Bảo tàng nghệ thuật Quang San: Cuộc gặp gỡ ý nghĩa với nghệ thuật và lịch sử
Chính thức mở cửa cho công chúng thưởng lãm khoảng hơn nửa tháng, bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên của TP.HCM, Quang San Art Museum đã tạo được tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật, công chúng yêu nghệ thuật và cả những du khách muốn tìm hiểu về văn hóa - nghệ thuật Việt Nam.
Tọa lạc tại 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP.HCM), Quang San Art Museum từ ngày 13.6 đã có những tốp khách đến mua vé tham quan. Thường xuyên đón tiếp những lượt khách đầu tiên, hướng dẫn, trò chuyện với khách chính là giám đốc Bảo tàng, anh Nguyễn Thiều Kiên, một 9X đời đầu, cùng em gái là Nguyễn Thiều Minh Thư. Hai anh em là con của nhà sáng lập Bảo tàng - ông Nguyễn Thiều Quang.
Toàn bộ tranh, tượng trưng bày tại Bảo tàng đều nằm trong bộ sưu tập tư nhân của ông Nguyễn Thiều Quang (sinh năm 1959) cùng vợ, bà Phùng Minh Nguyệt (1963). Sau hơn 20 năm sưu tập, Bảo tàng hiện lưu giữ hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật, ông Thiều Quang nhận thấy nếu tác phẩm chỉ gói gọn trong không gian nhỏ hẹp để thụ hưởng mang tính cá nhân và gia đình thì khó có nhiều người yêu thích được chiêm ngưỡng.
“Khoảng 20 năm trở lại đây, ba tôi mua tranh rất nhiều, ông sưu tầm tranh, đọc sách, tìm hiểu mỹ thuật, tham quan các bảo tàng, phòng tranh ở Việt Nam và thế giới, cũng như có quan hệ với giới họa sĩ. Ông luôn đau đáu về một không gian vừa lưu giữ tranh, thể hiện sự trân trọng với tác phẩm, đồng thời chia sẻ đam mê này đến với những người yêu tranh như mình.
Bảo tàng Quang San ra đời khá đặc biệt vì ba tôi mời kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thiết kế một không gian với diện tích 2.000m2, trong đó 80% dành cho Bảo tàng và 20% là không gian sống của gia đình. Ba mẹ tôi quá đam mê, không muốn sống xa những tác phẩm mình đã sưu tập, muốn mỗi sáng thức dậy ngắm tranh, chia sẻ cùng mọi người nên đã có một không gian đặc biệt như vậy”, anh Nguyễn Thiều Kiên chia sẻ.
Không gian Bảo tàng được chia làm 3 tầng, với sự trân trọng đặc biệt và điểm nhấn vào mỹ thuật Đông Dương. Tầng trệt tập trung trưng bày tác phẩm của các danh họa, nhà điêu khắc cống hiến lớn trong thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam, từ các giảng viên người Pháp đã khởi xướng cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại đến thế hệ sinh viên những khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, như các bộ tứ hội họa Trí - Cẩn - Vân - Lân, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái hay Thứ - Phổ - Lựu - Đàm. Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày ở tầng này thuộc bộ sưu tập cố định của Bảo tàng.
Tầng 1 chia thành 2 khu vực. Khu vực 1 tiếp nối chủ đề về những họa sĩ các khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ cùng thời kỳ như Nguyễn Khang, nhạc sĩ Văn Cao, Mai Văn Hiến, Phan Kế An…
Khu vực 2 tập trung vào thời kỳ kháng chiến và chiến tranh chống Mỹ, trưng bày tác phẩm của những họa sĩ có cuộc đời gắn bó với chiến tranh, những họa sĩ khóa kháng chiến tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Trường Mỹ thuật Gia Định và một số họa sĩ gia nhập quân ngũ.
Tầng 2 trưng bày các tác phẩm thời kỳ thống nhất đất nước và bắt đầu chính sách Đổi mới (1986) của nền mỹ thuật hiện đại ở Việt Nam. Số lượng tranh đang trưng bày trong Bảo tàng khoảng hơn 200 tranh, sẽ luân phiên thay đổi trong tổng số 1.000 bức thuộc bộ sưu tập của ông Nguyễn Thiều Quang. Thời gian đầu mới mở cửa, Bảo tàng trưng bày nhiều tranh nhất, sau đó sẽ sắp xếp lại.
Giám đốc điều hành Bảo tàng Nguyễn Thiều Kiên từng theo học ngành thiết kế đồ họa 6 năm tại Mỹ, sau đó học thạc sĩ kinh doanh tại Singapore. Anh có hơn 6 năm làm việc trong một tập đoàn bảo hiểm lớn trước khi chính thức dành toàn bộ thời gian cho việc điều hành Bảo tàng. Phụ việc cho anh còn có em gái - Nguyễn Thiều Minh Thư, từng tốt nghiệp quản lý nghệ thuật tại London (Anh) và vừa ghi danh một khóa học giám tuyển tại Singapore.
“Vài năm gần đây, tôi trực tiếp hỗ trợ ba tôi khi có các giao dịch tại các sàn đấu giá trên thế giới. Như mọi người đều biết, tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam có mặt ở bốn phương trời, được các nhà sưu tập bán mua nhiều ở Singapore, Pháp, Hồng Kông, Mỹ… Ba tôi đã mua lại được từ các sàn đấu giá lớn như Christie’s, Sotheby’s, Bonhams…
Tôi từng muốn có sự nghiệp của riêng mình nhưng khi biết ba quá tâm huyết với Bảo tàng nên đã nghỉ hoàn toàn công việc bên ngoài để dồn sức cho Bảo tàng, khác trước đây chỉ phụ trong khâu dữ liệu, hình ảnh, hỗ trợ giao dịch cho ba ở các sàn đấu giá. Tôi biết đây là một trách nhiệm rất lớn bởi dưới tầm nhìn của người sáng lập, Quang San cố gắng trở thành một không gian văn hóa vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại và tư duy sâu sắc về nghệ thuật và văn hóa”, Nguyễn Thiều Kiên cho biết.
Sau một thời gian chuẩn bị xây dựng không gian, làm danh mục hồ sơ tác phẩm, tác giả, đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật, an ninh, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San đã được thành lập theo quyết định số 46/QĐ-SVHTT ngày 7.2.2023 của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM. “Chúng tôi sẽ cố gắng mang nhiều điều mới đến cho Bảo tàng thông qua các hoạt động triển lãm, art talk, workshop dành cho nhiều đối tượng. Bảo tàng có vị trí nhìn ra sông, rất lãng mạn và phù hợp cho nhiều hoạt động thú vị trong tương lai. Thật vui mừng khi chỉ mới chính thức mở cửa không lâu, lượng người quan tâm đến bảo tàng rất lớn, từ những họa sĩ, người làm việc trong lĩnh vực mỹ thuật, doanh nhân, giáo viên, người đầu tư, cho đến du khách. Hiện chúng tôi đang mở từ 9 - 16g mỗi ngày, trừ Thứ hai, với giá vé 200.000 đồng/người, học sinh - sinh viên 100.000 đồng/người”, anh Kiên chia sẻ.
Cái tên của Bảo tàng bắt nguồn từ việc ghép tên người sáng lập là ông Nguyễn Thiều Quang và tên người mẹ của ông là bà Nguyễn Thị San để ra “Quang San” hay còn có nghĩa là “núi sáng”. Mỗi bức tranh trong Bảo tàng, với ông Quang đều chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn, về chân dung họa sĩ, về số phận tác phẩm, những giai thoại thú vị có được nhờ nhiều năm giao du trong giới sưu tập, họa sĩ.
Từ một sở thích cá nhân, Quang San phát triển thành một điểm tham quan thú vị, có ý nghĩa không chỉ trong nước mà còn với công chúng nước ngoài, những người muốn tìm kiếm những cuộc gặp gỡ ý nghĩa với lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và thiên nhiên Việt Nam.
Bài và ảnh: Trâm Anh