Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận giải thưởng kép kiến trúc quốc tế

Mới đây, không gian Trúc Lâm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận được 2 giải thưởng kiến trúc quốc tế.

Bức tường đất từ cảm hứng nhà trình tường trong không gian Trúc Lâm. Ảnh: Hoàng Thúc Hào

Bức tường đất từ cảm hứng nhà trình tường trong không gian Trúc Lâm. Ảnh: Hoàng Thúc Hào

Kiến trúc kết hợp sự hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại trong việc bảo tồn văn hóa đã đem về cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 2 giải thưởng quốc tế danh giá.

Căn tính kiến trúc dân tộc

Mới đây, không gian Trúc Lâm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận được 2 giải thưởng kiến trúc quốc tế: Giải thưởng Danh dự (Honorable Mention) của International Architecture Awards 2024, và giải thưởng Kiến trúc xanh Green Good Design.

Tọa lạc trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, giữa những công trình kiến trúc truyền thống và những khu vườn rộng lớn, không gian Trúc Lâm hiện lên như một quán cà phê nhỏ ôm trọn di sản, tái hiện hình ảnh biểu tượng của làng quê Việt Nam “cây đa - giếng nước - sân đình”. Không chỉ là nơi nghỉ ngơi, không gian Trúc Lâm còn là nơi trưng bày, giáo dục và trải nghiệm nghề thủ công mỹ nghệ.

Đại diện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, không gian Trúc Lâm là dự án hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa giữa bảo tàng và doanh nghiệp thủ công Trúc Lâm, nhằm đem đến cho khách tham quan những trải nghiệm sống động về văn hóa dân tộc - đặc biệt là kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số, được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Hồ sơ dự thi của 2 cuộc thi kiến trúc về không gian Trúc Lâm được thể hiện rõ những căn tính kiến trúc của văn hóa dân tộc, từ hiện trạng ban đầu cho đến thiết kế, vật liệu và ý tưởng kết nối với thiên nhiên. Sự chuyển đổi của không gian này bắt đầu bằng việc cải tạo một cấu trúc xi măng đổ nát bất tương xứng với môi trường xung quanh.

Quá trình cải tạo tuân thủ nguyên tắc tập trung vào bảo tồn tối đa, chức năng tối ưu, thân thiện với môi trường và phù hợp với bối cảnh. Trong nỗ lực giảm thiểu chất thải và chi phí, khối xây dựng hiện tại được bảo tồn tỉ mỉ. Thiết kế kết hợp các không gian liền mạch xung quanh các cây trồng hiện có, tăng gấp đôi diện tích sử dụng, đồng thời thúc đẩy mối liên hệ chặt chẽ hơn với thiên nhiên.

Lưu tâm đến tính bền vững, dự án chỉ sử dụng các vật liệu tự nhiên và nhẹ, có khả năng tái sử dụng như đất, tre, thép và kính. Một đặc điểm nổi bật là bức tường đất dày 40cm bao phủ toàn bộ bên ngoài, được bổ sung bởi mái tre và cửa kính rộng.

Sự kết hợp vật liệu sáng tạo này không chỉ mang lại tính thẩm mỹ mới lạ, mà còn tạo sự đối thoại hài hòa với các công trình kiến trúc truyền thống rải rác trong khuôn viên bảo tàng. Nhóm thiết kế cam kết, với kiến trúc truyền thống này không chỉ nâng cao giá trị giáo dục, mà còn khơi dậy cảm hứng cho du khách, mang đến trải nghiệm độc đáo.

Theo thông tin giải thưởng, đơn vị thiết kế không gian Trúc Lâm là Văn phòng kiến trúc sư 1+1>2, với người đứng đầu là KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Tham gia thiết kế với KTS Hoàng Thúc Hào còn có cộng sự là KTS Vũ Xuân Sơn.

Chia sẻ tin vui với bảo tàng và với 2 kiến trúc sư, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho hay, bản thân ông đã từng mơ ước có một không gian như Trúc Lâm kết nối với nội dung bảo tàng. Điều này không chỉ tăng tương tác giữa du khách với bảo tàng, mà còn tăng tính trải nghiệm giữa một không gian kết hợp hơi thở đương đại với căn tính kiến trúc tộc người.

 Cây xanh vốn có trong khuôn viên bảo tàng trở thành một phần không thể thiếu trong thiết kế không gian Trúc Lâm.

Cây xanh vốn có trong khuôn viên bảo tàng trở thành một phần không thể thiếu trong thiết kế không gian Trúc Lâm.

Đem cốt lõi bản sắc vào kiến trúc

Với sự độc đáo trong ý tưởng và thiết kế, không gian Trúc Lâm đã xuất sắc đạt giải thưởng Danh dự (Honorable Mention) tại International Architecture Awards 2024 - giải thưởng do Bảo tàng Kiến trúc và Thiết kế Chicago cùng Trung tâm Thiết kế Kiến trúc và Nghiên cứu đô thị châu Âu tổ chức.

Theo KTS Hoàng Thúc Hào, giải thưởng kiến trúc quốc tế đã được tổ chức từ năm 2004 như một cách để vinh danh những công trình mới, kiến trúc cảnh quan và dự án quy hoạch xuất sắc, quan trọng nhất được thiết kế và xây dựng. Giải thưởng cung cấp cái nhìn tổng quan về hướng thẩm mỹ hiện tại của công trình đối với cộng đồng.

Trong khi đó, giải thưởng Kiến trúc xanh Green Good Design tôn vinh những công trình áp dụng thiết kế bền vững và hướng đến tương lai xanh. Những giải thưởng này không chỉ khẳng định chất lượng kiến trúc, mà còn là minh chứng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại trong việc bảo tồn văn hóa.

Ngoài vai trò là Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào hiện cũng là giảng viên Khoa Kiến trúc - Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội). Ông là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên đạt giải thưởng SIA-GETZ 2016 dành cho kiến trúc sư xuất sắc châu Á, đồng thời cũng là người Việt Nam đầu tiên được trao 2 giải thưởng lớn do Liên đoàn Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) trao tặng: Giải thưởng Vassilis Sgoutas cho kiến trúc phục vụ người nghèo (2017), và giải thưởng Robert Matthew cho môi trường bền vững và nhân văn (2023).

 Điểm Trường Mầm non và tiểu học Lũng Vài (Vị Xuyên, Hà Giang).

Điểm Trường Mầm non và tiểu học Lũng Vài (Vị Xuyên, Hà Giang).

Hoàng Thúc Hào cũng được biết đến là kiến trúc sư “có duyên” với các thiết kế trường học. Trong đó, điểm trường Mầm non và Tiểu học Lũng Vài (Vị Xuyên, Hà Giang) từng nhận được nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế.

Cũng tại Hà Giang, Trường Mầm non và Tiểu học Thâm Luông ở huyện Yên Minh cũng do ông thiết kế theo hướng gần gũi, bền vững, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trên núi cao gió lạnh - nơi đồng bào Mông sinh sống.

Hiện tại, điểm trường Phiêng Mựt 1 thuộc xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai, Sơn La) do đội ngũ của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế cũng sắp hoàn thành. Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn (chương trình “Cơm có thịt”), đây không chỉ là một điểm trường lớn cho 200 học sinh mầm non, mà còn được thiết kế rất đẹp, kết hợp giữa đá, đất và tre. Công trình chắc chắn sẽ đem lại niềm vui cho giáo viên, phụ huynh, học sinh vùng núi non này.

“Muốn lưu giữ và làm mới những yếu tố bản địa trong kiến trúc thì phải tìm hiểu cốt lõi của bản sắc, cốt lõi nào có thể tiếp biến trong hiện đại. Trong bảo tàng có nhà trình tường của người Hà Nhì, đó là gợi ý để Trúc Lâm kế thừa khi có một bức tường đất. Thiết kế nội thất Trúc Lâm không chỉ cộng sinh với nội dung Bảo tàng Dân tộc học, mà còn có sự gắn bó hữu cơ về vật liệu” - Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-tang-dan-toc-hoc-viet-nam-nhan-giai-thuong-kep-kien-truc-quoc-te-post698417.html