện. Ứng dụng này được thuyết minh bằng 9 ngôn ngữ, với những nội dung ngắn gọn giúp du khách dễ hiểu hơn, xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ. Hiện nay bảo tàng đang phát huy rất hiệu quả ứng dụng này” - TS Nguyễn Anh Minh chia sẻ.

Thời gian qua nhiều bảo tàng trong nước đã giới thiệu đến công chúng các triển lãm ảo, các phòng trưng bày trực tuyến dựa trên các bộ sưu tập sẵn có tại bảo tàng. Điển hình như: Tour tham quan 360 độ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã tái hiện về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời; Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã áp dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh như hệ thống thuyết minh tự động, triển khai mã QR code cho 40 hạng mục của di tích…

Người xem quét mã QR để xem triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”. Ảnh: QĐND.

Người xem quét mã QR để xem triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”. Ảnh: QĐND.

Cần có cơ chế khuyến khích

Trước đây, bảo tàng vốn được xem là một trong những lĩnh vực của văn hóa ít đổi mới, dẫn đến kén người quan tâm. Tuy nhiên, bằng việc ứng dụng công nghệ trong suốt thời gian qua đã tạo nên sức sống mới cho các bảo tàng, mở ra nhiều cơ hội để công chúng biết và tiếp cận bảo tàng một cách dễ dàng hơn. Song để duy trì và phát huy được tính hiệu quả đó thì nỗ lực của riêng bảo tàng là chưa đủ mà cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan.

Trong khi đó, hiện nay, Luật Di sản văn hóa chưa có quy định nào về ứng dụng công nghệ trong hoạt động của bảo tàng. Không có quy định, cơ chế, chính sách hợp tác công - tư và cơ chế khuyến khích phối hợp đầu tư dẫn tới rất khó thu hút đối tác tham gia. Do đó, các dự án xã hội hóa chưa có nhiều và không phải mô hình hợp tác nào cũng hiệu quả, mang tính bền vững.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Anh Minh cho biết, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số đó chính là con người và tài chính. “Khi ứng dụng công nghệ, các bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là con người. Thời gian qua, để triển khai việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày Bảo tàng phải tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị bên ngoài. Khó khăn tiếp theo là tài chính. Ứng dụng công nghệ đòi hỏi rất lớn về tài chính mà các đơn vị bảo tàng công lập rất khó để đáp ứng” - ông Minh nói.

Khi nói về vấn đề chuyển đổi số, một số chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng cũng cho rằng, những khó khăn về con người và tài chính trong công cuộc chuyển đổi số ở lĩnh vực bảo tàng đang là vấn đề lớn. Chính vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách và các quy định, định mức về tài chính để các đơn vị có thể từng bước chủ động thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Qua đó khuyến khích thu hút đơn vị tư nhân hợp tác.

Cần cởi mở chính sách thu hút nhà đầu tư

NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, các bảo tàng ứng dụng công nghệ số đem lại nhiều lợi thế. Tuy nhiên, nếu có sự hợp tác mạnh mẽ của xã hội hóa thì việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng và triển lãm sẽ được làm nhanh hơn. “Tôi cho rằng, cần phải cởi bỏ những cơ chế ràng buộc trong việc hợp tác công tư, tạo ra một chính sách đồng bộ, vận dụng thế mạnh của các doanh nghiệp đồng hành với các hoạt động triển lãm, trưng bày của bảo tàng nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung” - ông Biên nói.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-tang-ao-ket-noi-that-10290984.html