'Bảo tàng' từ san hô

Sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống là lính Hải quân, bởi vậy những kỷ vật làm từ biển rất được cựu binh Trần Quân Chính (60 tuổi), trú xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) trân trọng và gìn giữ.

Ông Trần Quân Chính bên 6 mô hình tàu ngầm lớp Ki-lô, mô hình tàu cảnh sát biển Việt Nam, mô hình máy bay Su30. Ảnh: Đ.B.

Ông Trần Quân Chính bên 6 mô hình tàu ngầm lớp Ki-lô, mô hình tàu cảnh sát biển Việt Nam, mô hình máy bay Su30. Ảnh: Đ.B.

Trò chuyện với ông Chính mới hay, người cha của ông cũng từng là chiến sĩ đoàn tàu Không số, chú ruột của ông Chính, một người lính đặc công hải quân. Mấy anh em ông Chính cũng nối theo truyền thống đó. Thêm nữa, quê ông ở vùng biển nên từ nhỏ, biển đảo như một phần máu thịt của chàng trai trẻ Trần Quân Chính.

Năm 1989, ông Chính nhập ngũ và làm nhiệm vụ canh gác căn cứ quân sự tại Cam Ranh thuộc Vùng 4 Hải quân. 3 năm sau, ông xuất ngũ và bôn ba mưu sinh ở Nga, Trung Quốc hàng chục năm trời. Trở về quê hương, ông Chính đau đáu tâm nguyện tái hiện lại một không gian, một mô hình “bảo tàng” gói ghém hết tất cả những kỷ vật của cha ông để nhắc nhở thế hệ sau nhớ một thời hào hùng, gian khó.

Sau nhiều năm dày công sưu tầm, ông Chính quyết định mở một quán cà phê nhà sàn, trong đó dành riêng một không gian trưng bày những kỷ vật của người lính Hải quân.

Ông Trần Quân Chính cho biết: Hồi ở trong đơn vị, mỗi lần đến thăm đồng đội, bạn bè thấy có những đồ vật thân thuộc của người lính Hải quân, tôi thường trân quý rồi ngỏ lời. Ai cho thì mình lấy, ai bán thì mình mua… Bởi thế, trong hàng trăm kỷ vật của người lính Hải quân mà tôi sưu tầm, mỗi hiện vật đều có những câu chuyện riêng biệt từ giản dị mà rất đỗi thiêng liêng của Trường Sa như hòn đá san hô, những con ốc biển.

“Khi mở phòng trưng bày, tôi muốn việc làm của mình được lan tỏa trong cộng đồng giúp mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm được quá khứ hào hùng của cha ông. Đó là những bình bi đông, bình tông, đạn pháo gắn với những câu chuyện, chiến tích một thời. Việc tôi lưu giữ những kỷ vật đó không phải để mình bán nó đi mà đó là những thứ thiêng liêng, cần được lưu truyền qua nhiều thế hệ” - ông Chính bộc bạch.

Qua những lần đi khắp nơi sưu tầm kỷ vật Hải quân, cựu binh Trần Quân Chính chia sẻ, việc mở phòng trưng bày mới được một năm, tuy nhiên giá trị về mặt tinh thần rất lớn, thỏa tâm nguyện bao năm. “Từ khi có phòng trưng bày kỷ vật, khách đến quán cà phê có thể lên tham quan, mục sở thị được những mô hình mô phỏng tàu ngầm lớp Ki-lô, rồi tàu chiến khó thấy bằng mắt thường ở ngoài đời” - ông Chính nói.

Tình yêu, sự tâm huyết của người lính Hải quân với biển đảo, với Trường Sa còn được ông Chính thể hiện trong việc bài trí cảnh quan khuôn viên gia đình, quán cà phê của ông. Cựu binh Trần Quân Chính cho biết, mỗi góc vườn trong ngôi nhà của ông đều thể hiện từng hòn đảo lớn nhỏ của Trường Sa. Đặc biệt, ông đã dày công sưu tầm 5 hòn đá san hô mang tên các hòn đảo trong quần đảo Trường Sa.

“Thời điểm Trung ương Đoàn phát động phong trào “Góp đá xây Trường Sa”, tôi tích cực tham gia và được tặng cũng như sưu tập 5 hòn đá làm kỷ niệm, với tôi đó là hình hài của Tổ quốc thân yêu. Trong đó hòn đá mang tên đảo Trường Sa lớn là hòn đá lớn nhất, nặng tới hàng trăm kg. Tôi dành vị trí trang trọng trong phòng trưng bày kỷ vật đặt viên đá san hô mang tên “Đảo Trường Sa lớn” để Trường Sa thiêng liêng trở nên gần gũi, thân thuộc” - ông Chính chia sẻ.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-tang-tu-san-ho-10292447.html