Bảo tàng-Thư viện Tam Điệp: Điểm hẹn văn hóa

Tọa lạc trên diện tích 7.809 m2, tổ hợp Bảo tàng-Thư viện thành phố Tam Điệp được đầu tư gần 30 tỷ đồng với kiến trúc hiện đại, hài hòa và chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 12 năm 2024. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là điểm đến văn hóa, giáo dục, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Bảo tàng - Thư viện thành phố Tam Điệp tọa lạc trên diện tích trên 7.800 m2.

Bảo tàng - Thư viện thành phố Tam Điệp tọa lạc trên diện tích trên 7.800 m2.

Dấu ấn lịch sử Tam Điệp qua những hiện vật sống động

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, vùng đất Tam Điệp luôn có vị trí địa chính trị quan trọng, là vùng trọng yếu, then chốt trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc mà tiêu biểu là cuộc chiến chống xâm lược Mãn Thanh của Hoàng đế Quang Trung và quân đội Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII. Đây còn là cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Ninh Bình, nơi giao thoa giữa nền văn minh sông Hồng và nền văn minh sông Mã, tạo nên một nền văn hóa đa dạng và phong phú.

Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp cho biết: Nhằm tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa của thành phố và lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của vùng đất Đồng Giao-Tam Điệp tạo nền tảng vững chắc xây dựng thành phố Tam Điệp phát triển nhanh và bền vững, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố đã quyết định đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp tổ hợp Bảo tàng - Thư viện thành phố trong khuôn viên Bảo tàng được xây dựng từ năm 2005, tiền thân là nhà truyền thống của Nông trường Đồng Giao - Nơi đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm cách đây 65 năm. Công trình không chỉ là biểu tượng văn hóa mới của thành phố mà còn là động lực thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thư viện đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 19/5/2024, nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác. Ngày 17/12/2024, nhân kỷ niệm 42 năm ngày thành lập thành phố, Bảo tàng Tam Điệp chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Bảo tàng thành phố trưng bày hơn 200 tài liệu, hiện vật, tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất và con người Tam Điệp qua các thời kỳ.

Bảo tàng thành phố trưng bày hơn 200 tài liệu, hiện vật, tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất và con người Tam Điệp qua các thời kỳ.

Tổ hợp có tổng diện tích 7.809 m2, trong đó, tòa nhà Bảo tàng được cải tạo, nâng cấp, xây dựng 2 tầng với tổng diện tích sàn 1.315 m2 cùng với công trình nhà dịch vụ, phòng làm việc và các hạng mục phụ trợ khác. Bảo tàng Tam Điệp hiện trưng bày hơn 200 tài liệu, hiện vật, tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất và con người Tam Điệp qua các thời kỳ.

Trong đó, tầng 1 trưng bày các hiện vật từ thời tiền sử đến hết thời kỳ bao cấp, bao gồm các di chỉ khảo cổ học như Núi Ba, Thung Lang, hang Đáo, hang Yên Ngựa, hang Dẹ, núi Hang Sáo, cụm di tích Hang Ốc, Núi Ốp, hang Khỉ, núi Hai, với các hiện vật đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, minh chứng cho sự phát triển của con người trên mảnh đất này từ hàng chục nghìn năm trước. Đặc biệt, khu vực khánh tiết được bố trí bức phù điêu “Bác Hồ với nhân dân Tam Điệp” ghi nhớ về sự kiện ngày 20/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nông trường Đồng Giao. Bác đã ân cần động viên và nhắc nhở cán bộ, lãnh đạo Nông trường: “Cố gắng làm việc thật tốt để xây dựng Đồng Giao trở thành một nông trường giàu có, làm ra thật nhiều của cải, sản phẩm nông nghiệp cho Nhà nước, đời sống công nhân, cán bộ được cải thiện, ấm no”.

Bức phù điêu “Bác Hồ với nhân dân Tam Điệp” thể hiện sự quan tâm, tình cảm của Bác dành cho cán bộ, công nhân Nông trường Đồng Giao nói riêng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Tam Điệp nói chung cũng như tình cảm sắt son, lòng biết ơn và sự quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tầng 2, trưng bày các hiện vật từ thời kỳ đổi mới đến nay, tái hiện quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Tam Điệp, những thành tựu đạt được và tầm nhìn phát triển trong tương lai. Nơi đây cũng trưng bày các hiện vật liên quan đến các kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố, các phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng, hình ảnh các đồng chí lãnh đạo và chân dung các thế hệ lãnh đạo thành phố.

Ông Hà Văn Năm, xã Đông Sơn phấn khởi cho biết: Khi đến tham quan Bảo tàng-Thư viện thành phố, tôi thực sự ấn tượng về một công trình văn hóa khang trang, hiện đại. Không gian trưng bày được bố trí khoa học, hợp lý, các hiện vật, tài liệu được trưng bày một cách hệ thống, giúp tôi hiểu rõ hơn về những dấu mốc lịch sử quan trọng, những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Tôi tin chắc rằng, bất cứ ai đến đây cũng sẽ cảm thấy tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương mình, về những đóng góp của các thế hệ người dân Tam Điệp - Đồng giao trong công cuộc dựng nước và giữ nước, xây dựng kiến thiết quê hương.

Không gian tri thức của cộng đồng

Bên cạnh Bảo tàng, Thư viện thành phố được xây dựng với không gian đọc sách, học tập hiện đại và tiện nghi. Với nguồn tài liệu phong phú, đa dạng, Thư viện đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của mọi tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp cho biết: Quá trình triển khai thực hiện dự án Tổ hợp Bảo tàng - Thư viện đã nhận được sự tham gia góp ý của nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, của các chuyên gia lịch sử trong và ngoài tỉnh, của các cơ quan chuyên môn trong tỉnh và Nhân dân thành phố; trong quá trình thi công, thành phố tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, thành phố đã phát động, kêu gọi và được đông đảo các tổ chức, cán bộ, đảng viên, Nhân dân và con em quê hương Tam Điệp ở khắp mọi miền của Tổ quốc ủng hộ, trao tặng hàng nghìn đầu sách, tư liệu, tài liệu, hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử, con người và vùng đất Đồng Giao - Tam Điệp.

Thư viện thành phố thu hút đông đảo độc giả đến tìm hiểu, tra cứu thông tin.

Thư viện thành phố thu hút đông đảo độc giả đến tìm hiểu, tra cứu thông tin.

Đến nay, Thư viện đã có trên 18.000 cuốn sách, báo, tạp chí; Bảo tàng đã tiếp nhận trên 500 hiện vật và được tổ chức trưng bày một cách hệ thống, khoa học, theo các chủ đề tự nhiên, xã hội, trải qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước gắn với truyền thống của Nông trường Đồng giao và Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12); hồi tưởng lại thời bao cấp; những thành tựu, mốc son của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố trải qua 42 năm với tinh thần vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu, xây dựng, phát triển và hội nhập.

Chị Phạm Thị Hương, phường Trung Sơn chia sẻ: Từ khi Tổ hợp Bảo tàng-Thư viện Tam Điệp chính thức đi vào hoạt động, gia đình tôi lại có thêm điểm gặp gỡ cuối tuần. Bởi nơi đây có diện tích rộng rãi, thiết kế hiện đại, có nhiều không gian đọc sách yên tĩnh, khu vực đọc sách báo, khu vực dành cho trẻ em, do vậy tôi và các con đều rất thích thú, muốn đến nơi đây để có thể dễ dàng tìm các nguồn tài liệu mà mình cần tra cứu, giúp duy trì và nuôi dưỡng thói quen đọc sách.

Tổ hợp Bảo tàng-Thư viện thành phố Tam Điệp trở thành không gian văn hóa lý tưởng, nơi không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Đồng Giao-Tam Điệp mà còn là nơi tìm kiếm tri thức, kết nối với cộng đồng, là địa chỉ đỏ tổ chức các sự kiện, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử. Đây thực sự là một điểm đến văn hóa ý nghĩa cho người dân và du khách.

Đinh Ngọc

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-tang-thu-vien-tam-diep-diem-hen-van-hoa-887444.htm