Bảo tàng tỉnh và nỗ lực đổi mới

Theo Luật Di sản văn hóa, bảo tàng là một thiết chế văn hóa hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) năm 2024 với chủ đề 'Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu' đã khẳng định thêm vai trò của bảo tàng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về giáo dục và nghiên cứu. Bảo tàng tỉnh Lào Cai cũng đã và đang nỗ lực làm tốt vai trò giáo dục gắn với thiết chế bảo tàng.

 Bảo tàng Lào Cai thu hút nhiều học sinh tham quan, trải nghiệm.

Bảo tàng Lào Cai thu hút nhiều học sinh tham quan, trải nghiệm.

Vai trò giáo dục của bảo tàng

Khi nói về vai trò giáo dục của bảo tàng, trước hết cần thấy rằng bảo tàng không thực hiện hoạt động dạy học cho công chúng. Bảo tàng thực hiện vai trò giáo dục thông qua không gian trưng bày các hiện vật và các hoạt động trải nghiệm. Công chúng có cơ hội được học tập, tìm hiểu, khám phá tri thức một cách chủ động theo cách thức đa dạng, mang tính trực quan sinh động, tạo sự gợi mở, kích thích tinh thần tự học, tự tiếp nhận, tự sáng tạo, từ đó hình thành hệ thống tri thức cho chính bản thân mình.

 Bảo tàng tỉnh có nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Bảo tàng tỉnh có nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

 Học sinh trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa cộng đồng tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Bảo tàng tỉnh

Học sinh trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa cộng đồng tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Bảo tàng tỉnh

Mặt khác, bằng hoạt động trưng bày và diễn giải di sản đã tạo ra môi trường giao tiếp, tương tác văn hóa thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng trong xã hội đa văn hóa. Từ đó, tăng cường giao lưu, tiếp biến văn hóa, gắn kết với cộng đồng và tăng cường tôn trọng đa dạng văn hóa. Đồng thời, quá trình diễn giải di sản bằng thuyết minh, giới thiệu giúp cho các hiện vật có đời sống sống động hơn để kể những câu chuyện, truyền đi những thông điệp. Như thế, bản chất quá trình này đã là một quá trình của giáo dục. Với mục tiêu lấy công chúng làm trung tâm, bảo tàng là địa điểm thích hợp để thực hiện chức năng giáo dục.

Nỗ lực đổi mới

Với vai trò giáo dục như trên đòi hỏi bảo tàng không ngừng đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động để tạo dựng môi trường học tập và nghiên cứu cho công chúng. Kể từ khi tiếp quản và sử dụng công trình nhà bảo tàng tại khu vực trung tâm hành chính của tỉnh (từ năm 2016 đến nay), Bảo tàng tỉnh Lào Cai không ngừng nỗ lực thực hiện đổi mới đồng bộ để ngày càng đáp ứng yêu cầu giáo dục của thiết chế bảo tàng.

Trước hết, Bảo tàng tỉnh duy trì và đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm để xây dựng hệ thống các hiện vật có giá trị, hình thành những bộ sưu tập phục vụ cho việc xây dựng các không gian trưng bày có nội dung hay, truyền tải đi các thông điệp có giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương. Mỗi năm, Bảo tàng tỉnh đều duy trì việc bổ sung hiện vật. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động hiến, tặng hiện vật, phối hợp với các câu lạc bộ sưu tầm cổ vật trên cả nước, tiếp nhận hàng nghìn hiện vật với nhiều chủng loại khác nhau. Cùng với việc gia tăng số lượng và chất lượng các hiện vật, Bảo tàng tỉnh thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bảo quản hiện vật tại hệ thống kho.

 Bảo tàng tỉnh tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động hiến, tặng hiện vật, tiếp nhận hàng nghìn hiện vật. Ảnh: Phương Thảo

Bảo tàng tỉnh tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động hiến, tặng hiện vật, tiếp nhận hàng nghìn hiện vật. Ảnh: Phương Thảo

Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) trong đổi mới trưng bày chuyên đề tại bảo tàng. Các chuyên gia của vùng Nouvelle Aquitaine đã hỗ trợ đào tạo cán bộ của Bảo tàng tỉnh trong việc tổ chức trưng bày hiện vật, sắp xếp không gian trưng bày theo hướng hiện đại và có khả năng tiếp cận công chúng. Có thể kể đến như không gian trưng bày về đa dạng sinh hoạt và không gian trưng bày về các dân tộc tỉnh Lào Cai. Những không gian trưng bày này tạo điều kiện cho công chúng, nhất là học sinh tương tác được với các bộ sưu tập, thông qua các hiện vật để nâng cao nhận thức và hành động. Tại Bảo tàng tỉnh đang duy trì trưng bày thường xuyên về lịch sử Lào Cai, các không gian trưng bày chuyên đề về văn hóa người Dao, về thời bao cấp, về đa dạng sinh học, các tộc người.

 Nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Bảo tàng tỉnh

Nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Bảo tàng tỉnh

Hơn thế, Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã xây dựng các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh như xây dựng tiết học lịch sử địa phương, xây dựng các hoạt động trải nghiệm văn hóa như làm xôi màu, vẽ sáp ong, viết chữ Nôm Dao tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai. Bảo tàng cũng mời các nghệ nhân tham gia vào các hoạt động trải nghiệm như nghệ nhân người Dao tham gia hướng dẫn nghệ thuật chữ Nôm Dao để công chúng hiểu về di sản văn hóa phi vật thể của người Dao.

Đặc biệt, để tăng cường thực hiện chức năng giáo dục của bảo tàng, năm 2021, Phòng Giáo dục và Truyền thông được thành lập trên cơ sở kiện toàn vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, bộ máy của Bảo tàng tỉnh Lào Cai. Sự ra đời của Phòng Giáo dục và Truyền thông thể hiện bước tiến mới của Bảo tàng tỉnh trong sứ mệnh thực hiện vai trò giáo dục.

Trong những năm gần đây, mỗi năm, bảo tàng đón trung bình hàng nghìn lượt học sinh của các trường trên địa bàn tỉnh đến tham quan, học tập, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, ngoài ra còn đón các nhà nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh muốn tìm hiểu về Lào Cai.

Bảo tàng tỉnh Lào Cai đang trở thành cánh cửa đầu tiên mở ra không gian để tìm hiểu về Lào Cai. Dự án tư vấn thiết kế Bảo tàng tỉnh đang được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu về bảo tàng ở Việt Nam hứa hẹn mang đến một không gian giáo dục hấp dẫn, sáng tạo cho các đối tượng công chúng.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bao-tang-tinh-va-no-luc-doi-moi-post384234.html