'Bảo tồn di sản cho phát triển bền vững': Gìn giữ cho muôn đời sau

Nếu mọi sự sáng tạo đích thực đều là món quà vô giá, thì kho tàng di sản văn hóa được nhiều thế hệ gây dựng, bồi đắp và trao truyền, chính là nền tảng vật chất - tinh thần đã và đang định hình diện mạo quá khứ - hiện tại - tương lai một vùng đất, thậm chí là của cả một dân tộc!

Các tòa Thái Miếu trong Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Ảnh: Tư Liệu

"Bức khảm tinh thần" sống động

Thanh Hóa được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định là một “cái nôi di sản” của Việt Nam. Vùng đất cổ - nơi chứng kiến sự hình thành và phát triển của xã hội loài người - vẫn còn lưu giữ vô vàn sợi dây bện chặt từ quá khứ. Đó là “vệt” dày đặc các di chỉ khảo cổ, với nhiều cái tên nổi bật như hang Con Moong, núi Đọ, Đa Bút, Hoa Lộc... Các di chỉ này có thể ví như những “bảo tàng” sống động, phản ánh chân thực quá trình tranh đấu sinh tồn của loài người từ thuở hồng hoang. Mảnh đất trung tâm của nền văn minh sông Mã, cũng đồng thời là “đất mẹ” của văn hóa Đông Sơn, mà những vệt sáng lấp lánh từ nghìn năm trước vẫn còn tỏa rạng cho đến ngày nay. Từ những bước chân đầu tiên, bằng sức lao động không ngơi nghỉ và trí tuệ tuyệt vời, cha ông ta đã sáng tạo nên một kho tàng di sản văn hóa đa dạng, phong phú và giàu giá trị. Các giá trị văn hóa ấy được phản ánh sinh động trong tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đồng thời, được “dệt” trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của hàng nghìn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Chỉ tính riêng các di sản văn hóa vật thể, theo thống kê, Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là di tích) đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 852 di tích đã được xếp hạng các cấp, bao gồm 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia và 707 di tích cấp tỉnh. Với lịch sử ngàn năm văn hiến, kể từ Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê, đến Tây Sơn qua nhà Nguyễn, đã có nhiều công trình kiến trúc - nghệ thuật bề thế, kỳ vĩ tọa lạc sừng sững trên đất này. Đáng tiếc, dấu vết của không ít di tích trong số đó, giờ chỉ còn được lưu giữ trong tư liệu, sử sách hay trong ký ức dân gian. Dù vậy thì những di tích như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn, nền điện Ly Cung...; các tấm bia Hương Nghiêm, Linh Xứng, Báo Ân, Hưng Phúc; những đình, chùa, miếu mạo và rất nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá, đồng, gỗ độc đáo... Tất cả vẫn đủ để minh chứng rằng, văn hóa xứ Thanh xét ở trên bề rộng - sự phong phú và đa dạng, hay ở chiều sâu - sự giàu có và tinh tế, đều xứng đáng là gương mặt đại diện cho vùng đất giàu truyền thống và nhân văn này.

Nếu các di sản văn hóa phi vật thể - tài sản vật chất, phản ánh chân thực trí tuệ cùng sức sáng tạo; thì di sản văn hóa phi vật thể - tài sản tinh thần, lại bộc lộ rõ nhất chiều sâu tâm hồn con người. Hai giá trị này luôn song hành để bổ sung và làm phong phú đời sống con người. Bởi vậy, sẽ là thiếu xót lớn nếu trong việc bảo tồn di sản lại không chú trọng đúng mức đến các di sản phi vật thể. Thanh Hóa là cái nôi của trò Xuân Phả và dân ca dân vũ Đông Anh độc đáo. Đây cũng là quê hương của lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu nổi tiếng khắp cả nước và là nơi sản sinh nhiều trò chơi, trò diễn độc đáo với Pồn Pôông, Kin Chiêng Boọc Mạy, trò Chiềng. Ngoài ra, còn có hàng trăm lễ hội, tín ngưỡng, tập quán và kho tàng văn học dân gian... đang lưu giữ một phần “ký ức” về các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất này. Các di sản vật thể và phi vật thể ấy là “bức khảm tinh thần”, đã góp phần nuôi dưỡng đời sống văn hóa - tinh thần của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Đồng thời, là cơ sở để tạo ra các giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa, phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội hiện nay.

Trân trọng để trao truyền

Di sản văn hóa là tài sản vô giá, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là chất keo gắn kết cộng đồng dân tộc. Chính vì lẽ đó, đề cao và coi trọng việc bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa là nhiệm vụ cũng đồng thời là mục tiêu đặt ra cho các địa phương. Với một tỉnh có mật độ di sản dày đặc và phong phú như Thanh Hóa, thì bảo tồn các giá trị văn hóa làm nền tảng tinh thần cho phát triển, chưa bao giờ là vấn đề cũ. Nhiều năm trở lại đây, từ nguồn kinh phí ngân sách, các nguồn huy động hợp pháp khác và bằng nhiều giải pháp phù hợp, công tác bảo tồn di sản đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, sự hồi sinh của di sản Lam Kinh là một minh chứng thuyết phục.

Là “thánh địa” của vương triều Hậu Lê và phản ánh một giai đoạn phát triển huy hoàng bậc nhất của quốc gia Đại Việt, cho nên Lam Kinh thể hiện một trình độ cao về văn hóa - kiến trúc nghệ thuật thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Tuy nhiên, trải qua ngót 6 thế kỷ tồn tại, với vô vàn biến cố hưng vong của vận nước, di tích đã bị hủy hoại nặng nề và gần như trở thành phế tích. Mãi đến năm 1962, Lam Kinh mới được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia và đưa vào quy hoạch để bảo vệ. Đến năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lam Kinh.

Theo các tài liệu còn lưu lại, thì Lam Kinh là quần thể kiến trúc nghệ thuật quy mô lớn, bề thế và trang nghiêm. Trong đó có các công trình chính như Chính điện, Thái miếu, Tả vu, Hữu vu, Tây thất, Đông trù, Nghinh môn, sân Rồng, hồ Bán nguyệt, sông Ngọc, cầu Bạch, hồ Tây, hồ Như Áng... Đồng thời, còn một hệ thống lăng mộ, bia ký của các vua và hoàng hậu như Vua Lê Thái tổ (Vĩnh Lăng), Lê Thái tông (Hựu Lăng), Lê Thánh tông (Chiêu Lăng), Lê Hiến tông (Dụ Lăng), Lê Túc tông (Kinh lăng)... Với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ vốn ngân sách và qua quá trình phục hồi, tôn tạo kéo dài hơn 2 thập kỷ, di tích đã được trả lại diện mạo tương đối hoàn chỉnh. Qua đó góp phần khẳng định sự hiện diện của khu miếu điện, lăng tẩm Lam Kinh - với những giá trị trường tồn và không thể thay thế - đã trở thành một biểu tượng văn hóa thời Lê trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

Một trong những công trình được đầu tư phục dựng công phu nhất phải kể đến Chính điện Lam Kinh. Qua hàng chục cuộc khảo sát và khai quật khảo cổ, giới chuyên gia đã nhận định rằng, Chính điện là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất và phức tạp nhất trong Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Do công trình đã bị hủy hoại hoàn toàn, nên quá trình thực hiện các nhà nghiên cứu và đơn vị thi công đã tốn nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu, hoa văn, sản xuất các mẫu trang trí con giống và lựa chọn phương án thi công. Kể từ lễ Phạt mộc (năm 2010), công trình này đã mất tới gần 7 năm để hoàn thành, với tổng mức đầu tư gần 260 tỷ đồng. Chính điện có kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột, hoa văn trang trí bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng và các linh vật, hoa lá được điêu khắc tỉ mỉ, công phu, với hơn 2.000m3 gỗ lim và cần hàng chục thợ lành nghề đục đẽo, trạm khắc.

Chính điện tọa lạc trên tổng diện tích gần 1.780 m2 và là công trình có giá trị to lớn bậc nhất về lịch sử - văn hóa tại Lam Kinh. Với kiến trúc hình chữ Công, gồm 3 điện nối liền nhau là Quang Đức (Tiền điện), Sùng Hiếu (Trung điện) và Diên Khánh (Hậu điện), công trình mang nhiều hàm nghĩa tốt đẹp. Trước hết, đó là biểu tượng cho tài năng và đức độ của Vua Lê Thái tổ luôn tỏa rạng thiên hạ (điện Quang Đức). Đồng thời, đề cao, tôn sùng đạo hiếu (điện Sùng Hiếu) và khát vọng vun đúc, kéo dài sự tốt lành cho vương triều cũng như quốc gia Đại Việt (điện Diên Khánh). Có thể khẳng định, sự hiện hữu của tòa Chính điện ví như linh hồn của toàn bộ di sản Lam Kinh, đã mang đến cho “kinh đô tưởng niệm” này một diện mạo vừa tinh tế, vừa phảng phất hơi thở cổ xưa đặc biệt tôn nghiêm.

Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu của tỉnh Thanh Hóa, là cơ sở để nhiều di sản có giá trị cao về lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật được bảo tồn, tu bổ, chống xuống cấp. Đặc biệt, từ khi Luật Di sản văn hóa (năm 2001) được ban hành và có hiệu lực đến nay, toàn tỉnh đã có trên 700 di tích được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và các nguồn xã hội hóa. Riêng giai đoạn 2016-2020, đã tu bổ, tôn tạo được 230 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Phần đa trong đó là những di tích trọng điểm, có ý nghĩa lớn về lịch sử - văn hóa và gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hoặc là những di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa hạn chế. Nhiều di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo, phục dựng đã và đang phát huy được giá trị, với tư cách một sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh hấp dẫn. Điển hình là Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, đền thờ Lê Lai, đền Đồng Cổ, Thái miếu Nhà Lê, phủ Trịnh, di tích Ba Đình, di tích Ngọc Trạo, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, nghè Vẹt, đền thờ Trần Khát Chân và chùa Hoa Long, đền Độc Cước, đền Cô Tiên...

Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa vật thể, việc sưu tầm bảo lưu, giữ gìn các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, trò chơi trò diễn dân gian, làng nghề truyền thống... cũng đang được quan tâm. Theo đó, đã có hàng chục công trình nghiên cứu có giá trị và nhiều ấn phẩm được giới thiệu liên quan đến các loại hình văn hóa phi vật thể xứ Thanh. Điển hình như các cuốn “Di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa”, “Di tích và danh thắng Thanh Hóa” (9 tập), “Các nghề truyền thống Thanh Hóa” (3 tập), “Lễ hội truyền thống xứ Thanh” (2 tập)... Bên cạnh đó là việc khôi phục, sưu tầm, khai thác, giới thiệu các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn, ca dao, tục ngữ, truyện thơ của các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông. Tiêu biểu như dân ca - dân vũ Đông Anh, trò Xuân Phả, hò Sông Mã, trò Tú Huần, trò Chiềng, Xường, Xéc bùa, Khặp hoa, Khua luống, Kin Chiêng Boọc Mạy, Pồn Pôông, ca trù, hát xẩm... Ngoài ra, việc khai quật hàng chục di tích khảo cổ đã phát lộ nhiều nền văn hóa cổ xưa, góp phần làm sáng tỏ và khẳng định sự phong phú, đa dạng văn hóa xứ Thanh trên bức tranh di sản văn hóa Việt Nam.

Mặc dù có kho tàng di sản giàu giá trị, song do tác động của nhiều yếu tố khách quan như thời tiết, chiến tranh và sự hủy hoại của con người, nên nhiều di sản đã và đang ngày càng xuống cấp hoặc trở thành phế tích. Đồng thời, thực trạng này đã khiến cho công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp và phát huy giá trị di sản gặp không ít khó khăn. Bởi các di tích luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại, nên cần nguồn kinh phí rất lớn và thường xuyên. Song, kinh phí cũng mới là điều kiện cần, bởi lẽ, công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di sản là nhiệm vụ hết sức phức tạp. Do đó, nó đòi hỏi cả đội ngũ quản lý văn hóa và giới nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia phải vừa có tâm, có tầm, vừa có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu về lịch sử, văn hóa, khảo cổ... Tuy nhiên, đây vẫn đang là một khâu yếu trong “quy trình” bảo tồn giá trị di sản văn hóa hiện nay. Thực trạng này đã dẫn đến không ít bất cập, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa ở các địa phương, đơn vị.

Văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của mọi sự phát triển. Do vậy, bảo vệ nền tảng văn hóa - mà cụ thể là các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể - cũng chính là góp phần bảo vệ bản sắc dân tộc, hay những giá trị bền vững, những tinh hoa sáng tạo của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên dải đất này.

Bài 2: Xâm hại di tích: Bài toán cần lời giải.

Nhóm PV Văn hóa - xã hội

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/bao-ton-di-san-cho-phat-trien-ben-vung-gin-giu-cho-muon-doi-sau/123647.htm