Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trưng bày hơn 300 hiện vật mới

Hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập, ngày 24/10, tại tầng 2 tòa nhà 'Cánh diều', Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) tổ chức giới thiệu 2 bộ sưu tập 'Một thoáng châu Á' và 'Vòng quanh thế giới' với hơn 300 hiện vật lần đầu tiên được trưng bày.

Toàn cảnh lễ khai mạc

Bộ sưu tập Một thoáng châu Á đã được Bảo tàng DTHVN lựa chọn để trưng bày 138 hiện vật từ bộ sưu tập 560 hiện vật của GS Kaneko Kazushige hiến tặng, gồm gốm Nhật Bản, sơn mài, trang phục Hàn Quốc, diều Trung Quốc, hiện vật tôn giáo Indonesia, mặt nạ Ấn Độ, Tibet, trang phục của Yemen, Iran, Pakistan...

Trưng bày Một thoáng châu Á đến với công chúng đã thực hiện được tâm nguyện mong muốn góp phần giúp người châu Á hiểu người châu Á hơn của GS Kaneko Kazushige, người sáng lập Viện Dân tộc học loại hình và Văn hóa châu Á của Nhật Bản.

Song song với trưng bày Một thoáng châu Á và ở trong không gian liền kề là bộ sưu tập “Vòng quanh thế giới” với 200 hiện vật được tuyển chọn từ bộ sưu tập 330 hiện vật của GS Lê Thành Khôi (hiện đang giảng dạy tại Đại học Sorbonne, Pháp và nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới) và vợ là bà Thẩm Thị Hồng Anh hiến tặng. Bộ sưu tập sẽ đưa khách tham quan vươn ra ngoài châu Á để khám phá những điều mới mẻ, những truyền thống khác lạ tại nhiều vùng đất xa xôi ở châu Phi, khu vực Mỹ Latin, châu Đại Dương...

Giáo sư Kaneko Kazushige phát biểu tại lễ trưng bày

Bên cạnh đó, Bảo tàng DTHVN cũng với trưng bày bộ sưu tập Tranh kính Indonesia (do gia đình ông O’ong Maryono và bà Rosalia Sciortino hiến tặng, khai trương cuối năm 2014) và trưng bày Văn hóa Đông Nam Á (khai trương cuối năm 2013).

Đây là lần đầu tiên các nền văn hóa phong phú, đa dạng của các cộng đồng người trên thế giới được giới thiệu “đối thoại” với nhau tại Việt Nam bằng các trưng bày thường xuyên trong Bảo tàng.

Từ nay công chúng đến Bảo tàng DTHVN có cơ hội vươn xa tầm nhìn ra thế giới, khám phá những nét văn hóa tương đồng và khác biệt giữa các dân tộc ở Việt Nam với các dân tộc Đông Nam Á, châu Á và văn hóa của các cư dân khác trên thế giới. Bảo tàng không chỉ là địa chỉ văn hóa quan trọng mà còn là một trung tâm nghiên cứu khoa học kết nối với khu vực và thế giới về các hoạt động bảo tàng học, nhân học.

Đào Anh

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/bao-tang-dan-toc-hoc-viet-nam-trung-bay-hon-300-hien-vat-moi.html