Bảo tồn di sản nhìn từ công tác nghiên cứu khoa học
Tại Kỳ họp lần thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới lần thứ 46 tại Ấn Độ, Việt Nam đã đạt được thành công đáng ghi nhận khi hồ sơ khoa học 'Báo cáo tình trạng bảo tồn khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội' được thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc Ủy ban Di sản Thế giới chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển di sản khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, mở ra điều kiện để đề xuất chủ trương đầu tư dự án tái hiện không gian và chính Điện Kính Thiên. Đây là một kết quả có ý nghĩa quan trọng, minh chứng những nỗ lực bảo tồn di sản của Việt Nam theo các cam kết quốc tế.
Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2010 bởi những giá trị khảo cổ tại khu vực này. Thời điểm đó, câu chuyện của Điện Kính Thiên chỉ tồn tại trong các trang sử. Thế nhưng sau hơn 20 nghiên cứu khảo cổ tại khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, hơn 10 năm nghiên cứu khảo cổ khu vực chính Điện Kính Thiên, các nhà khoa học đã bước đầu nhận diện được không gian, bố cục và hình dáng của cung điện quan trọng này.
Khoa học ngày càng phát triển và các nghiên cứu khoa học mỗi thời kỳ sẽ đều có những tính mới. Chính vì thế, để bảo tồn di sản tốt nhất thì công tác nghiên cứu khoa học phải được xác định là công tác liên tục, lâu dài. Với những kết quả tích cực sau 20 năm nghiên cứu về Hoàng Thành Thăng Long, hi vọng công trình chính Điện Kính Thiên cũng như không gian của chính Điện Kính Thiên sẽ hiện diện trong đời sống thực sớm nhất, đáp ứng mong mỏi của người dân thủ đô nói riêng cũng như người dân cả nước nói chung.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!