Bảo tồn cây dược liệu quý trên vùng đất cát Quảng Bình
Sa sâm, còn gọi là sâm biển/sâm cát, hải cúc… và có tên khoa học là Launaea Sarmentosa, là một dược liệu quý trong tự nhiên, vừa là một loại rau sạch mang giá trị cao.
Sa sâm được cho là cây “nhân sâm” quý, có giá trị cao về y - dược, vừa là loại rau sạch mang giá trị dinh dưỡng cao.
Tại Quảng Bình, loài cây sa sâm bản địa mọc tự nhiên trên vùng đất cát ven biển của tỉnh. Loại cây này có giá trị dược liệu cao nên trong tự nhiên bị khai thác quá mức và dần trở nên cạn kiệt.
Với mong muốn góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển giống cây sa sâm bản địa, Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện Dự án "Mô hình Tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh."
Bà Đỗ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình, cho biết để bảo tồn giống sa sâm bản địa trên vùng đất cát và đưa sa sâm trở thành một sản phẩm du lịch là trăn trở của lãnh đạo và các cơ quan ban ngành của tỉnh.
Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh với nhiều năm gắn kết với cộng đồng, hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và ổn định đời sống xã hội, đã đề xuất dự án "Mô hình Tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh”.
Việc thực hiện dự án sẽ góp phần bảo tồn giống cây bản địa, đồng thời tạo cơ hội cho người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học và cùng chung tay bảo vệ môi trường bền vững theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023. Dự án do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ tài chính thông qua dự án “Quỹ bảo tồn” do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Viện Gustav - Stresemann (GSI, Đức) phối hợp thực hiện.
Dự án sẽ thu gom giống tại địa phương để xây dựng vườn ươm với diện tích 200m2; sau đó hướng dẫn kỹ thuật, trồng thí điểm tại hộ gia đình trên 800m2 và tiến tới mở rộng diện tích thêm 2.500m2 trong vụ mùa tiếp theo.
Quá trình triển khai sẽ kết hợp hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, chế biến nhằm tạo tính bền vững của mô hình.
Bà Đỗ Thị Bích Thủy thông tin Dự án hướng đến ít nhất 1.000 người dân được hưởng lợi, trong đó phụ nữ 70%, nam giới 30%. Tính sáng tạo thể hiện ở sự gắn kết giữa phát triển cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học; có sự phối hợp của các tổ chức khoa học để đảm bảo quy trình sản xuất có thể nhân rộng, thành lập tổ hợp tác, nhằm xây dựng mô hình quản lý chuyên nghiệp, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho địa phương, hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững.
Sa sâm còn gọi là sâm biển/sâm cát, rau chân vịt, hải cúc… và có tên khoa học là Launaea Sarmentosa. Loại cây này là một dược liệu quý trong tự nhiên, vừa là một loại rau sạch mang giá trị dinh dưỡng cao.
Theo các nhà nghiên cứu, sa sâm có các thành phần dược liệu như saponin, polyphenol, flavonoid có khả năng chống ung thư, giúp tăng cường hệ tim mạch, giảm thiểu các biến chứng do đái tháo đường và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Tiến sỹ Hoàng Bích Thủy, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình, đánh giá sa sâm được cho là loại cây “nhân sâm” quý, có giá trị cao về y dược vì toàn bộ rễ, thân, lá của cây đều sử dụng được. Lá tươi dùng ăn sống, nấu canh hoặc nấu nước uống giải nhiệt; bột chống lão hóa da, thanh lọc cơ thể.
Toàn cây tươi làm thuốc lợi sữa cho phụ nữ, hoặc giã nát đắp chữa đau khớp… Rễ phơi khô sao vàng chữa sốt, giảm ho, long đờm, nhuận tràng, lợi tiểu, có khả năng phòng và chống bệnh ung thư. Loại cây này nếu ngâm rượu sẽ giúp tăng cường chức năng sinh lý cho nam giới.
Tiến sỹ Hoàng Bích Thủy cho rằng việc triển khai trồng cây sa sâm vừa góp phần bảo tồn giống cây bản địa, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững, chống cát bay, cát nhảy, sa mạc hóa vừa cung cấp nguồn dược liệu quý, giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Tại Quảng Bình, sa sâm là loài cây bản địa mọc tự nhiên trên vùng đất cát ven biển. Đặc biệt, ở xã Hải Ninh, cây sa sâm mọc tự nhiên nhiều hơn các xã ven biển khác nhưng còn phân bố rải rác, chưa được trồng, chăm sóc và bảo tồn.
Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Ninh cho biết, Hải Ninh là xã biển bãi ngang duy nhất của huyện. Nơi đây chủ yếu là đất cát, thời tiết mưa nắng thất thường, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió Lào Tây Nam và thường xảy ra tình trạng cát bay, cát chảy, cát lấp.
Việc triển khai dự án sẽ tạo việc làm cho phụ nữ, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương, đặc biệt là dịp để mỗi người dân cùng chung tay góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Văn Liệu nhấn mạnh: “Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể về đất cát, nhân lực… để Dự án được triển khai thuận lợi. Không chỉ hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân, địa phương mong muốn các đơn vị liên quan sẽ quan tâm hỗ trợ vốn vay và tiêu thụ sản phẩm đầu ra loại dược liệu quý này để người dân có thể đầu tư phát triển ổn định.”
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình Phạm Thanh Nam cho biết rất đồng tình về mục tiêu sau khi hoàn thành của dự án là sẽ hướng dẫn trồng đại trà thêm 2.500m2 diện tích các thôn của xã Hải Ninh trong vụ mùa tiếp theo.
Đây là tầm nhìn dài hạn, có tính chiến lược, để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào cây dược liệu, giúp hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Tương lai sẽ hướng đến việc kết nối thị trường với các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm sa sâm Quảng Bình.
Việc đẩy mạnh công tác nhân giống và trồng cây thuốc trên quy mô lớn, phát triển nguồn dược liệu hàng hóa phục vụ cho việc điều trị trong nước và xuất khẩu đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.
Dự án trồng cây sa sâm đang và sẽ là hướng đi bền vững, ổn định cho người dân về sản vật của địa phương và là điểm nhấn quan trọng của nền nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ven biển./.