Báo Thanh Niên - tờ báo khởi đầu nền báo chí cách mạng

Ngày 21-6-1925, ấn phẩm đầu tiên của Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên - do Nguyễn Ái Quốc chủ biên đã được xuất bản bằng chữ quốc ngữ. Đó là cột mốc đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Tòa soạn của Báo Thanh Niên lúc đầu đặt bí mật tại ngôi nhà số 13 (nay là số 248-250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Báo Thanh Niên ra đời với vai trò tổ chức và hướng dẫn phong trào cách mạng trong nước. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh - những người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã tham gia đồng hành cùng tờ báo này.

Báo Thanh Niên được viết tay bằng bút thép trên trang giấy sáp, in mỗi kỳ trên 100 bản. Thời gian đầu, báo ra một tuần một kỳ, về sau do điều kiện khó khăn nên số sau cách số trước có khi 3 tuần, khi 5 tuần. Manchette báo viết hai chữ Thanh Niên bằng tiếng Hán và tiếng Việt. Góc trái mỗi tờ báo là ngôi sao 5 cánh, trong đó ghi số báo. Phần lớn là 2 trang, một số ít ra 4 trang, khổ giấy trung bình 13x19cm. Báo hoạt động từ 21-6-1925 đến 14-2-1930, hầu như không gián đoạn, phát hành tất cả 202 số.

Thanh Niên - tiếng loa hiệu triệu trong buổi đầu cách mạng

Nhà báo Nguyễn Thành, người nghiên cứu về Báo Thanh Niên nhận xét về nội dung của Báo Thanh Niên như sau: “Dù viết Đông Tây kim cổ, trong nước hay ngoài nước, xét cho cùng đều quy tụ vào mấy điểm cơ bản sau: Khơi sâu lòng căm thù quân cướp nước để cổ vũ nổi dậy làm cách mạng. Học tập kinh nghiệm lịch sử làm thế nào để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi triệt để, giải phóng dân tộc và xây dựng lại đất nước giàu mạnh: phải có một đảng cách mạng chân chính, có học thuyết Mác - Lênin soi đường”.

Trong cuốn “Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam", nhà nghiên cứu Hồng Chương đã nhận xét: “Báo Thanh Niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã giới thiệu với nhân dân ta con đường cách mạng mới, một phương pháp cách mạng, một kiểu con người chiến sĩ cách mạng mới nhằm đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc giành được thắng lợi. Nó kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào yêu nước Việt Nam".

Hình chụp các trang Báo Thanh Niên

Hình chụp các trang Báo Thanh Niên

Trong 202 số báo, Thanh Niên đã cung cấp nhiều tác phẩm chính luận với những vấn đề về kinh tế, chính trị, triết học, chủ nghĩa xã hội. Báo còn có các chuyên mục hỏi đáp, thơ ca để cung cấp tri thức từ những câu chuyện về lịch sử cách mạng các nước để trình bày sự xung đột giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất là nguyên nhân bùng nổ cách mạng ở Anh, Pháp, Trung Quốc hay Nga, về giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư đối với giai cấp vô sản. Báo giới thiệu về cách mạng Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, xã hội... bằng những câu chuyện sinh động, những con số tiêu biểu.

Thành công lớn của tờ báo - nói như ngôn ngữ hiện đại - là truyền cảm hứng. Thanh Niên có hàng loạt bài viết có tác dụng lớn trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, về quốc tế cộng sản, về cách mạng, về các tổ chức công hội, thanh niên, phụ nữ và hướng dẫn cách lập hội, tham gia hội. Thanh Niên còn có bài viết về tình hình Việt kiều ở nước ngoài cần thương yêu đùm bọc nhau, về tình nghĩa đồng bào lưu lạc nơi đất khách quê người, đừng để cho người nước ngoài khinh người mình.

Trong lịch sử báo chí, hiếm thấy nếu không nói là chưa từng thấy một tờ báo nào khuôn khổ khiêm tốn, ấn loát thô sơ, số phát hành ít ỏi lại có tác động quyết định cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc như Báo Thanh Niên.

Giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Báo Thanh Niên là nguồn sáng không chỉ của những người nuôi chí hướng cách mạng mà còn của cả tuổi trẻ Việt Nam yêu nước đang phân vân trước ngã ba đường, dò dẫm hướng đi và cách thức hành động để cứu nước, cứu nhà. Mỗi lần tiếp nhận được báo, những người cách mạng ở trong nước, bất chấp nguy cơ bị tù đày, thậm chí mất cả tính mạng, lại cần cù sao chép, nhân ra nhiều bản nữa để lưu hành rộng rãi hơn. Thông tin chính luận của tờ báo chứa biết bao trí tuệ và nhiệt huyết của những người đã khai sơn phá thạch cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, cho sự ra đời của một nước Việt Nam mới.

Cống hiến to lớn của báo chí cách mạng kể từ tờ Thanh Niên đến nay là góp phần chuẩn bị về tư tưởng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa và các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Sức mạnh quyết định của mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng nước ta là sức mạnh của con người, của tinh thần, của trí tuệ.

Tân văn, chính luận, thơ ca, hỏi đáp, tranh biếm họa… là hình thức hiện đại của Báo Thanh Niên thời bấy giờ

Xuất phát từ tính chất của một tờ báo tuyên truyền cách mạng, Thanh Niên chủ yếu cung cấp các “bài đinh” dạng bình luận. Có thể nói, bình luận là “đặc sản” của tờ báo. Chuyên mục này tập trung phân tích, luận bàn các vấn đề thời sự chính trị diễn ra trong nước và trên thế giới, đề xuất các giải pháp cấp bách để động viên sức mạnh của toàn dân vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Một số ít bài báo của chuyên mục này có tên tác giả, còn phần lớn không có tên. Các tên thường ký dưới bài xã luận, bình luận là: Thầy Cai, Z.A.C, XICH, Chi Nham... Có thể phỏng đoán chắc rằng những bài xã luận và bình luận chính trị quan trọng có tính chỉ đạo ở thời kỳ đầu là do chính Nguyễn Ái Quốc viết.

Tuy nhiên, bên cạnh bình luận,số báo nào của Thanh Niên cũng có tin tức khắp nơi trên thế giới. Tên gọi của chuyên mục tin tức cũng có sự thay đổi: Tân văn, Tin tức, Tin trong nước, Tin tức các nước. Tin tức được chuyển tải trên Thanh Niên là những sự kiện cách mạng sôi động và những thông tin thường nhật ở nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Ma-rốc, Pháp, Đức, Mỹ... Đặc biệt, Thanh Niên dành nhiều đất để đăng tải các tin tức xảy ra ở khắp các địa phương trên lãnh thổ nước ta. Tin trên Báo Thanh Niên câu chữ ngắn gọn, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Ngắn gọn trong cách viết của Báo Thanh Niên là cô đọng, hàm súc, không có chữ thừa, câu thừa, mà mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, một mục đích, không phải sáo rỗng, làm cho người đọc ngưng lại suy nghĩ mà âm thầm, sâu lắng.

Thông tin của chuyên mục Tin tức trên báo bao giờ cũng phong phú, sinh động. Nguồn tin của Thanh Niên được lấy từ chính các cơ quan của Bộ thuộc địa Pháp nên có tính thuyết phục cao. Dấu ấn rõ rệt nhất của chuyên mục là: nhiều bài sau khi thông tin sự kiện đều có kèm theo bài bình luận rất xác đáng mang tính hướng dẫn người đọc.

Bên cạnh đó, Thanh Niên còn điểm báo, dịch báo nước ngoài và báo trong nước quacác tin bài lấy từ các báo: Tiếng Dân, Trung Bắc Tân Văn, L'Humanité, La Vie Ouvriere, Argus Indochinois...

Thanh Niên là tờ tạp chí có mục “Phụ nữ đàn” - diễn đàn của phụ nữ với các bài viết được ký bằng những bút danh rất phụ nữ như: Hương Mộng, Mộng Liên, Hương Lan, Nữ Thiếu Hương... Đây là một điểm rất mới nếu xét trong bối cảnh báo chí thời điểm bấy giờ.

Do khuôn khổ bài báo này, chúng tôi xin không đề cập sâu các chuyên mục như Phụ nữ đàn, Vấn đáp, Thơ ca, Tranh biếm họa trên Báo Thanh Niên, nhưng qua khảo sát những trang mục của tờ báo hiện còn được lưu trữ. Có thể thấy, Nguyễn Ái Quốc và các học trò đã tạo ra một sản phẩm báo chí hiện đại, có sự đóng góp quan trọng cho dòng báo chính luận cách mạng, đặc biệt là sự đóng góp vào việc dùng ngôn ngữ tiếng Việt trong báo chí.

Dù khó khăn nhưng Thanh Niên vẫn có sức lan tỏa

Ngày nay, chỉ một cú click chuột, một sản phẩm truyền thông có thể “viral” khắp thế giới, nhưng bấy giờ, thông tin từ Báo Thanh Niên đến với công chúng vô cùng khó khăn, có khi phải trả với cái giá là sinh mạng. Mỗi kỳ báo được in khoảng 100 bản tại Quảng Châu, in roneo. In xong, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến Thượng Hải, Hồng Kông để từ đó chuyển về nước. Nhờ vào hệ thống giao thông liên lạc trên các tàu thủy thủ, việc chuyển báo về nước dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, với số lượng nhiều hơn so với chuyển theo đường bộ. Mặt khác cũng có thể giấu kín được nơi in báo, giữ được bí mật cho cơ quan phát hành. Khi báo về đến tay người đọc, do khuôn khổ, nội dung và số lượng của báo, các cơ sở trong nước lại chép tay hoặc in lại thành nhiều bản để phổ biến được nhiều hơn.

Báo Thanh Niên được trưng bày trong Bảo tàng báo chí Việt Nam

Báo Thanh Niên được trưng bày trong Bảo tàng báo chí Việt Nam

Chẳng hạn tại Hà Nội, Nguyễn Danh Đới, Bí thư tỉnh bộ đã phân công cho Nguyễn Đức Cảnh và một số đồng chí khác tổ chức cơ quan ấn loát ở số nhà 92, phố Chợ Duỗi, in lại tài liệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi về. Nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh kể lại: “Vì là học sinh lại có chữ đẹp, tôi được phân công chép lại và in lại bằng thạch cuốn “Đường cách mệnh”- tác phẩm lý luận cách mạng đầu tiên và Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên viết bằng tiếng Việt do Bác Hồ sáng lập". Và: “Một người chép tay Báo Thanh Niên do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh giao công tác là nữ đồng chí Vũ Thị Mai, con gái gia đình gia thế ở Hàng Đào, Hà Nội. Qua công tác chép tay báo, chị trở thành người cách mạng kiên cường, đi tham gia phong trào vô sản hóa ở vùng mỏ Hòn Gai, sau trở thành đảng viên lãnh đạo đấu tranh ở mỏ được Nguyễn Đức Cảnh và Nguyễn Văn Cừ kết nạp ngay trên hỏa tuyến. Năm 1930, chị bị bắt, tháng 11 năm đó ra trước tòa đại hình Hà Nội trong vụ án Nguyễn Đức Cảnh. Chị mặc áo hồng đứng trước vành móng ngựa, diễn thuyết rất hùng biện, được báo chí công khai thời đó nói đến nhiều”.

Báo Thanh Niên 100 năm trước không chỉ lưu hành trong các chi bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, mà nhờ nỗ lực của người đọc, đã lan tỏa đến với quần chúng, từ những cơ sở cách mạng của Việt kiều ở Xiêm và ở Pháp đến những nhà tư sản và đến với thanh niên, trí thức, học sinh trong nước…

Sức lan tỏa của Thanh Niên đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và giới thiệu với nhân dân ta con đường cách mạng đúng đắn, phương pháp cách mạng đúng đắn, một hình mẫu về người chiến sĩ cách mạng và tổ chức cách mạng, bảo đảm thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Báo Thanh Niên để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc ta và cho các thế hệ làm báo kế tiếp nhiều bài học quý báu.

Phú Trang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/636/172886/bao-thanh-nien-to-bao-khoi-dau-nen-bao-chi-cach-mang