Bảo tồn các loài động vật quý hiếm tại Pù Hu
Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã liên tục đặt bẫy ảnh tại nhiều khu vực rừng tự nhiên, phát hiện và ghi nhận nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam, thế giới. Kết quả này góp phần khẳng định tính đa dạng sinh học của hệ động vật trong Khu bảo tồn, góp phần bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

Các loài gà nguy cấp, quý hiếm thuộc họ Trĩ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu.
Tại các tiểu khu của Khu bảo thiên nhiên Pù Hu, để bảo tồn nguồn gen động thực vật đặc trưng, qua đặt bẫy ảnh, Ban Quản lý ghi nhận, phát hiện nhiều động vật hoang dã như mèo rừng, mang thường, chồn bạc má, chồn họng vàng, gà rừng, gà mặt tiền, lửng lợn... Hình ảnh ghi nhận cho thấy nhiều động vật hoang dã đi theo đàn như mèo rừng, gấu ngựa, hoẵng, lợn rừng... Đây là lần đầu tiên có hình ảnh cụ thể minh chứng xác thực thay vì chỉ ghi nhận bằng các dấu vết như trước đây. Ban Quản lý cũng phát hiện một số loài quý, hiếm gồm mang hoẵng vó vàng, rùa đầu to, rùa núi viền. Riêng chương trình nghiên cứu bộ gà họ trĩ, trong số 20 loài phát hiện được trong Khu bảo tồn có tới 9 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.
Ông Nguyễn Bá Thạch, cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cho biết, đơn vị đang quản lý 27.000 ha rừng, trong đó có hơn 900 loài động vật quý hiếm. Thông qua các chương trình, dự án, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn động vật hoang dã. Khu bảo tồn điều tra, giám sát chuyên sâu, xác định điều kiện phân bố, đặc tính sinh học để bảo vệ loài, tránh nguy cơ tuyệt chủng.
Tại các thôn, bản gần Khu bảo tồn, Ban Quản lý tuyên truyền, thu hút sự tham gia của người dân vùng đệm nhằm bảo tồn động vật hoang dã trong các khu rừng Pù Hu. Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ và phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá các loài để xác định tình trạng quần thể, khu vực sinh cảnh phân bố của những loài động vật đặc hữu để làm cơ sở bảo tồn loài.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa Hà Văn Lâm cho biết, địa phương có các thôn, bản nằm trong khu vực vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu nên chính quyền phối hợp với Công an, Kiểm lâm tuyên truyền, vận động người dân giao nộp súng săn, không khai thác rừng trái phép, đặc biệt vận động bà con không sắn bắt trái phép động vật hoang dã quý hiếm. Nhờ đó, người dân đã thay đổi nhận thức, tình trạng săn bắn động vật trái phép đã giảm mạnh, góp phần bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm tại các khu rừng ở Pù Hu.
Ông Đỗ Ngọc Dương, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu thông tin, đơn vị đang điều tra hiện trạng, phân bố quần thể của các loài động vật để xác định đặc điểm sinh thái, thành phần thức ăn, sinh cảnh sống, cấu trúc quần thể và các yếu tố đe dọa đến môi trường sống, nguy cơ suy giảm quần thể, cá thể. Đơn vị phối hợp, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu.