Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
BPO - Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Trải qua nhiều thập kỷ, việc khai thác lâm sản quá mức cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Điều đó đồng nghĩa với nhiều loài động, thực vật bị đe dọa và một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Bởi vậy, tăng cường hoạt động bảo vệ rừng, động vật hoang dã có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bảo vệ môi trường sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nước ta.
Bài 1
THIÊN NHIÊN KỲ THÚ
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta hiện đang được thực hiện chủ yếu ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nơi các cánh rừng đang được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định pháp luật. Đặc biệt trong số đó, Vườn quốc gia Cát Tiên đã và đang có nhiều hoạt động bảo tồn mang lại hiệu quả cho hệ sinh thái hoang dã với phong cảnh thiên nhiên vô cùng kỳ thú.
Ngôi nhà của muông thú
Vườn quốc gia Cát Tiên trải dài trên địa phận 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Với diện tích hơn 82.000 ha, trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh nên Vườn quốc gia Cát Tiên là môi trường sống rất thuận lợi của hàng ngàn động vật, trong đó có gần 30 loài trong Sách đỏ và rất nhiều quần thể thú lớn như bò tót, trâu, voi, gấu sinh sống.
Được mệnh danh là “ngôi nhà của muông thú”, Vườn quốc gia Cát Tiên có số lượng, số loài nhiều nhất Việt Nam với 96 loài thú, 94 loài bò sát, 903 côn trùng. Trong đó có một số loài động vật quý hiếm, bị đe dọa ở mức toàn cầu như voi, bò tót, cá sấu nước ngọt, gấu ngựa, chà vá chân đen, trăn đất, trăn gấm… Vườn có rất nhiều loài thú quý nên dọc theo tuyến đường nội bộ vào ban đêm, rọi đèn pin du khách không khó để bắt gặp và chiêm ngưỡng nhiều động vật hoang dã hoạt động về đêm như chồn, cheo, nhím, rắn, công xanh, nhất là nai rừng. Tại những bãi cỏ lớn ghi nhận hàng chục con nai mẹ, nai con đi ăn đêm không khác gì một đàn bò do người dân chăn thả. Điều đặc biệt, các loài động vật hoang dã ở đây rất dạn dĩ trước sự xuất hiện của con người. Chúng thoải mái tìm kiếm thức ăn trước đèn pin, ống kính của phóng viên và du khách.
Tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của vườn có 182 cá thể thuộc 32 loài khác nhau được nuôi dưỡng và an sinh. Trong đó, nhiều loài trong Sách đỏ như kỳ đà vân, vượn đen má vàng và các loài chim quý. Đặc biệt, tại khu bán hoang dã, du khách được ngắm các chú vượn đen má vàng bay nhảy tung tăng trên những tán cây cao 30m. Chúng sống theo gia đình từ 3 đến 5 con, gồm bố mẹ và các con. Đây một trong số động vật thuộc nhóm IB - nhóm nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Vườn quốc gia Cát Tiên có 343 loài chim, tựa như đất nước thu nhỏ của loài chim rừng, chiếm hơn 40% tổng loài chim của Việt Nam. Nếu muốn xem đầy đủ các loại chim, động vật hoang dã, côn trùng, bò sát, lưỡng cư thì tại khu bảo tàng của vườn trưng bày khá tổng quan. Các vật chứng được thu thập từ nhiều nguồn qua nhiều năm, trong đó có loài hiện đã tuyệt chủng như tê giác.
Thiên nhiên thơ mộng
Ngoài động vật hoang dã, Vườn quốc gia Cát Tiên có hệ thực vật rất phong phú, đa dạng với 1.655 loài thân gỗ thuộc 168 họ và 57 bộ khác nhau, chiếm tới 62% tổng số bộ và gần 55% tổng số họ thực vật ở Việt Nam. Các loài gỗ quý hiếm phải kể đến như cẩm lai, gõ đỏ, căm xe, giáng hương, lim… Đặc biệt, đến nơi này, du khách được chiêm ngưỡng những cây đại thụ trăm tuổi như cây gõ đỏ bác Đồng 700 năm, cây tung 400 năm, cây si trăm thân 400 năm và hàng trăm cây cổ thụ khác nằm sâu trong rừng.
Ngoài các cây cổ thụ, đến với Vườn quốc gia Cát Tiên, du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng với tiếng nước chảy róc rách bên ghềnh Bến Cự. Ghềnh có chiều dài hơn 500m, nước chảy quanh năm tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đặc biệt, cuối tháng 4, đầu tháng 5, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rớt hạt là thời điểm thích hợp nhất để ngắm muồng hoa đào nở rộ. Hoa có mùi thơm ngọt ngào, một trong những “đặc sản” của Cát Tiên.
Đặc biệt, điểm đáng khám phá, thích thú nhất của nhiều du khách trong và ngoài nước tại Vườn quốc gia Cát Tiên là bàu Sấu. Với cảnh quan hoang sơ, hệ động, thực vật phong phú và nhiều hoạt động giải trí đa dạng, bàu Sấu được xem là quê hương của loài cá sấu nước ngọt hay còn gọi là sấu xiêm. Đây là một loài cá sấu của Việt Nam mà các nhà khoa học trước đây tưởng rằng chúng đã tuyệt chủng. Ở đây có diện tích nước mặt khoảng 2.500 ha vào mùa mưa với 500 cá thể cá sấu cùng một số loại động vật khác có trong Sách đỏ của Việt Nam. Năm 2005, khu đất ngập nước bàu Sâúđược Ban Thư ký công ước Ramsar - UNESCO công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng
Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên Nguyễn Thanh Long cho biết, toàn bộ diện tích đất có rừng tự nhiên của vườn nhiều năm qua được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong đó, 31.604,647 ha đã được ký hợp đồng khoán bảo vệ với 45 tổ/1.209 hộ nhận khoán và 2 đơn vị tập thể Công an, Ban CHQS huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, các lực lượng của vườn tự bảo vệ 47.001,249 ha, trực tiếp là 21 trạm kiểm lâm. Kết quả kiểm tra, nghiệm thu hằng năm cho thấy các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt các công việc đã ký kết theo hợp đồng không để bị mất rừng, suy thoái rừng.
Vườn đã thực hiện phân giao địa bàn quản lý rừng, quản lý cộng đồng dân cư, cộng đồng nhận khoán tới từng cán bộ kiểm lâm, nâng cao trách nhiệm về quản lý và kiểm tra giám sát. Nhờ phân công cụ thể nên rừng được quản lý chặt chẽ hơn, cán bộ kiểm lâm nắm chắc hiện trạng rừng mình phụ trách. Mối quan hệ giữa cán bộ kiểm lâm với cộng đồng nhận khoán thân thiết, gần gũi; các hiện tượng xâm hại tài nguyên rừng được phát hiện, xử lý kịp thời nên không còn tình trạng mất rừng không biết hoặc khi biết thì thiệt hại đã lớn. Dù biên chế còn “mỏng” nhưng lực lượng kiểm lâm luôn phát huy được vai trò trách nhiệm và nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng.
Để bảo vệ nghiêm ngặt hơn, hiện nay đơn vị sử dụng phần mềm thông minh SMART vào quản lý, bảo vệ rừng và cho thấy tính ưu việt của công cụ này. Cụ thể, thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, định vị cây gỗ lớn, quý hiếm trên địa bàn toàn vườn. Đến nay đã định vị được 32.000 cây, lập hồ sơ và xác lập vị trí tọa độ các cây gỗ trên bản đồ hiện trạng làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Xác định phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ rừng, ngay từ cuối mùa mưa hằng năm, vườn đã rà soát, bổ sung phương án PCCCR cho mùa khô tiếp theo với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “4 sẵn sàng” (sẵn sàng lực lượng, sẵn sàng phương tiện, sẵn sàng hậu cần, sẵn sàng chỉ huy). Nhờ thực hiện tốt công tác PCCCR nên từ năm 2011 đến nay, Vườn quốc gia Cát Tiên chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Theo ông Long, mặc dù rừng được kiểm soát, bảo vệ nghiêm ngặt, tuy nhiên tình trạng săn bắn, bẫy bắt động vật còn xảy ra. Bằng hình thức tuần tra, mật phục trên sông Đồng Nai, trên bộ vào ban đêm, tháo gỡ bẫy vào ban ngày, kết hợp trinh sát, theo dõi, nắm bắt thông tin đối tượng vi phạm ở địa bàn các xã giáp ranh với vườn, năm 2022 đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 38 vụ - 42 đương sự, giảm 10 vụ - 41 đương sự so với năm 2021. Tuy giảm nhưng súng tự chế trong dân vẫn còn nhiều, chỉ tính riêng Trạm Kiểm lâm Đăng Hà năm 2022 đã vận động người dân giao nộp 6 khẩu súng tự chế. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ tài nguyên rừng.