Bảo tồn di sản, di tích là chuyện không dễ

Theo các nhà nghiên cứu, công tác trùng tu di tích, di sản hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn khi do nhiều nguyên nhân, các đơn vị sử dụng không mặn mà khi đưa công trình vào xếp hạng di sản, di tích.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, tính đến tháng 9/2019, toàn thành phố có 172 di tích được xếp hạng, trong đó 2 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia (2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử), 114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích - lịch sử) và 100 công trình, địa điểm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, quá trình đô thị hóa có phần cẩu thả đã khiến nhiều công trình di tích, di sản biến mất như: địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son; cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị của Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng; Thương xá Tax; Công viên Chi Lăng; Nhà đèn Chợ Quán; cầu Nhị Thiên Đường...

Cũng vậy, tại khu vực trung tâm thành phố, ngoài các công trình văn hóa thì trong việc bảo tồn biệt thự cổ cũng đã xuất hiện các “xung đột” giữa cơ quan quản lý Nhà nước và người dân. Hiện trên địa bàn thành phố có tổng cộng khoảng 1.300 biệt thự cổ. Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đã xây dựng bộ mẫu phiếu kiểm kê đánh giá để giúp phân loại biệt thự, tổ chức đánh giá, phân loại theo tiêu chí đã được UBND TP.HCM ban hành. Tuy nhiên, trong danh sách trên, hiện khoảng 600 biệt thự đã “biến mất”…

Theo các nhà nghiên cứu, công tác trùng tu di tích, di sản hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn khi do nhiều nguyên nhân, các đơn vị sử dụng không mặn mà khi đưa công trình vào xếp hạng di sản, di tích.

Mới đây, Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM tổ chức giám sát việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị tại một số điểm trên địa bàn các quận 1, 5, Bình Thạnh. Sau đó, ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM đã bày tỏ sự lo lắng về nhiều công trình nếu chính quyền địa phương không phối hợp tốt với chủ cơ sở sẽ làm mất đi kiến trúc ban đầu.

Theo ông Kiên, cần có sự thuyết phục hợp lý hợp tình của các cơ quan chức năng đối với những trường hợp này… Ngoài ra, đối với di tích đã xếp hạng, khi vướng các thủ tục pháp lý, chính sách khiến công tác trùng tu, tôn tạo bị cản trở, các quận huyện nên sớm có báo cáo hoàn chỉnh trình lên HĐND TP.HCM để kiến nghị tháo gỡ.

Góp ý với cơ quan quản lý Nhà nước, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, các địa phương nên linh hoạt trong quá trình tìm nguồn kinh phí để tu bổ di tích. Với các biệt thự cổ được đưa vào dạng bảo tồn, địa phương nên đề xuất cơ chế, bảo đảm hài hòa, cân đối, tránh xung đột giữa lợi ích chủ sở hữu và công tác bảo tồn.

Để các di sản di tích không “biến mất”, TS. Hòa đề xuất trong quá trình phát triển đô thị, nếu buộc phải chấp nhận đánh đổi di sản để đem lại lợi ích lớn hơn nhiều lần thì nên làm "phụ lục" di sản bị phá hủy ở ngay cạnh công trình mới thông qua bảng giới thiệu, hình ảnh, các hiện vật còn sót lại, mô hình thu nhỏ của di sản lúc tồn tại... Ngoài ra, để công tác quản lý, bảo tồn có hệ thống hơn, các cơ quan chức năng cần phải làm “lý lịch” cho từng di sản để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị bền vững.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/bao-ton-di-san-di-tich-la-chuyen-khong-de-94142.html