Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên nhân lên tình yêu rừng

Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên (thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên) nằm trong tòa lâu đài kiến trúc Pháp cổ cao 4 tầng với tường đá rêu phong ẩn mình giữa rừng thông trên đồi Tùng Lâm (116 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 7, TP Đà Lạt). 30 năm thành lập, bảo tàng là nơi bảo tồn, lưu giữ, trưng bày các tiêu bản động vật, thực vật phong phú đặc trưng ở Lâm Đồng và Tây Nguyên. Thăm Bảo tàng Tây Nguyên như đi giữa thiên nhiên hoang dã sống động muôn loài, gợi lên trong lòng người xem tình yêu núi rừng.

Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên là tòa nhà cổ kính trên đồi Tùng Lâm

Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên là tòa nhà cổ kính trên đồi Tùng Lâm

Là nơi có giá trị lớn về đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật quý hiếm, nhưng rừng Tây Nguyên đang bị tổn hại và suy giảm nghiêm trọng dưới sự tác động của con người. Năm 1990, Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên đi vào hoạt động nhằm nghiên cứu và giáo dục khoa học, bảo tồn thông qua các hoạt động sưu tầm bộ mẫu tiêu bản động vật, thực vật, trưng bày, thuyết minh đưa đến cộng đồng hình ảnh của muôn loài. Đến nay Bảo tàng đã có một bộ sưu tập mẫu động vật và thực vật phong phú giới thiệu cho khách tham quan về tài nguyên của rừng Tây Nguyên. Bộ sưu tập động vật được trưng bày trong 7 gian phòng nối tiếp nhau và 6 phòng lưu trữ gồm hơn 230 mẫu xương của 45 loài động vật, 528 mẫu thú của 58 loài, 329 mẫu chim của 95 loài, 43 mẫu bò sát của 32 loài, 36 mẫu gia súc, gia cầm của 22 loài, 464 mẫu của các loài côn trùng thuộc 10 bộ côn trùng có ý nghĩa khoa học và kinh tế phổ biến tại Tây Nguyên. Đặc biệt, có những mẫu tiêu bản có giá trị lớn về mặt bảo tồn voi châu Á, bò tót, các loài linh trưởng quý hiếm: vượn đen má trắng, voọc vá chân đen, culi nhỏ, voọc bạc, cầy vàng; các loài đặc hữu như chim sẻ thông họng vàng, chim khướu đầu đen má xám... Ngoài ra, Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên còn trưng bày 245 mẫu nấm lớn của 240 loài thuộc khu vực rừng thông Lâm Đồng.

Tham quan Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên người xem có cảm giác lạc vào giữa khu rừng hoang dã, lạc vào đại ngàn, lạc vào thế giới thiên nhiên kỳ thú của muôn loài. Mô hình các loài động vật, các loài thực vật được tái hiện giống thật đến 99% đem lại cảm giác chân thực. Chim, thú như đang sống chính trong không gian khoáng đạt, trong môi trường sống của chúng giữa rừng già xanh mướt. Việc thực hiện chế tác tiêu bản động vật rất công phu, để tạo tác nên được một mẫu vật phục vụ khách tham quan đòi hỏi sự tỉ mỉ và đầy trách nhiệm của các nhà khoa học. Ví như để làm nên tiêu bản voi châu Á giống như thật khiến người xem thích thú là cả quá trình; những người làm công tác bảo tàng ở đây kể rằng: Ngày 25/6/2015, Bảo tàng đã thu mẫu voi tên Ethen, 68 tuổi, khối lượng 4,2 tấn, chết do tuổi già tại Khu Du lịch thác Prenn (voi này được mua về từ Yok Đôn, Đăk Lăk). Bảo tàng đã tiến hành đo đạc các thông số cơ thể để làm cơ sở tạo tác lại tiêu bản; đồng thời dùng xe múc, trục nâng, xe tải hỗ trợ di chuyển một cách cẩn thận, tránh xây xát. Tiến hành rửa sạch các bụi bẩn bám trên da, lột da ướp với hỗn hợp muối - phèn chua trong 36 giờ để loại bỏ và ức chế các vi sinh vật gây phân hủy da. Lọc sạch mỡ và thịt còn dính lại trên da và ngâm da trong hỗn hợp dung dịch acid sunfuric, muối, acid formic, phenol để bảo quản da không bị phân hủy (thuộc da) trong thời gian 2 tuần. Tạo khung sắt theo kích thước mẫu vật đã đo; bọc da lên khung sắt, căn chỉnh vị trí, cố định những vị trí cần thiết và khâu một vài bộ phận; tiến hành nhồi bông vào và khâu hoàn thiện mẫu cần vận dụng khéo léo những công cụ đảm bảo tính thẩm mĩ.

Bên cạnh voi châu Á, các tiêu bản động vật giống như thật được trưng bày sống động đều có chú thích giới thiệu đi kèm khiến người xem thích thú. Có thể kể một số loài: Loài mang lớn là loài thú mới phát hiện ở Việt Nam, sống trong rừng già, rừng thứ sinh, savan; kiếm ăn ban đêm; thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây và quả. Bò tót sống thành từng đàn 5-10 con trong rừng khộp Tây Nguyên, rừng già, rừng thứ sinh; thức ăn chủ yếu là cỏ, mầm lá non; sinh sản mỗi năm 1 lứa, mỗi lứa một con. Hổ sống đơn thân trong các khu rừng già, rừng tái sinh cây bụi, lau lách, trảng cỏ cao; thức ăn gồm nhiều loài thú khác nhau như: hươu, nai, hoẵng, lợn, trâu, bò; mùa sinh sản không rõ ràng; mỗi lứa đẻ 2-4 con, con non sống với mẹ 1-2 năm; là loài thú hiếm có nguy cơ bị tiêu diệt do sức ép của nạn săn bắt và chặt phá rừng...

Ngoài ra, bộ sưu tập hơn 1.300 giò lan các loại, nhân giống và giữ gìn nguồn gen của gần 260 loài lan rừng, mang những cái tên vốn chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên dâng đời muôn sắc hoa rực rỡ như: Thanh lan, Tuyết ngọc, Thanh đạm, Thủy tiên và các loài lan Hài. Cùng một vườn thực vật hạt trần với 15 loài thông của Lâm Đồng và Tây Nguyên, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm, được xem như những hóa thạch sống của hiện tại như: thông hai lá dẹt, thông 5 lá, thủy tùng. Không chỉ tham quan, người xem còn có dịp tìm hiểu về đời sống của các loài động vật, thực vật trong rừng Tây Nguyên bằng hình ảnh sống động. Với những tiến bộ về công nghệ ngày nay, nhiều thông tin được khai thác hơn từ những mẫu vật lâu đời từ gen; Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên cũng là nguồn tài nguyên lớn để nghiên cứu sâu hơn các lĩnh vực như sinh học phân tử, di truyền, xây dựng cây phân loại, đánh giá mối quan hệ của cá thể loài trong cùng khu vực, hình thái, giải phẫu học của các loài động vật. Cung cấp những cơ sở để các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về tiến hóa, đa dạng sinh học, thay đổi về sinh thái, không gian, thời gian quần thể loài xuất hiện, diễn thế sinh thái. Từ đó mang lại nhiều tiềm năng và cơ hội trong công tác nghiên cứu, bảo tồn.

“Hãy thân thiện hơn với thiên nhiên, để thiên nhiên mãi là bạn đồng hành của con người” - Thông điệp của Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên đã và đang khơi dậy niềm tự hào về Tây Nguyên tươi đẹp, nhân lên tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm và hành động thiết thực bảo vệ rừng.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202110/bao-tang-sinh-hoc-tay-nguyen-nhan-len-tinh-yeu-rung-3086067/