Bảo tồn chè cổ thụ Mường Do gắn với xây dựng sản phẩm OCOP
Ai đã từng về với xã Mường Do (Phù Yên) chắc không thể quên hương chè Shan tuyết cổ thụ nơi đây, với màu vàng sánh, hương thơm dịu, uống vào mới đầu có vị chát, đắng, vị ngọt đọng lại. Nay sản phẩm đó, ngày càng được khẳng định về giá trị và thương hiệu khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh năm 2020.
Để tìm hiểu về cây chè đặc biệt này, chúng tôi được chị Hà Thị Nu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè sạch Mường Do đưa đến bản Lằn, nơi có nhiều cây chè cổ thụ nhất của xã Mường Do. Quả thực ấn tượng với những cây chè cao tới 2-3m, thân mốc, sần sùi, người dân phải bắc thang để thu hái. Trong câu chuyện với chị Nu chúng tôi được biết, hiện nay, vùng chè Shan tuyết ở xã Mường Do hiện có hơn 11.000 cây, được thế hệ cha ông vào rừng lấy giống trồng từ những năm 58 của thế kỷ trước. Qua hơn 60 năm ươm mầm, bén rễ tại vùng đất này, cây chè đã trải qua nhiều bước thăng trầm, đã có thời gian dài, cây chè bị lãng quên. Đặc biệt, từ năm 1994 đến năm 2004, giá chè xuống thấp, người trồng chè không còn mặn mà, nhiều diện tích trồng chè bị phá để làm nương, nhiều gốc chè cổ thụ bị đào về làm cảnh, khu vực những cây còn lại cỏ mọc um tùm, trở thành thức ăn cho trâu, bò...
Trầm ngâm giây lát, chị Nu kể tiếp: Nhìn vùng chè cổ thụ do cha ông để lại trước nguy cơ không còn nữa xót lắm! Với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tôi xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền xã triển khai các giải pháp để bảo vệ cây chè và được đồng ý ngay. Tôi vận động hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên tổ chức phát quang bụi rậm, bảo vệ diện tích chè còn lại. Đến tháng 9/2017, được sự hỗ trợ của một số đơn vị, tôi cùng với các hộ dân có chè Shan tuyết trong xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè sạch Mường Do. Với mục tiêu khôi phục, bảo tồn và phát triển vùng chè Shan tuyết, liên kết phát triển sản xuất bền vững, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng chè…
Trong quá trình khôi phục lại vùng chè cổ thụ, Tổ hợp tác được các đơn vị hỗ trợ giúp đỡ, cải tạo những diện tích chè già cỗi, tận dụng các quỹ đất để trồng dặm diện tích chè mới. Theo đó, các thành viên được tập huấn về chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Hệ thống máy móc hoàn thiện khâu chế biến, đóng gói, bao bì, quảng bá cho sản phẩm cũng được Tổ hợp tác đầu tư... Đặc biệt, là Tổ hợp tác đã liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu một phần sản phẩm nên đầu ra tương đối ổn định. Nhờ giải pháp đó, vùng chè Shan tuyết cổ thụ tại Mường Do từng bước được khôi phục và phát triển. Sản lượng chè búp tươi toàn xã đạt khoảng 14 tấn/năm, trong đó, Tổ hợp tác đứng ra mua khoảng 10 tấn/năm với giá 15 - 20 nghìn đồng/kg nhằm phục vụ chế biến sản phẩm. Hiện nay, Tổ hợp tác đang tập trung sản xuất 3 loại trà: trà vàng, trà xanh và trà đen, trong đó, sản phẩm chè xanh là chủ yếu với sản lượng 1,8 tấn chè khô/năm. Vì được sản xuất theo quy trình thủ công bằng nguồn nguyên liệu chè sạch tự nhiên, không bón phân hóa học hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên các sản phẩm chè Mường Do an toàn cho người sử dụng, được nhiều khách hàng tin dùng.
Để khẳng định giá trị và thương hiệu, năm 2020, Tổ hợp tác đã đăng ký sản phẩm chè Shan tuyết Mường Do và được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, được đánh giá 3 sao. Chị Nu chia sẻ thêm: Để trở thành sản phẩm OCOP, sản phẩm phải đảm bảo nhiều yêu cầu, đặc biệt là phải được cơ quan có thẩm quyền công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc... Từ khi sản phẩm chè Shan tuyết Mường Do của Tổ hợp tác được công nhận OCOP đã được mang đi trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông sản của huyện Phù Yên, đây là cơ hội để sản phẩm của chúng tôi ngày càng được nhiều người biết đến.
Được biết, Tổ hợp tác đang chuẩn bị các thủ tục để thành lập HTX với lĩnh vực rộng hơn, ngoài cây chè sẽ trồng thêm một số loại rau, củ, quả phù hợp điều kiện tự nhiên của Mường Do. Tổ hợp tác rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ vốn, kỹ thuật, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.