Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững

Bài cuối:
HƯỞNG LỢI LỚN TỪ RỪNG

BPO - Bảo vệ hiệu quả diện tích rừng tự nhiên sẽ đem lại tài sản vô giá, đó là môi trường sống, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Điều đặc biệt, số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) giúp nhiều người dân vùng đệm, cộng đồng nhận khoán có nguồn thu ổn định, tích cực đóng góp công sức chung tay bảo vệ “lá phổi xanh”.

Lợi ích kép từ dịch vụ môi trường rừng

Thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 của Chính phủ và nay là Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp, trên địa bàn Vườn quốc gia Cát Tiên đã và đang triển khai 3 loại DVMTR, gồm: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng.

Các kiểm lâm viên phối hợp lực lượng nhận khoán lên phương án bảo vệ rừng hiệu quả

Các kiểm lâm viên phối hợp lực lượng nhận khoán lên phương án bảo vệ rừng hiệu quả

Có 3 đối tượng đang chi trả cho diện tích của Vườn quốc gia Cát Tiên là các cơ sở sản xuất thủy điện; các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí chi trả tiền dịch vụ bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng.

Đối tượng nhận tiền chi trả DVMTR là các tổ cộng đồng thôn, ấp trên địa bàn 11 xã trong vùng đệm, với tổng hơn 1.200 hộ được nhận tiền chi trả, trong đó phần lớn là hộ dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn có các tổ chức nhận tiền chi trả là Ban CHQS và Công an huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR trên lâm phần Vườn quốc gia Cát Tiên hiện nay hơn 78.000 ha, trong đó trên địa bàn tỉnh Bình Phước hơn 4.300 ha.

Tổng số tiền điều phối về Vườn quốc gia Cát Tiên từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước tăng mạnh qua các năm. Năm 2011 mới chỉ có 3,8 tỷ đồng, đến năm 2015 tăng lên 9,6 tỷ đồng và năm 2023 là hơn 30 tỷ đồng. Dự kiến, những năm tiếp theo kinh phí sẽ tiếp tục tăng thêm do mở rộng phần diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên và tăng thu từ các dịch vụ cung ứng khác.

Nguồn thu DVMTR tăng (mức chi trả bình quân hiện 500 ngàn đồng/ha/năm) đồng nghĩa với mức thu nhập bình quân của hộ nhận khoán cũng tăng tương ứng. Năm 2011 chỉ 5,1 triệu đồng/hộ thì năm nay dự kiến khoảng 12 triệu đồng/hộ. Đây là một trong những nguồn thu để nâng cao thu nhập của cộng đồng địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, qua đó nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng.

“Chính sách chi trả DVMTR được thực hiện hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ, phát triển rừng mà còn tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng đệm thông qua việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Chi trả DVMTR hơn 12 năm qua thực sự là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xã hội hóa nghề rừng, nâng cao giá trị gia tăng của rừng” - Phó hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Nhiều tiềm năng

Trong tương lai không xa, Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ thực hiện tiếp các loại DVMTR còn lại theo hướng dẫn chung của Chính phủ. Khi đó chắc chắn thu nhập và nhận thức bảo vệ rừng của cộng đồng địa phương tiếp tục được nâng cao hơn. Bởi Vườn quốc gia Cát Tiên có thêm nhiều tiềm năng cung ứng các DVMTR, trong đó có dịch vụ bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch chắc chắn sẽ phát triển rất mạnh và tạo nguồn thu đáng kể để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giảm áp lực nguồn ngân sách nhà nước. Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch sinh thái dưới hình thức tự tổ chức, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng.

Thực tế tại Vườn quốc gia Cát Tiên, hoạt động du lịch sinh thái ngày càng phát triển với 11 tuyến du lịch, 2 điểm tham quan cùng hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, phương tiện vận chuyển. Số lượng khách du lịch trong và ngoài nướcđến vườn ngày một tăng, năm 2011 chỉ khoảng 20 ngàn lượt người thì năm 2023 dự kiến 60 ngàn lượt khách. Doanh thu hoạt động du lịch từ đó cũng tăng, năm 2011 khoảng 6 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh… Hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ nên đơn vị vẫn chưa thể thực hiện.

Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm

Ngoài nguồn thu từ DVMTR, nâng cao thu nhập cho hộ nhận khoán, Vườn quốc gia Cát Tiên còn tìm nhiều giải pháp tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm. Hiện nay, bên cạnh hoạt động du lịch sinh thái, Vườn quốc gia Cát Tiên đang nghiên cứu hướng dẫn người dân nhân rộng mô hình trồng nấm với sự hỗ trợ của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Trồng nấm linh chi đang được Vườn quốc gia Cát Tiên nhân rộng đến các hộ dân vùng đệm

Trồng nấm linh chi đang được Vườn quốc gia Cát Tiên nhân rộng đến các hộ dân vùng đệm

Chị Nguyễn Thị Anh, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật vườn cho biết: Ngoài bảo tồn khoảng 50 loại nấm quý hiếm, đơn vị đã, đang triển khai các lớp tập huấn cho người dân vùng đệm để phát triển kinh tế nông hộ, đồng thời giảm áp lực tác động vào rừng. Hiện các loài nấm giá trị cao như nấm hương, linh chi, nấm rơm… sẽ dần trở thành đặc sản của Cát Tiên, góp phần tăng thu nhập cho người dân, cũng như tạo được nguồn tài chính bền vững để đầu tư cho các hoạt động bảo tồn tại vườn. Ngoài ra, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật còn nuôi 400 cá thể dúi hướng tới nhân rộng cho người dân vùng đệm khi đủ điều kiện về pháp lý. Theo anh Nguyễn Văn Khánh, nhân viên trung tâm, dúi là động vật rất dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm nên phù hợp với kinh tế nông hộ, là “chìa khóa” giảm tác động vào vườn quốc gia.

Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một khu rừng chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý báu không riêng của Việt Nam. Đây là 1 trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới được tổ chức UNESCO công nhận năm 2001; năm 2005, khu đất ngập nước bàu Sâúđược Ban Thư ký công ước Ramsar - UNESCO công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, cần được bảo vệ nghiêm ngặtvà được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Vườn quốc gia Cát Tiên đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế thực hiện những dự án nghiên cứu về thực, động vật rừng, các loài thủy sản, nấm… Qua đó để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái, phục hồi loài, làm cơ sở cho công tác theo dõi, đánh giá, giám sát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Vườn cũng hợp tác với các dự án về bảo tồn, trong đó có Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ để triển khai các hoạt động đồng bộ từ phát triển sinh kế, tăng cường năng lực về quản lý, giám sát đa dạng sinh học. Đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn tại thực địa cũng như truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.

Và nuôi dúi cũng được vườn hướng tới nhân rộng cho người dân vùng đệm khi đủ điều kiện về pháp lý

Và nuôi dúi cũng được vườn hướng tới nhân rộng cho người dân vùng đệm khi đủ điều kiện về pháp lý

Việc thực hiện tốt các giải pháp bảo tồn, phát triển hệ động, thực vật thời gian qua đã giúp Vườn quốc gia Cát Tiên ngày càng trở nên đa dạng và phong phú hơn. Song song đó là công tác phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp tạo sinh kế cho người dân - “chìa khóa” để họ chung tay bảo vệ rừng hiệu quả.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/144845/bao-ton-da-dang-sinh-hoc-de-phat-trien-ben-vung