Báo Tiền phong 70 năm: Nhân văn - bản lĩnh và đổi mới
Ngày 16/11/2023, tại Hà Nội, báo Tiền Phong – Cơ quan Trung ương của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm báo Tiền Phong xuất bản số báo đầu tiên.
Lễ kỷ niệm vinh dự được nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi Thư biểu dương tập thể cán bộ, phóng viên Báo Tiền Phong về những thành tích đã đạt được và giao nhiệm vụ cho Báo Tiền Phong trong giai đoạn mới.
Trong bức thư, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong báo Tiền Phong tiếp tục phấn đấu, xứng đáng là tờ báo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - diễn đàn của tuổi trẻ Việt Nam. Mỗi tin bài trên báo phải xuất phát từ “tâm trong, bút sắc, hoài bão lớn”, kết tinh tính nhân văn cao cả, khai mở thiện lương, cộng hưởng sức mạnh, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt tập thể cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, bày tỏ xúc động với lịch sử vẻ vang trong chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành.
Nhà báo Lê Xuân Sơn nhấn mạnh: Báo Tiền Phong, cơ quan Trung ương của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, diễn đàn của tuổi trẻ cả nước đã ra đời trong ngọn lửa chiến tranh cách mạng giành độc lập tự do, bảo vệ Tổ quốc. Trong đội hình của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đội ngũ báo chí Cách mạng Việt Nam, báo Tiền Phong đã cùng tuổi trẻ Việt Nam và quân, dân cả nước đi qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, các cuộc chiến tranh biên giới cũng như các giai đoạn xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên Miền Bắc rồi trên toàn đất nước.
Trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống báo chí, thực hiện quyết định của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong đã tiếp nhận Báo Sinh viên Việt Nam- Hoa Học Trò, tờ báo nhiều dấu ấn mà năm nay cũng tròn 25 năm tuổi sáp nhập vào.
"Trong giai đoạn hiện nay, Báo Tiền Phong cùng với Đoàn Thanh niên, tuổi trẻ cả nước và hệ thống báo chí Cách mạng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cũng như nhiệm vụ và thách thức to lớn. Tập thể Báo Tiền Phong nhận thức rất rõ cần thấm nhuần và thể hiện bản lĩnh cách mạng kiên cường được đúc kết bằng máu xương, sức lực, trí tuệ của bao thế hệ; phát huy vai trò xung kích, thực sự xứng đáng là cơ quan Trung ương, tiếng nói của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, diễn đàn của tuổi trẻ Việt Nam" - Nhà báo Lê Xuân Sơn nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Tiền Phong nhân dịp 70 năm báo Tiền Phong xuất bản số báo đầu tiên.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, báo Tiền Phong ra đời tại chiến khu Việt Bắc, trong giai đoạn chiến tranh, trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, luôn phát huy tinh thần xung kích, tiền phong trong tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; phản ánh khách quan, toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, nhất là các tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của thế hệ trẻ.
Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Tại Đại hội XII của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022 – 2027, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có phát biểu khẳng định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để làm được điều này, theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó có vai trò của báo chí. Báo Tiền Phong vì thế cần tiên phong thực hiện sứ mệnh này, tuyên truyền, khơi dậy sức mạnh, sứ mệnh của thế hệ trẻ.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo chí cần không ngừng đổi mới, có tư duy mới trong công tác tuyên truyền; cần coi trọng chức năng định hướng về đạo đức lối sống, đặc biệt là lòng yêu nước, tự tôn, tự hào dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phát triển.
“Sứ mệnh của báo Tiền Phong của chúng ta là phải đi tiên phong chứ không ai có thể làm thay, bởi báo Tiền Phong là báo của Trung ương Đoàn, của thế hệ trẻ”, Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Báo Tiền phong đã cùng nhau giao lưu, chia sẻ những kỷ niệm trong các thời kỳ làm báo. Nhà báo Phùng Công Sưởng đại diện Ban biên tập báo Tiền Phong chia sẻ về tinh thần người Tiền Phong được phát huy trong bối cảnh mới. Nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết, ngay từ khi là sinh viên đã có may mắn cộng tác với báo Tiền Phong, rồi trở thành người Tiền Phong.
Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, qua 20 năm được công tác ở báo Tiền Phong, càng nhận thức và thấu hiểu thêm tinh thần, giá trị của báo Tiền Phong. Tiền Phong có rất nhiều tinh thần, giá trị, nhưng có thể đúc kết lại ở 6 chữ: Nhân văn - Bản lĩnh - Đổi mới. Sự nhân văn được thể hiện qua từng con chữ, trang báo, ở cách ứng xử nghĩa tình giữa các thế hệ làm báo, đồng nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động xã hội. Bản lĩnh được thể hiện qua những loạt bài điều tra, đặt ra những vấn đề ở lĩnh vực chưa ai đặt, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Đổi mới được thể hiện trong mỗi chặng đường phát triển của báo; người Tiền Phong luôn tìm tòi, tìm kiếm giá trị mới, đổi mới trang báo, đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động báo chí.
"Tôi nhận thức tinh thần và giá trị Tiền Phong đó thực sự là tài sản vô giá, được bồi đắp qua nhiều thế hệ và ngày nay chúng tôi có trách nhiệm nuôi dưỡng, phát huy tinh thần giá trị đó trong bối cảnh mới", nhà báo Phùng Công Sưởng cho hay.
Cách đây đúng 70 năm, ngày 16/11/1953, Báo Tiền Phong xuất bản số báo đầu tiên tại bản Dõn (xã Thanh La, nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Lam- Bí thư Trung ương Đoàn thời điểm đó. Số Báo Tiền Phong đầu tiên in bốn trang đen trắng. Trên trang nhất của số báo này in bài xã luận: “Thà chết không chịu đi lính cho địch”, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thanh niên Pháp...
Theo chủ trương quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống báo chí của Đảng, Nhà nước, năm 2020, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã quyết định sáp nhập một số cơ quan báo chí của Đoàn, trong đó Báo Sinh viên Việt Nam sáp nhập hoàn toàn vào Báo Tiền Phong từ ngày 19/2/2020.