Bảo tàng thu thập các vật dụng thời COVID-19
Nhiều bảo tàng trên thế giới đang bắt đầu thu thập các vật dụng lưu giữ ký ức về một giai đoạn đáng ghi dấu của lịch sử thế giới - giai đoạn phong tỏa do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bảo tàng London, nơi tái hiện chiều dài lịch sử của thủ đô nước Anh, đang phát động chiến dịch quyên góp các vật dụng phản ánh cuộc sống của người dân London trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát.
Bà Beatrice Behlen, người phụ trách tuyển chọn các vật dụng trưng bày trong Bảo tàng London, cho biết người dân có thể đóng góp bất kỳ món đồ nào để giúp kể một câu chuyện về quãng thời gian ở nhà vì đại dịch COVID-19. Đó có thể là một đôi dép đi trong nhà yêu thích hoặc chứng tích về một kỹ năng mới học được trong thời gian ở nhà như đan lát, nấu ăn hoặc may khẩu trang tặng các nhân viên y tế.
Theo bà Behlen, dịch COVID-19 là một trải nghiệm khác thường và điều gây hứng thú đối với Bảo tàng London là câu chuyện đằng sau những món đồ, chứ không phải bản thân những món đồ.
Những thứ khó thu thập hơn là những cung bậc cảm xúc của người dân trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách xã hội. Hưởng ứng kêu gọi của Bảo tàng Gia đình cũng ở London, một gia đình đã ghi hình cảnh họ bố trí một màn hình ở trước bàn ăn để chia sẻ với họ hàng hình ảnh bữa ăn gia đình thông qua kết nối video. Một gia đình khác đã biến phòng khách thành một phân xưởng may áo choàng tặng các nhân viên y tế.
Bảo tàng Gia đình cũng kêu gọi người dân ghi lại những cảm xúc của họ về ngôi nhà của mình thời dịch bệnh COVID-19 khi nhà bỗng chốc đảm đương nhiều công năng như văn phòng làm việc, lớp học và phòng tập gym. Giám đốc Bảo tàng Gia đình Sonia Solicari cho biết những chứng tích mà bảo tàng này thu thập được thể hiện sự kiên cường của người dân trước tình hình dịch COVID-19 cũng như cách họ thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh. Theo bà, đó thực sự là một bộ sưu tập các cung bậc cảm xúc khó quên và không phải lúc nào cũng có được.
Các bảo tàng và trường đại học trên khắp nước Đức, từ Hamburg đến Munich và Cologne, đang yêu cầu mọi người không vứt bỏ các đồ vật định hình cuộc sống hiện tại của họ, mà chụp ảnh chúng hoặc gửi đến bảo tàng. Họ muốn nắm bắt cuộc sống hằng ngày trong giai đoạn mùa Xuân năm 2020, không chỉ cho cá nhân, mà cho cả ký ức tập thể.
Đồ vật đầu tiên tượng trưng cho đại dịch trong Bảo tàng thành phố Cologne là một tờ rơi của thành phố Cologne về cách đối phó với cuộc khủng hoảng do đại dịch.
Bảo tàng Lịch sử Đức tại Berlin cũng coi đại dịch là một chương mới của bộ sưu tập lịch sử và có kế hoạch gắn kết nó với các bộ sưu tập đã có sẵn. "Một số đồ vật lịch sử gợi nhớ đến các dịch bệnh trong quá khứ như bệnh dịch hạch, nhưng chúng chủ yếu là bằng chứng y học về cuộc chiến chống lại bệnh tật hoặc cách người bệnh bị cách ly", Fritz Backhaus, người quản lý các bộ sưu tập của bảo tàng cho biết.
Tại Bảo tàng Wien ở Vienna, Áo, hơn 1.300 người đã gửi cho bảo tàng những ấn tượng của họ về đại dịch qua e-mail bằng cách sử dụng thẻ “Bộ nhớ Corona”.
“Một trong những vật yêu thích của tôi là móc len hình virus Corona”, Giám đốc bảo tàng Matti Bunzl nói. “Nó không chỉ dễ thương mà còn cho thấy các đồ vật này là đại sứ của thời điểm hiện tại”.
Các tài liệu và đồ vật trên trang web của bảo tàng Vienna cũng cho thấy đại dịch COVID-19 đã “kích hoạt” sự sáng tạo. Mọi người đều thấy hình ảnh người đàn ông đi bộ qua một công viên chụp lên người những thanh gỗ xung quanh để giữ khoảng cách và ở khắp mọi nơi, người dân đeo khẩu trang tự chế được ghép lại với nhau từ những mảnh vải thừa.
Ở Thụy Điển, Bảo tàng Bắc Âu ở thủ đô Stockholm đang sưu tập những món đồ thể hiện cảm nghĩ của trẻ em về những thay đổi trong cuộc sống hằng ngày thời COVID-19 cũng như cách trẻ em nhìn về tương lai.
Quãng thời gian hàng tỷ người trên thế giới bị phong tỏa do đại dịch COVID-19 đã truyền cảm hứng để 3 giám đốc quảng cáo trẻ ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha thành lập một bảo tàng trực tuyến trên Instagram. Hơn 900 tác phẩm đã được gửi đến Bảo tàng Nghệ thuật COVID-19 từ khắp nơi trên thế giới, kể lại những trải nghiệm đáng nhớ khi đại dịch hoành hành trên toàn cầu.
H.Phương (tổng hợp)