Bảo tàng Đức tăng cường an ninh, ngăn ngừa hành vi phá hoại
Sau hành vi phá hoại mới nhất của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường tại Bảo tàng Barberini ở Potsdam, các bảo tàng Đức đang tăng cường các biện pháp an ninh để bảo vệ các bộ sưu tập của họ.
Từ Vương quốc Anh đến Italia và Đức, các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu đã có ý đồ tấn công các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng để thu hút sự chú ý đến yêu cầu của họ: chấm dứt các dự án khai thác dầu và khí đốt mới. Sau những trận cháy rừng chưa từng có và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ ở châu Âu, các nhà hoạt động cho biết, họ muốn tạo nên thông điệp mạnh mẽ hơn về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu và cần thiết phải chấm dứt việc đốt dầu và khí đốt hóa thạch là nguyên nhân dẫn đến thời tiết cực đoan.
Ngoài các cuộc biểu tình trên đường phố và phong tỏa nhà máy điện than, các nhà vận động còn nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng để làm nổi bật sự tàn phá môi trường. Mục tiêu mới nhất là các bức tranh của danh họa Van Gogh và Monet. Hôm 14-10, hai nhà hoạt động từ tổ chức “Just Stop Oil” đã ném sốt cà chua vào bức “Hoa hướng dương” nổi tiếng của Van Gogh tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London. Khi làm như vậy, họ đặt ra câu hỏi: “Điều gì đáng giá hơn, nghệ thuật hay cuộc sống?”. Đến ngày 23-10, các nhà hoạt động khí hậu Đức gọi là Thế hệ Letzte hay “Thế hệ cuối cùng” đã ném khoai tây nghiền vào bức tranh “Grainstacks” của họa sĩ ấn tượng Pháp Claude Monet trong Bảo tàng Barberini ở thành phố Potsdam của Đức. Mặc dù được tấm kính bảo vệ, khung tranh đã bị hư hại nặng và phải phục chế. Bảo tàng tuyên bố sẽ đóng cửa đến ngày 30-10.
Vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ trong giới nghệ thuật. Họ lo ngại rằng, điều đó khiến việc thuyết phục các nhà sưu tập tranh cho mượn để triển lãm sẽ khó khăn hơn nhiều trong tương lai. Phản ứng đầu tiên của bảo tàng là tăng cường các biện pháp an ninh vì các vụ tấn công vừa rồi cho thấy tiêu chuẩn an ninh để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật quý giá là không đủ và phải được điều chỉnh. Ông Remigiusz Plath - chuyên gia an ninh của Hiệp hội Bảo tàng Đức (DMB) và Hasso Plattner Foundation cho rằng, các bảo tàng nên triển khai thêm nhân viên và dán một lớp kính để bảo vệ các tác phẩm trưng bày. Tuy nhiên, việc này tốn rất nhiều tiền và không phải bảo tàng nào cũng có thể chi trả được. “Một tác phẩm chỉ an toàn 100% nếu nó được cất giữ trong hầm”, ông Remigiusz Plath nhấn mạnh.
Ông Simon Bramwell, một nhà hoạt động đã giúp tổ chức các hoạt động của Just Stop Oil - Vương quốc Anh cho biết, việc lợi dụng nghệ thuật để đưa ra một tuyên bố chính trị đã có từ lâu và thường mang tính cực đoan. Ông Bramwell đề cập đến hành vi phá hoại nghệ thuật của một người Anh đã dùng dao rạch chân dung nhà triết học Thomas Carlyle ở London vào năm 1914 và sau đó người phụ nữ này phải vào tù vì hành động đấu tranh cho nữ quyền của cô ấy. Nhóm Bramwell đã lên kế hoạch cẩn thận để gây ra ít thiệt hại nhất có thể cho các tác phẩm được nhắm mục tiêu. Ví dụ, Just Stop Oil đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành động vào tháng 7, theo đó họ phủ lên bức tranh “The Hay Wain” (1821) của John Constable bằng một bản in màu thể hiện cảnh sông nước bình dị được thay thế bằng con đường lát đá, cây cối chết chóc, khói nhà máy và máy bay. Tác phẩm được chọn một phần vì một nhà phục chế nghệ thuật đã khuyên Bramwell và nhóm của ông rằng, nó có các lớp sơn và sơn mài cần thiết để chịu được chất kết dính nhẹ. Bức tranh sau đó được xác định hư hại nhẹ ở phần khung hay có một số gián đoạn đối với bề mặt của lớp sơn bóng, cả hai đều đã được xử lý thành công.
Tuy nhiên, ông Simon Bramwell của tổ chức Just Stop Oil cho biết, trong khi các tổ chức nghệ thuật lớn như phòng trưng bày Tate ở London và Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam đã từ chối tài trợ từ các công ty nhiên liệu hóa thạch như BP và Shell trong những năm gần đây, Just Stop Oil muốn có những cam kết sâu sắc hơn, bao gồm cả việc đóng cửa bảo tàng cho đến khi các chính phủ hứa chấm dứt hoạt động của các dự án nhiên liệu hóa thạch mới.